Những điều cha mẹ có con tự kỷ vào lớp 1 nên làm

05/05/2018 - 06:58
Có con tự kỷ bước vào lớp 1 khiến cha mẹ vô cùng lo lắng bởi con thường gặp vấn đề về giao tiếp xã hội. Chính vì vậy, cha mẹ cần chuẩn bị thật chu đáo cho trẻ tự kỷ để con có thể thích nghi với môi trường mới.
Nhiều cha mẹ lo lắng khi con tự kỷ bước vào lớp 1. Ảnh minh họa

Thời điểm này năm ngoái, chị Cẩm Thu (Ba Đình, Hà Nội) đang rối bời vì không biết cậu con trai tự kỷ của mình có theo học được lớp 1. Về nhận thức, chị hoàn toàn tự tin về con nhưng điều khiến chị lo lắng là hành vi sinh hoạt hàng ngày của con chưa ổn định. Ở trong lớp, con sẽ không thể ngồi yên như các bạn mà sẽ chạy lăng xăng, không tập trung, trêu ghẹo, đánh, thậm chí cắn các bạn. Thế nên, chị băn khoăn để con học chậm lại 1 năm hay chuyển con đến trung tâm chuyên biệt hay cứ "liều" cho con học trường công để con hòa nhập với các bạn.

Khi quyết định cho con tự kỷ vào lớp 1 trường công, chị Cẩm Thu đã phải nhờ sự tư vấn, hỗ trợ rất nhiều từ các cô giáo dạy chuyên biệt. Bởi nếu không hiểu về trẻ tự kỷ thì trẻ sẽ không dễ hợp tác.

“Trước khi vào lớp 1, với trẻ tự kỷ thì điều khó nhất là thay đổi môi trường từ mầm non chơi nhiều hơn học, lên tiểu học, học nhiều hơn chơi. Chính vì vậy, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý về điều này cho con.

Hơn nữa, trẻ tự kỷ hay tăng động, vì vậy ngồi yên 45 phút trong giờ học là rất khó. Thế nên, cha mẹ cần rèn cho con biết ngồi yên trong khoảng thời gian đó. Sự không tập trung cũng là điều diễn ra bình thường ở trẻ tự kỷ trong các giờ học kéo dài. Vậy nên, các cha mẹ không nên quá lo lắng về việc này. Chỉ cần sự quan tâm, nhắc nhở, vừa nghiêm khắc, vừa nhẹ nhàng, trẻ tự kỷ sẽ nghe. Nề nếp ở lớp, ở trường, khi tập trung xếp hàng cả tiếng lúc chào cờ, mít tinh, các hoạt động tập thể thì con cũng hòa nhập dần, không phá hàng, không chạy lung tung…

Ngoài những điều trên thì việc chuẩn bị cho trẻ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hàng ngày là việc quan trọng nhất để chuẩn bị cho trẻ tự kỷ vào lớp 1. Chính vì vậy, thông qua các hoạt động hàng ngày, cha mẹ cần tập cho trẻ biết diễn đạt một cách rõ ràng, mạch lạc, không nói ngọng, nói lắp, nói lí nhí, dạy tẻ thể hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh giao tiếp.

 

Cha mẹ hãy chuẩn bị cho con một tâm thế thoải mái để con thỏa sức tìm hiểu, học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Ảnh minh họa: zing.vn

Ngoài ra, cha mẹ cũng giúp trẻ thích ứng với hoạt động mới như sắp xếp bàn ghế, cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đúng. Cần hướng dẫn trẻ điều khiển, vận động bàn tay để thực hiện một cách gọn gàng, dẻo dai các thao tác vận động trong giờ học, giờ chơi, giờ ăn…

Trong quá trình học hỏi từ các mối quan hệ mới, trẻ tự kỷ chưa hiểu được mình nên học hỏi điều gì (khái niệm tốt, chưa tốt, nên hay không nên) vì thế trẻ học cả những điều tốt cũng như những điều chưa tốt mà trẻ nhìn thấy, nghe thấy từ những người xung quanh. Trẻ học được sự cạnh tranh (cách thể hiện qua cử chỉ, điệu bộ…) của các bạn khác trong cả giờ học, giờ chơi.”, chị Cẩm Thu chia sẻ.

Giờ sắp kết thúc năm lớp 1, chị Cẩm Thu hài lòng khi con có thể theo học được và đặc biệt biết nghe theo mệnh lệnh của cô giáo, biết chơi với các bạn dù đôi khi vẫn nhận được những phàn nàn từ các phụ huynh khó tính. “Lớp 1 là tiền đề cho con bước vào cánh cổng phát triển toàn diện cả về nhận thức và tư duy… Vì thế, trong giai đoạn này cha mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành cùng con, quan tâm, hướng dẫn và sẻ chia với con những khó khăn khi con gặp phải. Cha mẹ hãy chuẩn bị cho con một tâm thế thoải mái để con thỏa sức tìm hiểu, học hỏi và khám phá thế giới xung quanh”, chị Cẩm Thu cho biết

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm