pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những "giấc mơ dang dở" trên sông Cầu
Hộ gia đình bà Thư là một trong những gia đình đặc biệt khó khăn ở thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, Bắc Giang
Thôn không nhà
Thôn Nguyệt Đức từng được gắn với những cái tên chẳng lấy gì làm vui vẻ như "thôn 5 không" (không điện, không đường, không đất, không nước sạch, không nhà sinh hoạt cộng đồng).
Theo ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, xã có 3 thôn gồm: Thổ Hà, Yên Viên và Nguyệt Đức. Với dân số gần 1 vạn người, thôn Thổ Hà chỉ có đất thổ cư, không có đất nông nghiệp, còn thôn Nguyệt Đức không có cả đất thổ cư lẫn đất nông nghiệp. "Trước đây, vì sợ nguy hiểm nên bên điện lực không kéo điện ra ngoài sông, giờ điện đã có và nước sạch cũng đã đến với từng hộ gia đình nhưng cả thôn với 186 hộ đều ở thuyền", ông Mỹ chia sẻ.
Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thư (70 tuổi), chị Trương Thị Hiền Lương, Bí thư Chi bộ thôn Nguyệt Đức, cho biết: Gia đình bà Thư là một trong những hộ dân khó khăn nhất xã Vân Hà. Bà Thư không có chồng, trước đây từng lang bạt khắp nơi kiếm sống rồi làm mẹ đơn thân của 2 đứa con. Sau một thời gian vào miền Nam làm thuê, bà Thư trở về thôn Nguyệt Đức với 2 bàn tay trắng.
Thấy em gái không chỗ dung thân, ông Nguyễn Văn Dương, anh của bà Thư, thương tình cho mấy mẹ con bà con thuyền nhỏ làm chỗ chui ra, chui vào. Ai thuê gì làm nấy, ngày qua ngày đối mặt với nghèo đói nhưng rồi bà Thư cũng nuôi các con khôn lớn. Những tưởng khi các con trưởng thành, cuộc đời bà sẽ bớt cơ cực nhưng không, cái chữ không có, các con bà Thư chẳng xin được việc gì tử tế. Hai người con trai lấy vợ nhưng cả 2 con dâu cũng đã bỏ đi, để lại cho bà Thư 3 đứa cháu nhỏ. Con trai lớn của bà giờ đi đâu, làm gì, bà cũng chẳng biết. Người con còn lại không có việc làm, ngày ngày ở bến thuyền và cả nhà chỉ trông chờ mấy đồng tiền rửa bát thuê của bà Thư nuôi sống.
Cạnh thuyền của bà Thư là thuyền của gia đình ông Nguyễn Văn Dương. Được xem là "hộ khá giả của thôn" nhưng tài sản lớn nhất của ông Dương cũng chỉ là con thuyền xi măng cũ kỹ. Con thuyền ấy được ông Dương ngăn ra thành từng phòng. Gọi là "phòng" cho sang, thực tế chỉ là những tấm vách ngăn để đảm bảo sự riêng tư của các thành viên trong gia đình. "Tôi cũng chẳng biết tôi là đời thứ mấy ở trên thuyền. Từ ông, cha rồi đến tôi và mấy đứa con của tôi nay cũng đã ngoài 40 tuổi, tất cả đều sinh ra và lớn lên trên sóng nước sông Cầu", ông Dương chia sẻ.
Nhắc đến chuyện "lên bờ", ông Dương thở dài: "Đã có thời điểm tưởng như giấc mơ đã thành hiện thực. Chính quyền thông báo đã có khu tái định cư, họ đã về làm các thủ tục với người dân nhưng sau cùng, tôi và cả trăm hộ dân khác vẫn chưa thể rời khỏi nơi này. Vợ chồng tôi đã ngoài 70 tuổi, lên bờ hay không giờ chẳng mấy quan trọng nhưng thương các con, các cháu vẫn phải sống lênh đênh trên sông, trong khi nghề đánh bắt tôm cá hay vận tải đường sông giờ không làm được nữa".
Giấc mơ dang dở
Theo một số bậc cao niên trong thôn, trước đây có một số hộ gia đình làm nghề chài lưới vùng Nam Định ngược dòng tới sông Cầu kiếm kế sinh nhai rồi chọn bến sông Nguyệt Đức làm chỗ neo đậu. Sau nhiều đời, số nhân khẩu của làng chài Nguyệt Đức không ngừng tăng và hiện nơi đây có 186 hộ gia đình sinh sống. Chị Trương Thị Hiền Lương nói rằng, cũng có giai đoạn người dân Nguyệt Đức "ăn nên làm ra". Đó là khi nghề vận tải đường sông phát triển, ngày mà tên tuổi gốm Thổ Hà còn được nhiều người ưa chuộng. Thuyền của làng chài trở thành phương tiện vận chuyển đắc lực cho làng nghề. Thế nhưng làng nghề mai một, nghề vận tải trên sông cũng gặp vô vàn khó khăn. Hiện nay, nước sông Cầu đoạn chảy qua địa phận thôn Nguyệt Đức thường xuyên bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản, tôm cá ngày càng cạn kiệt.
Cuộc sống lênh đênh trên sông nước nên một thời gian dài, thôn Nguyệt Đức đối diện với nạn thất học khi những đứa trẻ ở đây ít có cơ hội học hành. "Không chỉ thế hệ 7X, 8X mà có nhiều thanh niên 9X cũng không biết chữ. May mắn, trẻ nhỏ ở Nguyệt Đức giờ đã được học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng cuộc sống hàng ngày trên thuyền vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn, hiểm nguy", chị Lương chia sẻ.
Theo chị Lương, năm 2023, làng chài Nguyệt Đức đã chứng kiến 3 trường hợp tử vong vô cùng thương tâm. Một trường hợp cụ bà tử vong vì bị lật thuyền khi đang nhặt ve chai trên sông. Hai trường hợp là trẻ nhỏ ngã xuống sông chết đuối.
Hiểm nguy là thế nhưng tiền đâu để lên bờ? Những chiếc thuyền vẫn là nơi ăn ở của người dân làng chài này. Ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, cho biết, đáng ra giờ này người dân đã lên bờ và có cuộc sống ổn định. Thế nhưng, khi khu định cư của người dân đã được xác lập, 74 tỷ đồng để xây dựng cũng đã được chuẩn bị thì lại gặp vướng mắc. Cụ thể, năm 2011, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng dự án di dân vùng sạt lở ven sông nhằm đưa các hộ dân thôn Nguyệt Đức lên bờ.
Đến năm 2019, Dự án sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, chính thức hình thành với quy mô 5 héc-ta được bố trí tại Đồng Xăng, xã Vân Hà. Chính quyền xã cũng đã khảo sát và xác định 139 hộ đủ điều kiện cấp đất tại khu tái định cư. Tuy nhiên, do địa hình của xã Vân Hà có 3 mặt được bao bọc bởi sông Cầu, là hành lang thoát lũ theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên dự án đã phải dừng lại chờ ý kiến. "Chúng tôi mong sẽ sớm gỡ được vướng mắc này để giấc mơ lên bờ của người dân thôn Nguyệt Đức thành hiện thực, họ đã chờ đợi quá lâu", ông Mỹ nói.