"Bây giờ các thầy cô giáo ốm thì phụ huynh có đến thăm hỏi chưa?”
Nhiều ngày qua, dư luận bức xúc trước hành xử của một Hiệu trưởng ở Vĩnh Phúc khi từ chối trách nhiệm với một học sinh khi em này gặp nạn tại trường.
Cụ thể, theo một phụ huynh có con bị tai nạn do cổng trường bị hỏng, đổ và đè vào người, khi báo cáo sự việc với hiệu trưởng nhà trường, vị này đã có hành xử đáng lên án. Ông Trần Xuân Ngọc- Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Quan 1 (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) khi biết vụ việc đã đặt câu hỏi với phụ huynh rằng: "Bây giờ các thầy cô giáo ốm thì phụ huynh có đến thăm hỏi chưa?”.
Vị này còn lớn tiếng cho rằng, hiện trường có hơn 800 học sinh. Giáo viên chỉ có trách nhiệm quan tâm dạy dỗ, nếu các cháu ốm đau thì nhà trường cho nghỉ. Còn nhà trường không có quỹ gì để đến thăm hỏi cháu được.
“Có chăng, lớp có quỹ lớp thì mua cân đường hay hộp sữa đến hỏi thăm, còn nhà trường không có trách nhiệm đến thăm hỏi. Chúng tôi không đi được cả xã” - phụ huynh thuật lại lời của Hiệu trưởng.
Chị Hoàng Thị Hoa (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc khi đọc thông tin về vụ việc này, những người lạ khi chứng kiến một đứa trẻ bị gãy xương vì cổng trường đổ, chắc chắn cũng sẽ thấy xót xa, thương cảm, sẵn sàng giúp đỡ cháu bé và động viên gia đình. Đằng này là Hiệu trưởng mà hành xử như vậy, thật khiến người ta không thể tin nổi.
Mặc dù ông Trần Xuân Ngọc sau đó đã lên tiếng xin lỗi và sửa sai, song câu chuyện buồn về văn hóa quản lý của lãnh đạo một trường học, một lần nữa lại đặt ra nhiều suy nghĩ.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho biết, trong vai trò của một người lãnh đạo, hành xử như vậy đã đáng trách rồi, song với một môi trường giáo dục - khi mà sự tôn trọng, trân trọng con người phải đặt lên hàng đầu, thì lại càng đáng trách hơn.
“Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm toàn diện trong môi trường người đó làm việc, đặc biệt với trường học- nơi giáo dục học sinh thì càng phải nêu cao trách nhiệm, càng phải là tấm gương để học sinh noi theo. Với đặc thù của môi trường giáo dục là tôn vinh và bảo vệ con người thì văn hóa quản lý của một lãnh đạo như vậy thật đáng trách”- TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Hiệu trưởng trước hết phải là nhà sư phạm
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, sự việc hi hữu khiến chiếc cổng trường đã hoen gỉ, hỏng hóc đến mức đổ sập vào học sinh đặt ra công tác tổ chức quản lý của nhà trường không chặt chẽ.
“Nếu hiệu trưởng quản lý thường xuyên, phân rõ trách nhiệm của từng bộ phận đến nơi đến chốn và cụ thể thì đã không có chuyện bảo vệ tắc trách, đến mức cổng trường bị hỏng cũng không phát hiện ra!”- ông nói.
Thực tế, câu chuyện về hành xử thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một trường học không phải xảy ra lần đầu. Trước đó, nữ hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đã khiến dư luận phẫn nộ khi chối bỏ việc mình gây tai nạn cho học sinh, khiến em này bị gãy xương đùi.
“Nếu hiệu trưởng nào cũng coi mình là quan chức giáo dục, ai cũng phải quỵ lụy nhờ vả thì thật nguy hại. Người hiệu trưởng đúng nghĩa phải làm điều ngược lại, đó là hết sức quan tâm đến mọi người, làm rõ trách nhiệm của từng bộ phận để quản lý một cách bền vững bởi mọi thứ xảy ra đều gắn với con người”- TS Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề.
Ông cũng cho rằng, thêm một sự việc để đặt ra trách nhiệm cho công tác tuyển lựa quản lý ngành giáo dục. Chọn ra một hiệu trưởng đúng nghĩa, theo ông không chỉ là người có khả năng quản lý đơn thuần mà trước hết phải là nhà sư phạm. “Chọn hiệu trưởng bây giờ mà cứ cần phong bì để được lên chức thì nguy hiểm lắm cho ngành giáo dục trồng người của nước nhà!”- ông nói.