pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những hoạt động thiết thực giúp hội viên, phụ nữ vùng cao phát triển kinh tế
Vườn nhà chị Lò Thị Mai (thị trấn Bắc Yên)
Nhiều hội viên thoát nghèo
Phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi và trồng trọt đã và đang là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả đối với đời sống hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Bắc Yên. Với mô hình này, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, trong đó gia đình chị Lò Thị Mai (thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên, Sơn La) là điển hình. Gia đình chị Mai đã thoát nghèo với mô hình trồng trọt và chăn nuôi với thu nhập từ 110-130 triệu đồng/năm.
Chị Mai cho biết, trước đây gia đình thuộc diện khó khăn của xã. Tuy nhiên, với quyết tâm thoát nghèo, chị đã tìm hiểu, học hỏi qua tivi, sách báo, qua mạng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Chị nhận ra, nếu không lấy ngắn nuôi dài, không xen canh thì khó bám trụ lâu dài được. Nhận thấy diện tích đất vườn nhà còn nhiều chỗ trống, chị đầu tư trồng xen kẽ rau xanh, các loại rau thơm, rau ngắn ngày và hoa, mùa nào rau nấy, vừa gối vụ, vừa lấy ngắn nuôi dài và chăn nuôi thêm gà, ngan, vịt, lợn giống bản địa để tận dụng nguồn rau dư thừa làm thức ăn chăn nuôi. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch, dần dần, các loại rau ngắn ngày đã bắt đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, gia đình chị Mai dần ổn định cuộc sống.
Cũng như chị Mai, gia đình chị Lò Thị Cương (bản Khoa, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Sau khi được cán bộ Hội Phụ nữ xã tư vấn, tháng 4/2020, vợ chồng chị quyết định mua vài cặp dúi về nuôi thử.
Theo chị Cương, thức ăn của dúi là các sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như: mía, ngô… Thức ăn này phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ để dúi không bị tiêu chảy. Khi nuôi dúi được từ 6-7 tháng là có thể ghép đôi để chúng giao phối đúng thời điểm phát dục. Sau đó, khoảng nửa tháng thì tách dúi cái nuôi riêng để sinh sản. Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 3- 4 con. Con non từ khi sinh ra khoảng 3 tháng là có thể xuất bán con giống với giá khoảng 1-2,5 triệu đồng cho một cặp dúi giống, chị Cương chia sẻ.
Bước đầu thấy dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít tốn diện tích làm chuồng... Vợ chồng chị Cương mua thêm về nhân đàn rồi dần dần mở rộng, phát triển đàn, đến nay có gần 200 con. Từ bước đầu nuôi thử nghiệm dúi thành công, vợ chồng chị quyết định chọn mô hình nuôi con dúi làm "kế sinh nhai", mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình.
Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Trong thời gian qua, các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội LHPN huyện Bắc Yên phát động đã được Hội Phụ nữ các cấp triển khai. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, tổ chức Hội đã phát huy vai trò cầu nối, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo.
Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Yên cho biết, để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội đã phát động các phong trào thi đua: "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ Bắc Yên chung tay xây dựng nông thôn mới". Hội đã triển khai và các chị em phụ nữ cũng đăng ký một số mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả. Ví như mô hình trồng nhãn, trồng xoài và một số mô hình về chăn nuôi gia súc gia cầm...
Cũng theo bà Dung, thời gian tới, Hội LHPN huyện Bắc Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát động cán bộ hội viên, phụ nữ thi đua thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội cũng tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn; duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ tiết kiệm, các tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ hội viên, phụ nữ tiếp cận nguồn vốn để học tập, lao động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.