Những nghịch lý từ phiên tòa nâng điểm thi

Tiểu Di
20/05/2020 - 13:38
Những nghịch lý từ phiên tòa nâng điểm thi

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan

Trong vài ngày qua, phiên tòa xét xử các bị cáo vụ nâng khống điểm cho các thí sinh kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh Hòa Bình tiếp tục gây chú ý trong dư luận.

Lần đầu tiên một vụ án lớn về một sai phạm nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong ngành giáo dục được đưa ra xét xử và những tình tiết những diễn biến của phiên tòa một lần nữa phơi bày những góc khuất của ngành này với nhiều điều đáng để suy ngẫm. Hơn hết, nó cho thấy những nghịch lý của một ngành vốn được xem như là chìa khóa của sự phát triển của tương lai đất nước. 

Những nghịch lý từ phiên tòa nâng điểm thi  - Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ nâng điểm ở Hòa Bình tươi cười bước ra khỏi phòng xử án

Nghịch lý thứ nhất là hình ảnh khi bước ra khỏi phòng xử án, các bị cáo đã tươi cười rạng rỡ. Chỉ 1 bức ảnh đó đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội và nhận được vô số những lời bình luận của dư luận.

Đương nhiên, sau một thời gian bị giam giữ, được ra tòa cũng đồng nghĩa được gặp lại những người thân ruột thịt và cả bạn bè đồng nghiệp... chắc chắn ít nhiều ai cũng có cảm xúc mừng tủi.

Nhưng để có được một "thần thái" rạng rỡ tươi cười như những bị cáo trong vụ án này lại là câu chuyện khác.

Cho dù mỗi người có cách bào chữa của riêng mình nhưng chắc chắn một điều, ở mức độ khác nhau họ đã có những sai phạm nghiêm trọng đến mức phải truy tố. Trên phương diện xã hội, sai phạm của họ tất nhiên cũng rất trầm trọng. Một mặt, nó tước đi của rất nhiều thí sinh, những người trẻ chuẩn bị bước vào đời bằng chính năng lực của mình, cơ hội vào những trường đại học mà họ ấp ủ, mơ ước. Mặt khác, cũng chính những sai phạm ấy là sự khởi đầu để cả một thế hệ, một lứa những thí sinh kém về năng lực nhưng được nâng đỡ bằng sự gian lận mua bán của cha mẹ mình. Chính họ sẽ thành những cán bộ, những chủ nhân tương lai của đất nước, nếu sai phạm không được ngăn chặn kịp thời.

Và trên hết, những người thầy, người cô mà nghề nghiệp yêu cầu họ mỗi ngày lên bục giảng nói điều hay lẽ phải giáo dục hình thành nhân cách và tài năng cho các học sinh, giờ đây họ đứng trước những cáo buộc gian lận đã rất rõ ràng trên cả một quy mô lớn. Có lẽ nào họ không từng nhớ đã động viên nhắn nhủ nhắc nhở học sinh của mình: hãy cố gắng học, hãy vươn lên bằng chính năng lực của bản thân mình.

Nghịch lý thứ hai là lời của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu Trưởng phòng khảo thí) trong một tuyên cáo: "Tất cả xã hội gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

Những nghịch lý từ phiên tòa nâng điểm thi  - Ảnh 2.

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên

Lời khẳng định cho thấy chủ nhân của nó hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo để nghĩ, để hiểu rất rõ về hành động của bản thân mình, về lựa chọn của chính mình. Đáng tiếc họ đã chọn cái sai, chỉ đơn giản vì ở môi trường của họ, cái sai ấy phổ biến.

Ở một mức độ nào đó, họ hoàn toàn "thanh thản" "thoải mái" với lựa chọn của bản thân mình không chút băn khoăn không chút căn rứt lương tâm?

Không ai là người hoàn hảo, bất cứ cá nhân nào cũng có thể có sai lầm ở mức độ nặng nhẹ. Nhưng điều quan trọng nhất là trước, trong và cả sau sai lầm ấy, họ nghĩ gì?

Xấu hổ, một hiện tượng tâm lý mà các nhà đạo đức học khẳng định nó chỉ duy nhất xuất hiện ở con người, nó cũng là dấu hiệu là ranh giới của nhân loại với các sinh vật khác. Chính cảm xúc ngay lập tức biệt lập chủ thể với những gì đã làm nó xấu hổ, khẳng định những thứ đó không tương xứng với chính mình.

Nhưng khi người ta lựa chọn con đường sai lầm cho mình ngay cả khi đã ý thức nó một cách rõ ràng, và thậm chí họ còn tổng kết nó như một triết lý sống cho riêng mình, lương tâm của họ hoàn toàn yên ổn, được an ủi vì một lý do đơn giản: những người khác cũng có chung lựa chọn, thậm chí còn sai lớn hơn mình.

Một nghịch lý nữa đáng nói và cũng gây chú ý cho dư luận ở phiên tòa này, đó là các phụ huynh liên tục khẳng định con mình "bị" nâng điểm. Nói cách khác đây cũng là một kiểu kêu oan ở phiên tòa, chỉ có điều lời kêu oan không phải của bị cáo mà là của những phụ huynh.

Tất nhiên, những vị phụ huynh này có quyền khẳng định quan điểm của mình, khi chứng cứ không đủ để chứng minh có hành vi đưa hối lộ, nhưng dư luận xã hội cũng có quyền có nhận định riêng của mình, trong bối cảnh những thông tin trong vụ việc tương tự ở tỉnh Sơn La cho thấy, số tiền để được nâng điểm cho mỗi thí sinh có thể lên đến hàng tỷ đồng.   

Sẽ có những mức án nhất định cho từng bị cáo, song những nghịch lý này sẽ vẫn còn tồn tại và phần nào nó cho thấy một thực trạng buồn khi tiêu cực đã len lỏi và làm tha hóa một bộ phận cán bộ của ngành giáo dục.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm