Những người “dệt cuộc sống” ở Colombia

Nhu Thụy
10/04/2022 - 18:28
Những người “dệt cuộc sống” ở Colombia

Phụ nữ và trẻ em từ cộng đồng Mocoa thắp nến tạo thành chữ "hòa bình"

Mạng lưới “Tejedoras de Vida” (tạm dịch: Những người dệt cuộc sống) bao gồm 120 tổ chức dành cho phụ nữ trong lãnh thổ Colombia, đang nỗ lực bảo vệ hoà bình bền vững, môi trường trong lành và chống lại biến đổi khí hậu.

Nỗi đau giày vò

Theo nhà hoạt động Fatima Muriel, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hàng nghìn phụ nữ Colombia. 5 năm trước, thảm họa đã xảy ra tại quê hương của bà, thành phố Mocoa, thuộc tỉnh Putumayo. Đêm 1/4/2017, mưa lớn bất thường gây ra lũ quét và sạt lở đất, chôn vùi một số khu dân cư dọc theo bờ sông Mocoa, Sangoyaco và Mulato. Riêng Mocoa đã hứng chịu trận mưa tương đương 33% tổng lượng mưa hàng tháng trong đêm đó, khiến hơn 300 người thiệt mạng và 45.000 người bị ảnh hưởng. 

"90% trong số những người thiệt mạng là phụ nữ. Trong đống đổ nát, chúng tôi còn tìm thấy một số bà mẹ đang ôm hai đứa con, tất cả đều chết đuối. Xót xa vô cùng khi phải đào mồ chôn tập thể cho những đứa trẻ chỉ mới 3-5 tuổi. Một số trẻ sống sót nhưng bị lạc và không thể tìm lại nhà của mình", bà Muriel chia sẻ.

Mocoa đã không có điện hoặc bất kỳ hình thức liên lạc nào trong nhiều tuần. Fatima đã chứng kiến điều tồi tệ nhất của thảm kịch trước khi đến thủ đô để tìm sự giúp đỡ. Liên hợp quốc và các tổ chức phi lợi nhuận khác đã phản ứng nhanh chóng để khắc phục hậu quả của thiên tai. "Chúng tôi không muốn điều này xảy ra một lần nữa. Putumayo nằm giữa hai ngọn núi lớn. Khi các công ty khai thác và dầu mỏ khai phá những ngọn núi này, những gì họ làm là gây mất ổn định và gây ra lở đất nhiều hơn và các dòng sông vỡ bờ", bà Muriel cáo buộc. Bà trích dẫn các nghiên cứu chỉ ra rằng việc phá rừng ở các ngọn núi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thảm họa.

Thật không may, nỗi đau kinh hoàng xảy ra ở Mocoa chỉ là phần nổi trong tảng băng. Phụ nữ và trẻ em Putumayo đã cố gắng để tồn tại trong nhiều thập kỷ. Họ đã trải qua thời kỳ tồi tệ nhất ở Colombia: Putumayo từng là thành trì du kích của Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) và khu vực này phải hứng chịu những vụ thảm sát dưới bàn tay của các nhóm bán quân sự cũng như các hành vi vi phạm nhân quyền của một số thành viên lực lượng an ninh, như được ghi trong các báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc tại Colombia (OHCHR). Hơn nữa, Putumayo là mảnh đất màu mỡ để trồng thuốc phiện. Vì vậy, đây là nơi từng diễn ra chiến dịch chống ma túy của Chính phủ đầu những năm 2000. 

Theo bà Fatima, phụ nữ phải chịu đựng những điều tồi tệ nhất. Họ đã bị buộc phải làm nô lệ tình dục, bị giết hại... Họ phải gánh vác việc gia đình do việc di dời hoặc nạn đói bắt nguồn từ việc hun trùng nhằm diệt cây thuốc phiện nhưng cũng dẫn đến việc phá hủy các loại cây trồng khác và làm ô nhiễm các dòng sông.

Các nhà hoạt động và thành viên của tổ chức "Tejedoras de Vida" tuần hành chống bạo lực đối với phụ nữ

Các nhà hoạt động và thành viên của tổ chức "Tejedoras de Vida" tuần hành chống bạo lực đối với phụ nữ

Bản thân Fatima Muriel cũng là nạn nhân của chiến tranh. Các nhóm vũ trang đã đuổi toàn bộ gia đình bà sau khi chiếm đất, bắt cóc và tấn công khiến chồng bà bị tàn tật. "Hai anh của tôi cũng đã bị FARC giết chết và anh rể của tôi vẫn mất tích. Đây là lý do tại sao tôi làm việc với những phụ nữ khác cùng cảnh ngộ", bà Muriel rơi lệ khi kể về chuyện cũ.

Mạng lưới hy vọng

Bà Fatima Muriel là Chủ tịch của Mạng lưới phụ nữ "Tejedoras de Vida" (tạm dịch: Những người dệt cuộc sống), bao gồm 120 tổ chức dành cho phụ nữ trong lãnh thổ Colombia. Họ công khai tuyên bố về quyền con người đối với một môi trường trong lành, ngay cả khi họ đặt tính mạng vào tình thế nguy hiểm. Là một nhà giám sát giáo dục chuyên nghiệp, bà Fatima đã đi khắp khu vực, đồng hành và hỗ trợ các giáo viên từ các cộng đồng nông thôn là nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang trước đây để ngăn chặn việc ép trẻ em đi lính, đồng hành cùng các bà mẹ trong việc tìm kiếm con và chồng của họ bị bắt cóc, những vụ sát hại các nữ giáo viên và các nhà lãnh đạo địa phương.

Ra đời năm 2005, Mạng lưới "Mujeres Tejedoras de Vida" là một phản ứng đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo do chiến tranh ở Putumayo. Mạng lưới tập trung vào 3 ưu tiên: Nhân quyền và xây dựng hòa bình; chính sách công; văn hóa và môi trường. Họ tổ chức các buổi đào tạo để giáo dục phụ nữ về quyền của họ và cung cấp các kỹ năng thực hành. Mạng lưới còn hỗ trợ tâm lý, giải trí và pháp lý, thực hiện các dự án nhằm trao quyền cho phụ nữ. 

"Điều quan trọng nhất là mang đến cho phụ nữ niềm hy vọng, họ là những người nuôi dạy và chăm sóc trẻ em. Chúng tôi tự gọi mình là người dệt cuộc sống bởi vì chúng tôi cùng nhau dệt nên tất cả các dự án, chương trình, ý tưởng, ước mơ, hy vọng để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em", bà Muriel nói.

Bà Fatima còn là thành viên của hội đồng gồm các nữ lãnh đạo giải quyết các nguy cơ an ninh liên quan đến khí hậu trong phiên họp thứ 6 của Ủy ban về Địa vị của Phụ nữ (CSW) mới được tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Hiện 150 thành viên trong tổ chức của bà đang lập bản đồ các con sông trên lãnh thổ, các hoạt động của ngành công nghiệp khai thác và dầu mỏ đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Theo cô Natalia Daza, người làm việc cho tổ chức phi chính phủ Colombia DeJusticia với tư cách là nhà nghiên cứu về sự công bằng môi trường, phụ nữ Putumayo phải đối mặt những rủi ro lớn hơn. Nhiều thành viên mạng lưới "Tejedoras de Vida" đã bị đe dọa, thậm chí có người đã bị giết hại. Theo OHCHR, ít nhất 100 người bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả những người bảo vệ môi trường, đã bị thiệt mạng năm 2021.

Những phụ nữ như Fatima, Natalia và 3.000 thành viên trong mạng lưới đang trở thành "hệ số giải pháp" trong cuộc chiến bảo vệ hoà bình bền vững, môi trường trong lành và chống lại biến đổi khí hậu. "Chúng tôi không phải là kẻ thù của đàn ông mà là của chế độ gia trưởng. Chúng ta phải đấu tranh để đảm bảo rằng các chương trình nghị sự của chính phủ có sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ. Phụ nữ phải tham gia phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong giáo dục, y tế, bởi vì chúng tôi là 50% dân số", bà Fatima nhấn mạnh.

Nguồn: UN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm