pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những người Honduras liều chết tìm đến miền đất hứa
Ảnh minh họa: Getty
23 ngày sau khi con gái và cháu gái rời Tegucigalpa, Honduras - một quốc gia ở Trung Mỹ, Sandra Lopez nhận được cuộc gọi thông báo họ bị bắt cóc và đòi tiền chuộc.
Rosa, con gái của Lopez, bị bắt cóc ở Mexico khi thực hiện chuyến đi đầy nguy hiểm tới Mỹ để tìm việc làm. Ở thời khắc đó - ngày 23 tháng 11 năm 2021, Rosa và con gái sáu tuổi trở thành hai trong số hàng nghìn người bị mất tích dọc theo các tuyến đường di cư về phía bắc. Lopez nói: "Khi nhận được cuộc gọi, tôi vô cùng sợ hãi. Tôi không thể ngủ nghỉ, ăn uống hay làm bất cứ điều gì nổi. Tôi quẫn trí".
Rosa đã thất nghiệp hơn một năm sau khi mất việc tại nhà máy dệt do đại dịch Covid-19. Kế hoạch của cô là cùng chồng đến Mỹ tìm việc và hỗ trợ người mẹ tàn tật Lopez.
Lopez cảm thấy lực bất tòng tâm sau khi biết con gái và cháu gái bị bắt cóc. Bọn chúng đòi 10.000 USD (hơn 234 triệu đồng) tiền chuộc. Lopez nói rằng bà là một người mẹ đơn thân, không có nhà riêng, bị tàn tật và phải ngồi xe lăn, nhưng nhận được câu trả lời từ bọn bắt cóc: "Nếu không thể trả tiền, hãy làm gì đó. Bán nội tạng để chuộc lại người thân, nếu không họ sẽ không tồn tại trên thế giới này".
Đến với miền đất hứa
Số người rời Honduras đang tăng lên khi quốc gia này đối mặt với suy thoái kinh tế của đại dịch Covid-19, hậu quả từ chiến sự Nga – Ukraine, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng như các vấn đề bạo lực băng đảng, nghèo đói và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Con đường đến Mỹ đầy rẫy nguy hiểm và người di cư là những người "cực kỳ dễ bị tổn thương". Một số chết vì tiếp xúc với các điều kiện trong sa mạc dọc biên giới Mexico-Mỹ; những người khác thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường bộ hoặc chết thảm trên chuyến tàu chở hàng qua Mexico; một số bị chính quyền giam giữ và một số người như người thân của Lopez trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm ở Mexico, những kẻ coi người di cư là cơ hội kinh doanh.
Rolando Sierra, Trưởng khoa Khoa học xã hội tại Đại học Tự trị Quốc gia Honduras, cho biết: "Có nhiều yếu tố ở đây buộc mọi người phải di cư. Honduras có tỷ lệ dân số sống trong cảnh nghèo đói không có việc làm cao. Nếu mức độ bạo lực, tham nhũng không thuyên giảm, thì số lượng người rời đi cũng vậy".
Mất tích trên đường đi
Không rõ bao nhiêu người đã rời Honduras. Sierra ước tính mỗi năm có 130.000-150.000 người Honduras cố gắng đến Mỹ. Số liệu từ chính phủ cho thấy, nửa đầu năm 2022, Mỹ đã đưa 34.278 người Honduras về nước, hơn một nửa trong tổng số 52.968 người được đưa về vào năm 2021.
Dự án "Người di cư mất tích" của Tổ chức Di cư Quốc tế ghi nhận có ít nhất 6.141 người đã chết hoặc mất tích dọc theo các tuyến đường di cư trên lục địa Mỹ từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 3 năm 2022. Từ năm 2007 đến năm 2021, Dịch vụ Di cư Dòng Tên đã điều tra 1.280 trường hợp người di cư mất tích ở Mexico, trong đó 71% là từ Trung Mỹ.
Chỉ riêng ở Honduras, có 3.500 người được liệt vào danh sách mất tích, theo 5 ủy ban được thành lập để truy tìm những người mất tích của nước này.
Giống như nhiều người có người thân bị mất tích, Lopez không biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ ai và phải một mình xoay sở. "Không có chính sách nào được đưa ra cho tình trạng di cư bất hợp pháp ở Honduras. Không có dịch vụ chuyên biệt để điều tra về những người mất tích cũng như để hỗ trợ người thân của họ".
Theo Jérémy Renaux, điều phối viên chương trình về những người mất tích tại Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), không có cơ sở dữ liệu về những người mất tích. Các gia đình gặp trở ngại trong việc trình báo các vụ mất tích, và sau đó không nhận được giúp đỡ. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở việc thiếu sự phối hợp giữa các quốc gia. Mexico cũng xảy ra cuộc khủng hoảng pháp y với hơn 52.000 thi thể không xác định thân thế trong các ngôi mộ tập thể, cơ sở dịch vụ pháp y, trường đại học và trung tâm lưu trữ pháp y.
Nỗ lực tìm kiếm
Hơn 23 năm nay, Eva Ramirez đã xây dựng một cộng đồng có người thân mất tích với mạng lưới các nhà hoạt động, nhà báo và các tổ chức xã hội dân sự trên khắp Trung Mỹ. Ramirez nhấn mạnh: "Những người mất tích do di cư cần phải được tìm kiếm vì họ là con người. Chúng ta cần biết điều gì đã xảy ra với họ, họ đang ở đâu, tại sao họ lại biến mất. Chúng ta cần biết sự thật và tìm lại công lý".
"Mọi người không rời khỏi đất nước vì họ muốn mà buộc phải làm vậy. Chúng ta đang sống trong một đất nước mà người dân sống trong nghèo đói cùng cực, thiếu cơ hội, bạo lực và nhiều yếu tố khác", Ramirez nói.
Ramirez đã thay mặt cho gia đình nạn nhân ở Honduras đàm phán với những kẻ bắt cóc, trong đó có Lopez. Sau khi Lopez và con rể vay tiền từ bạn bè và hàng xóm, Ramirez thỏa thuận với những kẻ bắt cóc thả hai nạn nhân ở biên giới Mỹ-Mexico. "Tôi gọi cho bọn chúng mọi lúc, yêu cầu trả tự do cho con gái và cháu gái của tôi. Tôi cầu xin chúng để con gái và cháu gái tôi đi. Tôi đã khóc khi biết tình hình không ổn, họ không được ăn uống và phải ngủ trên sàn nhà trong điều kiện lạnh giá".
Ngày 8 tháng 12, Lopez nhận tin con gái và cháu gái được tự do. Không lâu sau, họ trở về Honduras.
Con gái Lopez hiện đã an toàn, bà đã khóc khi nhớ lại tất cả những gì họ trải qua. Vì mẹ không thể hoàn lại số tiền đã vay mượn, Rosa, người con vừa mới thoát khỏi bọn bắt cóc, nói: "Tôi muốn thử trở lại Mỹ một lần nữa. Tôi biết điều đó rất nguy hiểm nhưng hiện tại tôi không thể tìm được việc làm".