pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Những người kể sử: Người cán bộ Hội và những năm tháng không thể nào quên ở "R" (tập 1)
Chia sẻ về quãng thời gian hoạt động tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, bà Bảy Hòa cho biết:
"Làm công tác phụ nữ tại Lào, Thái Lan rồi Campuchia từ năm 1945, đến năm 1954, sau khi hòa bình được lập lại ở Đông Dương, tôi không tập kết ra Bắc mà được bố trí ở lại công tác trong Ban liên lạc Việt Nam-Campuchia. Từ năm 1963, cơ quan Ban liên lạc, bí danh là C60, được xây dựng trong quần thể các cơ quan của Trung ương Cục miền Nam (còn gọi là R). Các cơ quan cùng đóng chung một khu rừng, trong đó, Khối vận có nhiều ban: Thanh vận, Phụ vận, Công vận, Nông vận, Hoa vận. Các cơ quan tuy cách nhau khá xa nhưng vẫn quan hệ mật thiết với nhau. Thỉnh thoảng, tôi vẫn sang bên cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Đến năm 1968, khi C60 được giải tán thì tôi mới được chuyển về công tác tại Hội.
Về cơ quan Hội, tôi được giao nhiệm vụ phụ trách Văn phòng rồi được bầu làm Bí thư Chi bộ Văn phòng. Sau Tết Mậu Thân 1968, cơ quan vừa đi sơ tán về đến căn cứ thì được tin chị Lê Thị Riêng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam, bị địch sát hại. Cơ quan Trung ương Hội tổ chức lễ truy điệu cho chị Lê Thị Riêng. Tất cả các ban vận đều tập trung lại chia buồn cùng với Hội và bày tỏ sự thương nhớ chị Hai Riêng...
Cuộc sống ở rừng kham khổ. Muốn trồng rau thì rẫy phải xa cơ quan mình. Có một tí nắng để trồng rau, đến khi thu hoạch thì cũng không được là bao. Chị em phải đi kiếm thức ăn, rau rừng, trong đó rau tàu bay là nhiều nhất, khi nào không lấy được gì thì ăn muối. Về cơ sở vật chất, mỗi bộ phận đều có cơ quan riêng. Chúng tôi chỉ mong cơ quan có một hội trường để sinh hoạt, một túp nhà lợp lá trung quân, một cái hầm trú ẩn, mỗi chị em có một cái giường con con để nằm cho thẳng lưng. Vậy mà cứ vừa tạm yên ổn thì lại phải rời đi chỗ khác. Suốt ngày máy bay đầm già cứ rù rù trên trời. Cuộc sống không yên ổn, một ánh nắng cũng đáng quý lắm vì mình thường phải ở dưới hầm để tránh sự phát hiện của quân địch.
Thời đó, ở địa phương có phong trào đấu tranh với phương châm "Hai chân, ba mũi" (đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự; ba mũi giáp công là: chính trị, quân sự và binh vận). Ở Trung ương thì chỉ đạo địa phương triển khai các hoạt động tăng gia sản xuất, vận động con em đi lính, thực hiện phong trào "Mẹ chiến sĩ"… Ngoài việc cử cán bộ về địa phương để triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương, cứ 1-2 năm, cơ quan Trung ương Hội lại tổ chức cuộc họp cán bộ phụ nữ toàn miền Nam ở R. Chị em từng đoàn về dự họp, đi đường khó khăn, vất vả lắm, người từ miền Trung, người từ miền Tây, từ Sài Gòn ra, có khi hy sinh, có khi bị địch bắt bớ trên đường đi nên cứ thấy chị em về đến nơi, gặp nhau là mừng. Họp hành xong lại bịn rịn chia tay nhau, hẹn ngày gặp lại.
Bộ đội miền Bắc nhiều, miền Nam cũng nhiều nên các cơ quan phân công nhau mỗi đoàn thể phụ trách thăm hỏi một số đơn vị bộ đội. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ phụ trách Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16. Những món quà của phụ nữ miền Bắc gửi tặng phụ nữ miền Nam như chiếc khăn tay, chiếc bút, chị em đều để dành, tặng bộ đội. Các đơn vị bộ đội lại dùng để tặng các anh em lập chiến công. Thỉnh thoảng, anh em bộ đội được về thăm Hội, được gặp các mẹ, các chị, anh em rất vui. Việc bộ đội và đơn vị phụ trách thăm nhau tình cảm như thế...".