Văn hóa - giải trí

Những người kể sử: NSND Thanh Ngoan và câu chuyện giữ sức sống bền bỉ cho Chèo (tập 1)

Nhóm PV 26/11/2024 - 11:00 AM
Là nghệ sĩ sinh ra và lớn lên ở Thái Bình - một trong những cái nôi của nghệ thuật Chèo vùng Bắc Bộ, cả cuộc đời gắn bó với Chèo, với Nhà hát Chèo, NSND Thanh Ngoan không chỉ tận hiến trên sân khấu mà còn luôn khát khao truyền dạy để làm sao giữ được cái hay, cái đẹp, cái hồn cốt của Chèo cổ. Từ đó góp phần kế thừa, sáng tạo và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại.

NSND Thanh Ngoan (tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngoan) sinh ra và lớn lên ở Thái Bình - một trong những cái nôi của nghệ thuật Chèo đồng bằng Bắc Bộ. Được thấm đẫm những làn điệu Chèo từ khi còn nằm trong nôi nên mới 9 tuổi, chị đã tập hát, tham gia biểu diễn ở Nhà hát Chèo ở địa phương. Năm 13 tuổi, chị trúng tuyển vào Nhà hát Chèo Việt Nam và gắn bó với Chèo suốt từ đó tới nay. Gần nửa thế kỷ sống với nghệ thuật Chèo, trong đó có 10 năm là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam (từ năm 2012 đến 2022), NSND Thanh Ngoan không chỉ tận hiến trên sân khấu mà còn luôn khát khao truyền dạy để gìn giữ cái hay, cái đẹp, cái hồn cốt của Chèo cổ, từ đó kế thừa, sáng tạo và phát huy giá trị của Chèo trong đời sống hiện đại.

Những người kể sử: NSND Thanh Ngoan và câu chuyện giữ sức sống bền bỉ cho Chèo (tập 1)- Ảnh 1.

Từ năm 2021, nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng đã được lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhìn lại hành trình của nghệ thuật Chèo kể từ khi Nhà hát Chèo Việt Nam ra đời, NSND Thanh Ngoan cho biết:

"Dòng chảy của nghệ thuật Chèo không bao giờ đứng yên một chỗ. Chưa bàn đến truyền thống cả ngàn năm, tôi chỉ tính từ năm 1951 tới nay - thời điểm thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam, từ đó tới thập niên 1970 là giai đoạn thịnh vượng của nghệ thuật Chèo, khi mà tivi chưa có. Nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đi biểu diễn khắp nơi, về từng làng xã, có những chuyến đi kéo dài vài tháng. Đi diễn ở đâu là có dân nuôi ở đấy, dân cho gạo, cho thịt lợn, cho ngủ trong nhà, tối lên sân khấu diễn, còn ban ngày thì cày cấy, gặt hái cùng dân…

Sang thập niên 1980, nhất là từ khi đất nước mở cửa vào năm 1986, nhiều loại hình nghệ thuật của các nền văn hóa trên thế giới du nhập, lên ngôi và cạnh tranh trực tiếp với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Khán giả được thưởng thức các món ăn đa dạng, mới mẻ, vì thế Chèo bắt đầu ít khán giả. Đến khoảng những năm 2000, Chèo có phần chững lại. Một số người ưu chuộng cái mới, coi Chèo là cũ, là chậm, quay lưng với Chèo. Những người làm nghề đã tìm cách thoát mình, chia thành hai khuynh hướng và ngay cả Nhà hát Chèo Việt Nam cũng chia thành 2 đoàn nghệ thuật: Một giữ truyền thống, một cách tân đổi mới. Bản thân tôi lúc đó được về đoàn thể nghiệm, diễn các vở chèo cách tân, sử dụng nhiều ca khúc mùi mẫn để kéo khán giả.

Sau một thời gian đổi mới, các nhà nghiên cứu cũng như nghệ sĩ Chèo nhận thấy rằng: Phải quay trở lại với truyền thống, phải nắm chắc nghệ thuật Chèo, nếu không chúng ta sẽ mất gốc. Nhiều hội thảo đã được tổ chức và các Nhà hát Chèo được coi là lực lượng dẫn dắt để giữ được các gốc của Chèo. Nghệ thuật Chèo có đến mấy trăm làn điệu, chúng ta có thể đưa vào tác phẩm theo cách mới mẻ để đáp ứng khán giả, nhưng phải giữ được bản sắc Chèo.

Cho đến nay, tôi tin sự tiếp nối đó đang đi vào guồng quay. Dù rằng nghệ thuật truyền thống khó kiếm nhiều tiền để có cuộc sống giàu có như các loại hình văn hóa khác nhưng lại có sức sống dài hơi, bền bỉ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn