pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Những người kể sử - TS.BS Phan Thị Hồ Hải: Hơn 6 thập kỷ đồng hành cùng ngành gây mê hồi sức
Trước thập niên 1960, phần lớn những người làm công tác gây mê là những y tá hoặc kỹ thuật viên dưới sự điều hành của phẫu thuật viên. Cho đến đầu những năm 1960, ngành gây mê hồi sức Việt Nam mới thực sự có vị trí của nó, trở thành một chuyên ngành chính thức hoạt động trong nền y học Việt Nam .
Khi đó, trước sự phát triển của ngành gây mê hồi sức thế giới, nhu cầu của ngành Ngoại khoa trong nước và của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, một số bệnh viện lớn thành lập Khoa gây mê hồi sức (khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Việt Đức, năm 1962), tiếp đến là tổ chức Hội gây mê hồi sức Việt Nam được thành lập, sau đó các Khoa - Bộ môn gây mê hồi sức ở các bệnh viện, các trường đại học lớn dần dần được thành lập để đào tạo và thực hành gây mê nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của các ngành thuộc hệ Ngoại khoa.
Hơn 60 tuổi nghề cũng là hơn 60 năm, TS.BS Phan Thị Hồ Hải âm thầm đứng sau các ca phẫu thuật. Không chỉ nhân viên y tế mà các bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân đều kính trọng TS.BS Phan Thị Hồ Hải bởi bà như một người mẹ hiền canh sinh mệnh cho người bệnh trong giây phút "thập tử nhất sinh" tại phòng mổ.
Các học trò của bà, hiện rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng điều thú vị và kỳ diệu là ở tuổi "xưa nay hiếm", TS.BS Phan Thị Hồ Hải vẫn đang tham gia công việc trong ngành y tế mỗi ngày. Bà hiện giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện Quốc tế Minh Anh (TPHCM) - nơi các học trò của bà thường ngày vẫn thấy "má Hải" vào lúc 6h sáng đã có mặt tại bệnh viện, "đi phòng" để thăm hỏi bệnh nhân, hỗ trợ các bác sĩ trong những ca phẫu thuật khó.
Cuộc đời dài cống hiến
TS.BS Phan Thị Hồ Hải có cuộc sống dịch chuyển do thời cuộc lịch sử. Ngày nhỏ, bà từ miền Bắc được đưa vào Nam theo gia đình để tiếp tục việc học hành. Những năm 1950, bà tham gia phong trào phản chiến, dẫn tới việc bị mật thám theo dõi và bắt nhốt vào bót Catinat - nơi khét tiếng giam cầm và tra tấn người Việt yêu nước.
Sau đó, cô sinh viên Phan Thị Hồ Hải trở ra Bắc học nghề Y, ra trường thì làm việc tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Bà là một trong những bác sĩ xuất sắc được chọn đi du học tại Liên Xô cũ. Nhờ sự chỉ dẫn của thầy Tôn Thất Lang, nữ bác sĩ trẻ Phan Thị Hồ Hải đã chuyển qua ngành Gây mê hồi sức.
Trở về Việt Nam , về lại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ Phan Thị Hồ Hải đã dốc lòng theo đuổi chuyên ngành Gây mê hồi sức. Bà cũng là 1 trong số những chuyên gia y tế theo chuyên ngành này đầu tiên và chuyên sâu tại miền Bắc.
Sự kiện 30/4, giải phóng miền Nam cũng khiến cuộc sống và sự nghiệp của bác sĩ Phan Thị Hồ Hải thay đổi. Bà xung phong vào miền Nam để chi viện cho đội ngũ chuyên gia y tế thiếu hụt. Bác sĩ Phan Thị Hồ Hải trở thành Trưởng khoa Gây mê hồi sức đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM và Trưởng bộ môn Gây mê - Hồi sức của Trường ĐH Y Dược TPHCM.
Những năm tháng miền Nam vừa giải phóng, do thiếu thốn về nhân sự, vật tư y tế nên rất khó khăn để thuyết phục các "tay dao" vào phòng phẫu thuật cứu sống bệnh nhân. Trong hoàn cảnh đó, bà đã phải liều mang bản thân ra làm thí nghiệm về gây mê, bởi thuốc gây mê thời ấy hiếm hoi vô cùng. Các "bí quyết" của bà làm cho bệnh nhân phải mê đủ lâu, ngủ đủ sâu để đi qua được thời gian phẫu thuật, tới giờ vẫn được các bác sĩ là học trò lưu truyền trong ngành Gây mê hồi sức.
Một chặng đường dài cống hiến, được coi là "linh hồn" của các ca phẫu thuật, TS.BS Phan Thị Hồ Hải vẫn lặng thầm với công việc của mình. Bà nói, người bệnh và người nhà của họ chỉ biết tới bác sĩ phẫu thuật mà đâu cần biết đến bác sĩ gây mê. Song, các ca mổ thành công, bao nhiêu tính mạng được cứu sống, đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc nghề nghiệp của "cây đại thụ làng gây mê" - TS.BS Phan Thị Hồ Hải.