Những người mẹ 'trục lợi' trên thân xác con trẻ

31/08/2019 - 14:40
Trời mưa phùn gió bấc hay nóng như đổ lửa, một số phụ nữ vẫn mang theo con nhỏ đi bán hàng rong bất chấp sức khỏe và ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Cũng bởi, nhờ có đứa bé đi cùng, nhiều người “thương” mà mua hàng và cho bé. Có ngày, họ kiếm cả triệu đồng.

Kiếm bạc triệu “nhờ con”

Cuối giờ chiều, tại một quán cafe bên Hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hoài (34 tuổi, quê ở Thanh Hóa) với khuôn mặt hốc hác, đầu tóc phờ phạc đang mời khách mua hàng. Tay phải chị bê khay nhựa đựng hàng, là những món đồ nhỏ như tăm bông, kẹo, cắt móng tay,.. còn tay trái chị bế đứa con nhỏ chừng gần 2 tuổi. Đứa bé lũn cũn theo mẹ, thi thoảng lại giơ tay đòi bế. Có lúc, bé lại khóc. Chị lại nựng, đi lát nữa rồi mẹ cho ra sân chơi cho con “đu quay”. Nghe vậy, đứa bé lại bám vào chân mẹ.

Khi đến bàn chúng tôi mời mua hàng, tôi quan sát kỹ. Đó là một người phụ nữ nhỏ thó, da rám nắng nhưng nụ cười tươi. Khi chúng tôi hỏi, sao không để bé ở nhà mà mang theo như vậy sẽ vất vả cho cả mẹ và con. Hoài bảo, mang theo con vì không ai trông. Sau một hồi trò chuyện và có lẽ thấy chúng tôi cũng mua cho vài món đồ nhỏ rồi hỏi thu nhập, Hoài chỉ vào giỏ hàng, bảo: Các anh chị thấy đấy, có bao nhiêu hàng đâu. Nếu chỉ bán hàng không, với giá 10.000 đồng/sản phẩm thì cũng chẳng được bao nhiêu. Có bán hết thì cả vốn và lãi chỉ được vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, nhờ mang theo con, số tiền em kiếm sẽ được nhiều hơn. Phần vì khách sẽ thương mà mua hàng, phần sẽ cho thêm. Có ngày, em kiếm được cả triệu đồng đấy”.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên rồi đặt một loạt câu hổi, Hoài bảo chắc anh chị là nhà báo nên hỏi nhiều thế. Rồi cũng vừa nghỉ ngơi, Hoài vừa trò chuyện và bảo, sẽ kể “thâm cung bí sử” của mình cho chúng tôi kèm theo yêu cầu không đưa ảnh hai mẹ con. Bởi nếu người nhà ở quê mà biết được thì “to chuyện”.

Hoài quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa), kết hôn đã được 6 năm, sinh được 2 bé. Bé lớn 5 tuổi, bé nhỏ gần 2 tuổi. Ở quê, thu nhập của cả gia đình 6 miệng ăn (vợ chồng ở chung với bố mẹ chồng) chỉ trông vào 3 sào ruộng khoán. Tranh thủ lúc nông nhàn, chồng chị theo bạn ra Hà Nội làm thuê. Tuy nhiên, chồng đi làm mấy tháng chẳng có đồng nào gửi về, với lý do chi phí sinh hoạt ở Hà Nội cao. Chị tìm hiểu được biết, hễ có đồng nào anh lại lô đề. Vì thế, khi con thứ hai được 10 tháng tuổi, nghe theo người họ hàng xa, chị ra Hà Nội bán hàng rong, phần để “quản” chồng, phần có thêm tiền chi phí sinh hoạt.

vnp_tre_em_sapa_4.jpg
Nhiều người mẹ mang con nhỏ đi bán hàng rong để lợi dụng lòng tắc ẩn của mọi người

 Hàng hóa chị bán chỉ là những vật nhỏ nhỏ, xinh xinh như cắt móng tay, bông, tăm, một vài cái băng đĩa. Vài tháng đầu, chị bán chẳng được bao nhiêu, sau khi trừ phí lấy hàng, tiền trọ, tiền ăn chẳng còn bao nhiêu. Một lần, trong lúc uống nước tại một quán trà đá vỉa hè ở phố cổ, bà chủ quán hỏi chuyện, chị thật thà kể. Bà chủ quán bảo: Sao mày không cho đứa thứ 2 đi bán cùng. Người mua thì ít, nhưng cho thì nhiều, chứ chỉ bán hàng thì lời được mấy nỗi. 

Chị bán tín, bán nghi về nói chuyện với chồng rồi tặc lưỡi “thử”. Chị về quê đón con, với lý do để “gần chăm con”. Khi đó, đứa bé mới 12 tháng tuổi theo mẹ ra Hà Nội, bắt đầu hành trình mới. Ở Hà Nội, vợ chồng chị thuê một phòng nhỏ, lụp xụp ở gần cầu Tó (huyện Thanh Trì) với giá hơn 1 triệu đồng/tháng làm chỗ ở cho cả nhà.

Đánh đổi sức khỏe của con

Ngày đầu tiên có con đi bán hàng, chị thấy thay đổi tức thì. Chị kể: Tôi mời một nam thanh niên uống cafe mua hàng. Ban đầu, anh ấy chúi mặt vào điện thoại rồi phẩy tay bảo không mua. Tuy nhiên, khi thấy đứa bé khóc, anh ta ngước nhìn lên, rồi như một sự “trăn trở” gì đó, anh ấy lấy một gói tăm giá 10.000 đồng và đưa tờ 50.000 đồng. Anh ta bảo không phải trả lại.

Hoài kể tiếp: Nhiều người thấy tôi bế con mời mua, họ chẳng lấy hàng nhưng thả vào giỏ hàng 10.000 đồng, 20.000 đồng, thậm chí có người thả cả tờ 100.000 đồng. Họ chỉ nói cho cháu. Ngày hôm đó, tôi thu được 1,2 triệu đồng. Đó là số tiền nhiều nhất suốt mấy tháng đi bán hàng. Tôi thấy bà chủ quán nước nói rất đúng. Từ đó, tôi luôn bế con đi bán hàng cùng, đến nay đã được gần 1 năm”, chị Hoài hào hứng.

Một ngày làm việc của hai mẹ con bắt đầu từ 6h sáng. Tuy nhiên, chị dậy từ 5h, chuẩn bị cơm sáng cho chồng và đồ ăn cho con để mang theo như bánh, sữa, nước,… Mỗi ngày, mẹ con chị đi hàng chục km trên các tuyến đường ở Hà Nội để bán hàng. Lúc nào con mệt, bé ngủ luôn trên tay mẹ. Chị mệt, mẹ con lại vào quán trà đá nghỉ ngơi. Bữa trưa thường là bát bún, hoặc suất bún đậu hai mẹ con ăn chung. Một số chủ quán cũng thương nên cho thêm bún.  Ngoài ra, chị còn cho con thêm hộp sữa. Lúc nào con đói, chị cho bú, hoặc cho ăn cái bánh. Cuối giờ chiều, chị thường qua khu chung cư ở Linh Đàm cho con chơi một lúc trước khi về nhà. Thu nhập của mẹ con chị ngày ít cũng được vài trăm ngàn đồng, ngày nhiều nhất bán được đến 2 triệu đồng. Càng kiếm được tiền, chị càng ham. Chị cũng thử một vài lần cho con ở nhà, thu nhập hôm ấy giảm quá nữa.

Hàng ngày, bé phải phơi nắng ngoài đường, rồi hít khói bụi nên sức khỏe bị ảnh hưởng. Chị bảo, mỗi khi bé bị hắt hơi, sổ mũi hoặc sốt nhẹ, thì lại chạy ra hiệu thuốc tây mua cho con uống rồi mẹ con tiếp tục hành trình. “Có ngày, em đang bán hàng thì bé lên cơn sốt. Nếu cho con về luôn thì tiếc, nên em cố nán bán thêm chút rồi đưa con về. Đến nhà, con sốt cao, lên đến 39,5 độ. Hoảng quá, em đưa con ra BV, bác sĩ mắng bảo sao liều thế, trên 38,5 độ là phải dùng hạ sốt rồi, nếu vẫn sốt cao thì phải đưa đi viện. Em không dám nói gì. Bác sĩ kiểm tra rồi bảo bé bị sốt virus cần phải theo dõi vài ngày”, chị chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi về việc tiêm phòng cho bé, chị cười bảo: Ở quê, cũng cho bé đi tiêm được 2-3 mũi, nhưng không nhớ tiêm mũi gì. Từ khi đưa con ra Hà Nội thì chả tiêm gì cả. Nói thật, 6h sáng đã cùng con đi bán hàng, tâm trí sao chỉ mong cho có khách mua, chứ đầu óc đâu nghĩ đến gì khác nữa. Hơn nữa, ở quê, đến ngày tiêm chủng họ còn thông báo trên loa truyền thanh còn biết, chứ ở đây thì có ai thông báo đâu. Em cũng tính cố gắng làm đến Tết, rồi cho về quê đi học ở nhà và nhờ ông bà trông nom”, Hoài chia sẻ.

Cũng như Hoài, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay các khu du lịch như Sa Pa (Lào Cai),… không khó để bắt gặp hình ảnh những người mẹ bế, dắt hoặc cõng theo đứa con nhỏ đi bán hàng rong. Có bé 3-4 tuổi, nhưng cũng có bé mới chỉ vài tháng tuổi. Nhìn đứa bé gầy gò, ánh mắt mệt mỏi gục vào vai mẹ, người qua đường ai cũng thương em bé, không ai nỡ từ chối mua hàng. Thậm chí, hiều người mua không lấy lại tiền thừa và cũng có nhiều người cho tiền mà không lấy  hàng vì thương em bé. “Nhờ mang theo con mà mình bán và kiếm được nhiều tiền hơn, ít nhất là gấp đôi so với trước đó. Trong khi đó, mình cho con tiếp xúc với nắng, gió, môi trường bên ngoài sớm thì con có sức đề kháng với bệnh tật tốt hơn. Lợi cả đôi đường”, chị Lam, một người bán hàng rong chia sẻ.

Tuy nhiên, chứng kiến cảnh những người mẹ mang con nhỏ đi bán hàng rong không ít người bức xúc. Bởi họ thương đứa trẻ, thương các em còn quá nhỏ mà đã phải phơi nắng, dầm mưa cùng mẹ đi bán hàng. “Mùa Đông, mình có con nhỏ ở nhà luôn phải mặc ấm cho sợ con ốm. Đằng này, ngày nào chị kia cũng bế con đi, kể cả những hôm trời mưa phùn, gió bấc. Hay có những ngày mùa hè, trời nắng như đổ lửa, vậy mà người mẹ ấy cứ “tha” con đi khắp nơi vừa bán hàng. Nhìn đứa bé mệt lả ra mà chúng tôi thấy xót thay. Chúng tôi biết họ ấy lợi dụng con mình để lấy lòng thương của mọi người nhưng tội cho đứa trẻ. Chả hiểu họ có xứng đáng là người mẹ nữa không”, chị Lê Huyền, quận Hà Đông (Hà Nội) bức xúc.

Cần xử lý hình sự hành vi trục lợi trẻ

Những em bé sớm bị đẩy ra đường bán hàng rong phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Bà Lê Thị Mai, giảng viên bộ môn Xã hội học (Đại học Công Đoàn) cho rằng, việc cha mẹ trục lợi bằng cách bắt các bé đi ăn xin, bán hàng rong khi còn quá nhỏ có nhiều nguyên nhân. Nhưng bao trùm nhất vẫn là đời sống khó khăn và nhận thức của phụ huynh không dứt ra khỏi chữ “tiền”. Vì thế, bố mẹ bé cho rằng, nếu con nhỏ đi cùng thì nhiều khách hàng sẽ thương và sẵn sàng rút tiền ra cho hoặc mua hàng. Trong khi, nếu chỉ có người lớn, thì việc mua hàng sẽ không xảy ra. Ngoài ra, lòng trắc ẩn của nhiều người dùng không đúng chỗ cũng là sự dung túng cho việc các em bị trục lợi.

15d2a75822b05fimg.jpg
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn Luật sư TP.HCM

 Trong việc này, các em sẽ là nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì bị trục lợi. Các em bị tước quyền đi học, quyền được chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng nên đối mặt với nguy cơ bệnh tật cao hơn, nhất là những bệnh truyền nhiễm bởi các em không có kháng thể.

Hơn nữa, sau này, các em trong mình một mặc cảm tự ti với xã hội và tiêm nhiễm những thói hư tật xấu từ môi trường xung quanh. Một nguy cơ khác rất tai hại mà các em phải đối mặt, đó là sự lạm dụng tình dục rất dễ xảy đến, đặc biệt là các em gái.  

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định tất cả các hành vi xâm phạm quyền của trẻ em, gây tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Như vậy, hành vi của những người mẹ mang con đi bán hàng rong là vi phạm Luật Trẻ em năm 2016.

Theo đó, Luật Trẻ em quy định tất cả trẻ em được sống trong môi trường an toàn. Việc người mẹ mang con hàng ngoài đường như thế là có hại cho sức khỏe của trẻ và không an toàn đối với các em. Về sức khỏe, thì nắng hay mưa sức khỏe các em cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, nhiều em còn không được tiêm chủng, bởi phụ huynh không biết lịch, hoặc “cố quên” vì sợ tốn tiền.

Ngoài ra, việc trẻ ra ngoài sớm theo mẹ dễ bị xâm hại. Đây là điều mà luật sư Ngọc Nữ trăn trở nhất, bởi bà đã bảo vệ cho nhiều trẻ bị xâm hại. Bà kể: Có trẻ mới vài tuổi theo mẹ đi bán hàng. Mẹ mải bán hàng, có người bảo bé mang hàng ra chỗ vắng. Bé làm theo, thế là bị xâm hại. Hay có trường hợp bé đi phụ bán chè, khi người lớn không chú ý, gã đàn ông đã kéo bé vào cầu thang rồi hiếp dâm.

Luật sư Ngọc Nữ cũng cho rằng, nếu cha mẹ mang con đi bán hàng rong kiếm sống thì là vấn đề trục lợi. Bởi người dân đâu có mua mấy thứ như tăm bông, cắt móng tay mà họ rủ lòng thương đứa bé. Vì thế, có người mua và cho thêm tiền, có người cho tiền mà không lấy hàng. Người mẹ biết, nếu để mình bán thì sẽ không có người mua, không cho tiền. Vì thế, rõ ràng là người mẹ lợi dụng đứa bé để trục lợi. “Hiện tôi đang cùng với Công an TP.HCM làm rõ một trường nghi là cho thuê con. Theo đó, cha mẹ đi làm ăn xa gửi con cho người khác trông. Tuy nhiên, khi người trông trẻ bị phát hiện có hành vi bạo hành với bé, cơ quan chức năng mời lên làm việc mới vỡ lẽ gia đình không đưa tiền cho người trông, trái lại người trông còn đưa cho cha mẹ 20 triệu đồng. Cơ quan điều tra đang xác minh xem có phải là hành vi cho thuê con để đi ăn xin, bán hàng hay không”, Luật sư Ngọc Nữ thông tin.

Về giải pháp xử lý đối với những trường hợp này, Luật sư Ngọc Nữ cho rằng, người dân không nên mua đồ cho những người bán hàng rong có mang theo em bé. Bởi nếu ai cũng không mua, không bán được hàng thì tự khắc họ sẽ dừng. Còn nếu mua vì thương đứa trẻ, thì sẽ tiếp tay cho họ. Thay vào đó, khi phát hiện người nào mang trẻ đi bán hàng rong người dân cần báo chính quyền địa phương để họ xử lý. Trường hợp muốn ủng hộ thì người dân có thể đến những trường, những nơi tiếp nhận chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ cơ nhỡ.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ, Công an, tư pháp địa phương cần phối hợp để xử lý dứt điểm tình trạng này. Theo đó, khi gặp những trường hợp này thì cần gặp phụ  huynh để phân tích, giải thich các nguy cơ đối với bé. Nếu họ nói hoàn cảnh khó khăn, thì yêu cầu ký cam kết và đưa vào một trung tâm bảo trợ xã hội, đến khi có điều kiện thì đón về. Như thế, các em sẽ được chăm sóc, học tập và phát triển, chứ nếu để các em theo mẹ mãi thì nguy cơ xâm hại rất lớn. Luật sư Ngọc nữ cũng đề nghị cơ quan chức năng cần phải mạnh tay xử lý đối với những trường hợp trục lợi từ trẻ. Trước đây, hầu hết các trường hợp chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính, nhưng mức phạt thấp. Sau khi phạt người lớn lại tiếp tục lợi dụng trẻ em để kiếm tiền. “Nếu cứ phạt hành chính rồi thả về thì đâu lại vào đấy. Chúng tôi đang đề nghị phải xử lý hình sự, ít nhất cải tạo chứ không thể cha mẹ lợi dụng trục lợi ảnh hưởng đến sự phát triển của bé”, luật sư Ngọc Nữ bức xúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm