Những nỗ lực khó tin của đôi vợ chồng người Khơ Mú, thoát nghèo từ đôi lợn giống

Nguyễn Long
27/05/2020 - 11:54
Những nỗ lực khó tin của đôi vợ chồng người Khơ Mú, thoát nghèo từ đôi lợn giống

Vừa cõng đứa cháu nội, ông Lò Văn Khánh vừa cho lợn ăn.

Vay 5 triệu đồng từ Hội LHPN xã về để đầu tư nuôi lợn, sau hai năm gia đình bà Gửi đã có những thành công nhất định, thoát khỏi hộ nghèo.

Sinh ra trong một gia đình có 9 anh, chị em, bà Lò Thị Gửi (SN 1975, dân tộc Khơ Mú, ở Bản Xẻ, xã Phu Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chỉ được học hết lớp 3 vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Năm 12 tuổi, bà Gửi đã phải lên nương làm cùng bố mẹ. Công việc đồng áng tuy vất vả, nhưng tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu. Bữa ăn hàng ngày của gia đình chỉ là mấy cọng rau rừng với cơm trắng.

Những nỗ lực khó tin của đôi vợ chồng người Khơ Mú, thoát nghèo từ đôi lợn giống - Ảnh 1.

Căn nhà của vợ chồng bà Gửi

Năm 1993, bà Gửi kết hôn với ông Lò Văn Khánh (SN 1974, ở cùng Bản Xẻ) với hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình ông Khánh cũng chẳng khá hơn là bao. Ông Khánh là con đầu, sau ông Khánh còn 6 người em, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo.

Ngày mới về làm dâu, cả gia đình hơn 10 người sống trong căn nhà sàn rộng khoảng 20 mét vuông, mọi sinh hoạt đều rất chật chội. Vợ chồng bà Gửi đã vay tiền ngân hàng, dựng lên một căn nhà rồi ra ở riêng. Hàng ngày, ông Khánh đi xây, còn bà Gửi đi làm nương. Tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng hai vợ chồng cũng có cuộc sống được cho là tạm ổn so với người dân trong bản.

Năm 1995, đứa con trai đầu lòng của ông bà chào đời. Cùng năm đó, ông Khánh bị ngã giàn giáo phải nhập viện. Bác sĩ chuẩn đoán, ông bị chấn thương cột sống nặng, không thể làm công việc nặng nhọc. Trong khi đó, đứa con trai ốm đau triền miên, tiền thuốc men tốn kém vô cùng. Không kiếm ra tiền, vợ chồng ông Khánh chỉ còn nước đi vay. Có thời điểm, ông Khánh chỉ ở nhà chăm con, còn bà Gửi phải đi bốc vác thuê để kiếm tiền.

Đến năm 1997, vợ chồng ông Khánh sinh thêm một đứa con trai nữa, cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn gấp bội. Gia đình đã được xét duyệt vào hộ nghèo của xã. Từ đó đến nay, cuộc sống của gia đình bà Gửi vẫn vậy, dù xoay sở đủ mọi cách, làm hùng hục từ sáng đến tối nhưng vẫn không thể thoát được cái nghèo, cái khổ.

Những nỗ lực khó tin của đôi vợ chồng người Khơ Mú, thoát nghèo từ đôi lợn giống - Ảnh 2.

Bà Gửi đang chuẩn bị bữa trưa cho gia đình

Năm 2018, Hội LHPN xã Phu Luông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã cho gia đình vay 5 triệu đồng làm vốn làm ăn, vợ chồng bà Gửi mua đôi lợn giống về nuôi, sau nửa năm, đàn lợn đẻ được 11 con. Nuôi được một thời gian, đến ngày chuẩn bị bán thì vợ chồng bà Gửi ngã ngửa khi chứng kiến cảnh tượng đàn lợn cứ lần lượt lăn đùng ra chết vì dính dịch tả lợn châu Phi.

"Hồi đấy lợn chết nhiều, cũng định bỏ không nuôi nữa, nhưng được các chị bên chị hội phụ nữ bảo có lợn chết vì dịch tả thì cứ thông báo lên xã. Chính quyền sẽ có hỗ trợ, thế nên vợ chồng tôi mới quyết tâm nuôi lợn đến bây giờ", bà Gửi nói.

Bà Gửi cho hay, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương thì vợ chồng bà sẽ còn nghèo mãi. Hiện các con bà Gửi đều đã trưởng thành, đứa lớn đi phụ xe tải, đứa út đi biên phòng. Gia đình cũng thoát khỏi hộ nghèo từ năm 2019. Hiện đang ở hộ cận nghèo.

Những nỗ lực khó tin của đôi vợ chồng người Khơ Mú, thoát nghèo từ đôi lợn giống - Ảnh 3.

Ông Khánh đang cho lợn ăn

"Năm ngoái lợn đẻ được 4 con, bán đi được gần 6 triệu. Tôi dùng số tiền này đầu tư mua thêm đàn vịt, với mấy con gà để nuôi. Cuối năm bán chắc cũng lãi được chút. Hiện gia đình chỉ còn nợ hơn 20 triệu. Trong 3 năm tới, vợ chồng tôi quyết tâm sẽ trả hết sợ nợ này và xin rời khỏi hộ cận nghèo", bà Gửi nói.

Bà Lò Thị Nhâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phu Luông cho biết, trong một lần đi khảo sát tại xã Phu Luông, nhận thấy bà con còn nhiều khó khăn, Hội LHPN tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ cho hội phụ nữ xã 50 triệu, số tiền này, hội phụ nữ xã đã cho 10 hội viên vay, mỗi người 5 triệu để làm vốn làm ăn.

"Tuy không được đào tạo về chăn nuôi, nhưng gia đình bà Gửi đã làm rất tốt. Hai năm qua, chúng tôi ghi nhận sự cố gắng của gia đình. Hội phụ nữ xã cũng đang nhờ bà Gửi chia sẻ kinh nghiệm đến các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khác trong bản để cùng nhau vượt lên khó khăn bằng việc chăn nuôi lợn", bà Nhâm cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm