pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những nữ khoa học làm rạng danh dân tộc Việt Nam
MC cùng 5 diễn giả của chương trình
Chương trình được Vụ các Tổ chức Quốc tế - Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hội Nữ trí thức Việt Nam – Hội LHPN Việt Nam và Ban Vận động Mỹ thuật & Ngoại giao Văn hóa Việt Nam cùng phối hợp tổ chức.
Hội thảo thu hút 5 diễn giả là những nhân vật nổi tiếng, có thành tích nổi bật, có sức lan tỏa lớn trong xã hội và cộng đồng để tạo nên những dấu ấn cho sự thịnh vượng và phát triển của đất nước.
Gồm GS, TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động thời kì đổi mới Huỳnh Thị Phương Liên. Bà là người đã nghiên cứu và thành công với 2 loại vắc-xin viêm não Nhật Bản thế hệ 1 và vắc-xin VNNB thế hệ 2. Về khoa học, bà đã Chủ nhiệm và tham gia 9 Đề tài cấp Nhà nước, Chủ nhiệm 3 đề tài cấp bộ, 114 công trình khoa học công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước. Bà đã nhận các giải thưởng khoa học như giải Nhất Vifotech về công nghệ sinh học năm 1995; Giải thưởng Kovalevskaia 2000; Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005. Bà được phong danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới tháng 1/2020.
Nhân vật thứ 2 là PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm, Anh hùng lao động, người khai sinh ra nhiều giống lúa lai, năng suất cao, chất lượng tốt.
Diễn giả thứ 3, TS. Hà Phương Thư với giấc mơ ứng dụng “Nhiệt từ trị” diệt tế bào ung thư- Người được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Nhân vật được nhiều người quan tâm trong thời gian qua khi đã đầu tư vào kết quả nghiên cứu khoa học Kít xét nghiệm Covid-4. Ths. Nguyễn Thị Hương Liên, PTGĐ Cty CP Sao Thái Dương.
Và diễn giả thứ 5 - Ths. Lê Thị Khánh Vân hiện là Phó Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp.
Tại đây, các diễn giả đã có chia sẻ cũng như giới thiệu những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, được ứng dụng vào thực tế, trong đời sống, không chỉ góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước mà còn làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên, người cả cuộc đời gắn liền với chuyên nghành virus và vắc-xin, đã xúc động khi nói về những năm tháng chiến tranh khi mình và đồng đội xây dựng một phòng thí nghiệm để sản xuất vắc-xin tả, thương hàn và đậu mùa chống chiến tranh vi trùng tại chiến trường khu V. Ở tuổi 80, GS vẫn đang miệt mài với công tác nghiên cứu khoa học của mình
Với Giáo sư Nguyễn Thị Trâm, một nữ khoa học gia đã nghỉ hưu từng gây chấn động giới khoa học Việt Nam bởi cái tên TH3-3, một giống lúa lai hai dòng 100% "made in VN" được chuyển nhượng cho một công ty tư nhân với giá kỷ lục 10 tỉ đồng. "Khoa học trước đây là vì khoa học nhưng bây giờ khoa học phải vì nhân sinh, phải đi vào thực tế" - GS Trâm chia sẻ.
Ngoài ra, sự kiện còn thu hút sự quan tâm của các Đại sứ, đại diện phụ nữ tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực ngành nghề và các cơ quan truyền thông.