Không có bé gái nào được sinh ra trong 132 ngôi làng ở Ấn Độ
Tháng 7/2019, người dân ở Ấn Độ hết sức kinh hoàng khi một báo cáo của bang Uttarakhand cho biết từ tháng 4 đến tháng 6/2019, trong 216 ca sinh nở, không có bé gái nào được sinh ra ở 132 ngôi làng ở bang này. Ông Prabhat Kumar, tổ chức Save The Children cho rằng: “Không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đến như vậy. Đây có lẽ là một biểu hiện của sự phân biệt đối xử đối với những bé gái”.
Còn ông Alok Vajpayee thuộc Tổ chức Dân số Ấn Độ nói: “Dữ liệu từ Uttarakhand "gây sốc nhưng không đáng ngạc nhiên". Trong văn hóa phụ quyền của Ấn Độ: bé trai là người nối dòng nối dõi trong gia đình, người chăm lo cho gia đình khi trưởng thành, thờ cúng cha mẹ khi họ qua đời... Còn bé gái được xem như là một gánh nặng, đến tuổi trưởng thành phải lo của hồi môn, lấy chồng rồi thì như con cái của người khác”
Chính quyền bang Uttarakhand cho biết tỷ lệ sinh sản ở đây đang ở mức “báo động” và có dấu hiệu nạo phá thai nhi chọn lựa giới tính tràn lan. "Chúng tôi đã xác định được các khu vực có số lượng sinh con gái bằng 0 hoặc chỉ dừng lại ở một con số. Tỷ lệ sinh con gái của vùng này rất đáng nghi và là dấu hiệu rõ ràng của việc lựa chọn giới tính thai nhi. Bất kỳ cặp cha mẹ nào bị phát hiện lựa chọn giới tính thai nhi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, thẩm phán Ashish Chauhan cho biết.
Chọn giới tính thai nhi đã bị cấm ở Ấn Độ từ năm 1994, tuy nhiên nó vẫn âm thầm diễn ra. Năm 2015, Bộ Trưởng Bộ phụ nữ và phát triển trẻ em của Ấn Độ cho biết: “Có khoảng 2.000 bé gái bị "giết mỗi ngày". Một số bé gái được sinh ra và nhưng sau đó bị gia đình úp gối trên mặt nghẹt thở cho đến khi chết”.
Năm 2014, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết số lượng trẻ em gái ở Ấn Độ đang giảm một cách báo động, đó được xem là biểu hiện của tội ác chống lại phụ nữ. Ấn Độ đã cấm lựa chọn giới tính thai nhi từ năm 1994 nhưng tình trạng nạo phá thai nữ vẫn tiếp diễn ở đất nước này. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính nghiêm trọng này cho thấy dấu hiệu báo động của tình trạng nạo phá thai nhi nữ tràn lan. Cứ mỗi 107 bé trai được sinh ra ở nước này thì có 100 bé gái. Thống kê dân số Ấn Độ năm 2018 cho thấy, nước này đang thiếu khoảng 63 triệu phụ nữ do tình trạng trọng nam khinh nữ. Theo dự đoán của các chuyên gia, từ đây đến khoảng 20 năm nữa, 25% một thế hệ nam giới đến tuổi lấy vợ sẽ gặp nguy cơ không tìm được bạn đời. Tình trạng thiếu phụ nữ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các vụ hãm hiếp và tội phạm tình dục nhắm vào phụ nữ ở quốc gia này.
Phụ nữ bị hạn chế quyền công dân do không đăng ký hộ tịch
Theo báo cáo mang tên “Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” do Trung tâm đăng ký dân sự và thống kê toàn cầu phát hành: Tổng số 6,35 triệu ca tử vong được đăng ký ở Ấn Độ năm 2016, 55% là nam giới, chỉ có 38% là nữ và hơn 7% được ghi nhận là không rõ giới tính. Trong đó, 22% trường hợp đăng ký có chứng nhận y khoa, 62% trong số đó là của nam giới.
Báo cáo trên cho thấy, phần lớn phụ nữ Ấn Độ bị hạn chế quyền công dân vì không được tham gia đăng ký các thủ tục hành chính về tư pháp - hộ tịch. Do không được đăng ký khai sinh, các bé gái dễ trở thành nạn nhân của các cuộc hôn nhân trẻ em. Tảo hôn khiến bé gái có nguy cơ tử vong cao do sinh con sớm. Các cuộc hôn nhân không được đăng ký, phụ nữ không được pháp luật bảo vệ quyền làm vợ, làm mẹ, cũng như các quyền thừa kế khác.
Bà Carla Abouzahr, người chịu trách nhiệm thực hiện báo cáo trên cho biết: “Không quan tâm đến việc đăng ký hộ tịch cho phụ nữ và trẻ em gái là biểu hiện của sự phân biệt đối xử về giới”. Những nhà chuyên môn đã phân tích nguyên nhân gây trở ngại đối với đăng ký dân sự bao gồm: nghèo đói, thất nghiệp, mù chữ, khuyết tật, ở xa nơi đăng ký, thiếu kiến thức về lợi ích của đăng ký dân sự… Đồng thời, họ cũng đưa ra nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng trên là: miễn phí các chi phí đăng ký cho phụ nữ, loại bỏ các rào cản về tâm lý chẳng hạn như bỏ yêu cầu phụ nữ chưa kết hôn tiết lộ danh tính của cha con… Việc đăng ký hộ tịch nên được chủ động theo dõi gắn liền với việc chăm sóc bà mẹ và trẻ em.