Những sáng kiến làm dịu vết thương cho bệnh nhân bỏng

05/11/2015 - 16:26
Những sáng kiến tắm bằng nước vô trùng, cáng tắm, bồn tắm phù hợp với bệnh nhân bỏng hay sáng kiến các băng quấn như quần tã có khuy mở với bệnh nhi... đã được các y bác sĩ, điều dưỡng hết sức phát huy.
Mỗi cán bộ, hội viên Hội phụ nữ cơ sở Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) đều có những sáng tạo, đóng góp thiết thực vào việc chăm sóc bệnh nhân.

Sáng kiến hướng đến bệnh nhân


Công tác chuyên môn điều trị vẫn là lĩnh vực được coi là vất vả trong Viện bởi những khó khăn rất đặc thù. Thiếu tá Bạch Thị Lan Anh, chia sẻ: Với bệnh nhân bỏng, việc thay băng bỏng là rất phức tạp. Nhiều bệnh nhân bị bỏng khoảng 90% cơ thể, lượng băng phải thay rất nhiều. Nhiều trường hợp bệnh nhân có bệnh kết hợp, ví dụ bị bỏng lại kèm theo bị động kinh, tâm thần. Các bác sỹ, điều dưỡng luôn phải đối diện với nguy cơ tai nạn nghề nghiệp.

Trực tiếp làm công tác điều trị, chị Lan Anh, chia sẻ: Với bệnh nhân bỏng, đặc biệt là bệnh nhân nhi, các cháu đau rát, chỉ biết khóc, quẫy đạp. Nhiều khi bác sỹ tới, cả phòng chỉ toàn tiếng khóc xé tai, cũng dễ tạo sự căng thẳng, mệt mỏi. Chính những lúc như thế, bác sỹ, điều dưỡng rất cần sự khéo léo, mềm mỏng. Không chỉ vậy, nhiều bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng rất nặng, gia đình cuống cuồng, giục giã bác sỹ nhanh chữa trị cho con em họ. Nhưng với bác sỹ, trước tiên vẫn cần sự bình tĩnh, cân bằng để có những hành động chuẩn xác nhất trong điều trị.

Trong công việc hằng ngày, rất nhiều sáng kiến thiết thực được chính những nữ bác sỹ, điều dưỡng phát hiện ra, ứng dụng đạt hiệu quả. Việc tắm điều trị cho bệnh nhân bỏng tưởng như rất nhỏ nhưng lại trở thành đề tài nghiên cứu rất thiết thực. Trước kia, với bệnh nhân bỏng, ít khi được tắm vào vết thương, tránh bị nhiễm trùng. Thế nhưng việc điều trị lại lâu hơn.

Qua những thử nghiệm tắm cho bệnh nhân bỏng bằng nước vô trùng, chính những vết bỏng ấy được rửa, việc đắp thuốc cũng hiệu quả hơn, góp phần tích cực vào quá trình điều trị. Hoặc những sáng kiến rất hiệu quả như cáng tắm, bồn tắm phù hợp cho bệnh nhân bị bỏng phần lớn cơ thể.

Hoặc với bệnh nhân nhi hay quẫy đạp, làm rơi thuốc ở các vùng bỏng. Chính những nữ bác sỹ, điều dưỡng nơi đây đưa ra giải pháp, tạo các băng quấn như là quần tã có khuy mở, vừa giữ thuốc, vừa phù hợp với bệnh nhân nhi...
Các y, bác sĩ, hộ lý viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác ứng dụng nhiều sáng kiến vào việc chăm sóc bệnh nhân
Phát huy sức mạnh của Hội

Thiếu tá Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, cho biết: Ban chấp hành Hội hiện có 7 người, đều là những chị em làm kiêm nhiệm công tác phụ nữ, hoạt động trên tình thần tự nguyện. Với Viện Bỏng, mặc dù chị em công tác theo khoa, ban tương đối độc lập. Để liên kết chị em lại, cùng sinh hoạt trong tổ chức Hội, đòi hỏi tạo ra sự gắn kết để có những hoạt động chung.

Hội phụ nữ Viện được chia 13 tổ để các thành viên cùng sinh hoạt, nắm bắt đời sống, tâm tư tình cảm. Chị Hương chia sẻ: Nữ bác sỹ, điều dưỡng thường phải trực tuần 2 lần, nên cũng không hiếm trường hợp mẹ phải trực ca, chăm sóc bệnh nhân, con ở nhà đang sốt, giao phó cho bố. Là bệnh viện, nên hoạt động Hội phụ nữ nơi đây cũng có những đặc thù, như việc tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, thăm tặng quà, phong trào bát cháo tình thương để hướng đến giúp đỡ bệnh nhân nghèo...

Một trong những hoạt động đặc thù ở viện là phong trào thi đua “Buồng phụ nữ tự quản”. Đây là những buồng mẫu trong điều trị cho bệnh nhân, do phụ nữ đứng ra quản lý với những tiêu chí khắt khe như: Sạch sẽ, chuẩn mực giao tiếp, chăm sóc bệnh nhân, sử dụng dụng cụ. Hiện nay, toàn viện có 6 Buồng phụ nữ tự quản đang hoạt động và có sự thi đua với nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm