pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những thầy cô giáo lỡ “phải lòng” trẻ vùng cao
Thầy Xa Văn Phanh đã có nhiều năm công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê.
Gian nan đường đến trường
Nánh Nghê là xã vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn) của huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) với đặc điểm địa hình phức tạp, đồi núi chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.
Từ trung tâm thành phố Hòa Bình, để đến được Nánh Nghê, người di chuyển phải vượt qua quãng đường gần 100km với những đoạn dốc dài, những khúc cua tay áo.
Gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê 26 năm qua, thầy Xa Văn Phanh là người thấu hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây.
"Từ năm 1997, tôi bắt đầu lên Nánh Nghê công tác, ngày đó còn chưa có đường bộ, bắt buộc phải đi thuyền lênh đênh ngược lòng hồ Hòa Bình mới tới được điểm trường giảng dạy. Ở nơi vùng cao heo hút, bốn bề là núi, chỉ có tiếng chim rừng làm bạn, mới cảm nhận rõ sự khó khăn, vất vả của bà con nơi đây", thầy Phanh tâm sự.
Những ngày đầu lên Nánh Nghê công tác, đối với thầy Phanh, việc vận động, duy trì học sinh đến lớp là vấn đề nan giải nhất. Bởi theo thầy, người dân ở đây, cái ăn còn không đủ chứ đừng nói đến chuyện cho con cái đến lớp học hành. "Có thực mới vực được đạo", khi đói khổ, người ta chẳng nghĩ đến gì khác ngoài việc lấp đầy cái bụng đang đói cồn cào của mình.
Vận động trẻ đến trường đã khó, để trẻ duy trì việc đến lớp thường xuyên theo thầy Phanh cũng khó khăn không kém. 26 năm công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê, không ít lần thầy Phanh chứng kiến cảnh học sinh phải nghỉ học giữa chừng hoặc đi học theo kiểu "giã gạo". "Những khi như vậy, sau 1 ngày đứng lớp, các thầy cô phải tranh thủ buổi tối tìm đến nhà học sinh để vận động phụ huynh đưa con em đến trường", thầy Phanh nhớ lại.
Khoảng 10 năm trở lại đây, huyện Đà Bắc thống nhất chủ trương để trường Đồng Nghê thực hiện mô hình bán trú, hỗ trợ mọi chi phí, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh ở các xóm bản cách xa điểm trường trung tâm xã, được ăn ở và học tập tại trường. Qua đó, tỷ lệ học sinh đến lớp chuyên cần hơn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.
Trót "phải lòng" bọn trẻ vùng cao
Cô Đinh Thị Kiền (29 tuổi, giáo viên lớp 6A) thuộc lớp thế hệ thầy, cô giáo mới của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê. Do "phải lòng" những đứa trẻ ở nơi vùng cao này nên cô Kiền sẵn sàng cắm bản, "gieo chữ" cho chúng.
Gia đình ở xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) nên để đến được nơi giảng dạy, cô Kiền phải vượt quãng đường dài hơn 150km. Dù khoảng cách địa lý xa xôi nhưng vì tình yêu nghề, yêu trẻ nên cô sẵn sàng ở lại cắm bản. "Chỉ thứ 7 và chủ nhật tôi mới về thăm chồng và chăm sóc con cái", cô Kiền chia sẻ.
Vắng bóng người phụ nữ trong gia đình, chồng cô Kiền vừa làm cha, vừa làm mẹ, thay cô chăm sóc con cái. Niềm an ủi và động viên đối với nữ giáo viên là các con cô đều ngoan ngoãn, chồng cảm thông cho công việc của vợ.
Người nữ giáo viên bộc bạch: "Có khi cả tháng mới về thăm nhà 1 lần, con cái xa bố mẹ, cũng nhiều thiệt thòi lắm. Dẫu biết vất vả là thế, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng nhìn bao thế hệ học trò nơi đây lại không nỡ rời bỏ… bởi trót coi các em như chính con đẻ của mình".
Cũng giống như cô Kiền, sau khi tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, cô Phạm Phương Linh (23 tuổi, trú tại thị trấn Đà Bắc) quyết định đăng ký lên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê công tác.
Cô Linh chia sẻ, dù đã tìm hiểu và lường trước được những khó khăn, vất vả ở nơi đây nhưng ở nơi công tác mới, nhiều thứ khiến cô vẫn bất ngờ. Đó là sự thay đổi môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt khiến cô Linh và nhiều thầy cô trẻ khác bị ốm đến cả tuần. Và việc phải thức dậy từ lúc 5 – 6h sáng để chuẩn bị tới trường đến thời điểm hiện tại vẫn là một thử thách đối với cô Linh. Cô Linh bảo, ở nơi vùng cao heo hút này, nỗi nhớ nhà luôn túc trực nhưng cũng bởi yêu nghề, mến trẻ cô mới đủ dũng cảm gắn bó với nơi này.
Hơn một năm công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê, cô Linh chia sẻ khó khăn và "ám ảnh" nhất là quãng đường đi lại giữa các điểm trường, toàn dốc đá cheo leo, khúc khuỷu, tưởng chừng ngã bất kì lúc nào. Nhiều hôm mưa bão, đường sá bị chia cắt, giáo viên phải ngủ lại các điểm trường cả tháng là chuyện thường.
Cô Nguyễn Thị Nhiên (Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê) cho biết, nhà trường hiện có 38 cán bộ giáo viên, nhân viên và 258 học sinh, chủ yếu là dân tộc Tày, Mường, Dao. Trường được chia thành 3 điểm trường, trong đó xa nhất là điểm trường xóm Đăm (cách trung tâm xã 18km), điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, giao thông vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa khiến đường trơn trượt, thường xuyên sạt lở rất khó đi lại.
"Có những thầy giáo gắn bó với nhà trường, với học trò xã Nánh Nghê từ năm 1997 đến nay như thầy Xa Văn Phanh. Hay những cô giáo trẻ như cô Bùi Thị Thiên, Lý Thị Lan, Bàn Thị Hải... từng là học sinh của trường Đồng Nghê, nay trở về cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết, đem kiến thức mình học được truyền đạt cho các em nhỏ. Các thầy cô đều không quản ngại xa xôi, vất vả, xa gia đình, con cái… để đến với học trò vùng cao, hy sinh tuổi xuân vì sự nghiệp giáo dục", cô Nhiên chia sẻ.
Ông Đặng Minh Tấn (Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê) thông tin, toàn xã hiện có 832 hộ và khoảng 3.172 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mường, Tày, Dao… đời sống kinh tế phụ thuộc vào nông, lâm, ngư nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao.
Ông Tấn cho biết, mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Đà Bắc hơn 80km nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ qua những đoạn đường đèo dốc, quanh co và cả những con đường dân sinh nhỏ hẹp một bên là vách núi, một bên là sông Đà, men theo Tỉnh lộ 433 mới đến được trung tâm xã. Dù đường sá đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng nhiều đoạn vẫn thường xuyên sạt lở, cảnh báo nguy hiểm mỗi khi mùa mưa lũ.