Những vụ dùng kim tiêm ‘bẩn’ lây truyền HIV gây chấn động thế giới

15/08/2018 - 07:59
Vụ việc 42 người dân xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) bị nhiễm HIV đang khiến dư luận xôn xao. Ở Campuchia và Ấn Độ cũng đã xảy ra các vụ lây nhiễm HIV tập thể do bác sĩ "chui" dùng bơm kim tiêm nhiễm bệnh lây lan sang người khác.
Bác sĩ dùng chung kim tiêm truyền HIV cho hơn 100 người 

Ngày 9/8/2018, Tòa án tối cao Campuchia đã xét xử lại Yem Chrin (56 tuổi), một bác sĩ không có giấy phép hành nghề làm lây nhiễm HIV/AIDS cho nhiều người ở tỉnh Battambang, miền Tây Bắc Campuchia. Ông ta bị kết án 25 năm tù tháng 12/2015 nhưng đang hy vọng tòa án sẽ giảm án xuống còn 10 năm giam giữ.

 
Chrin bị bắt ở làng Roka thuộc quận Sangke, tỉnh Battambang sau khi nhà chức trách phát hiện ra người này đã làm lây nhiễm HIV cho hàng trăm bệnh nhân bằng cách tái sử dụng kim tiêm chưa được khử trùng sau khi điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm HIV. Vụ việc được phát hiện khi một cụ ông 74 tuổi cùng người cháu và con trai bị dương tính HIV sau khi xét nghiệm HIV tại trung tâm y tế xã Roka, kiện Yem Chrin đã truyền virus chết người cho ông và con cháu.
 
yem-chrin.jpg
Yem Chrin bị cảnh sát bắt

 

Một nạn nhân khác của Chrin cũng cho biết, sau khi bị thương do tai nạn xe máy, cô gái này đã đến tiêm tại nhà của Chrin và vô tình nhiễm bệnh. Con của cô ra đời 3 tháng sau cũng được xác nhận là lây truyền HIV từ mẹ.
 
Cho đến nay, đã có 30 người trong số các nạn nhân nhiễm bệnh do sự tắc trách của Chrin qua đời. Hàng trăm nạn nhân trong vụ việc đã bày tỏ thất vọng và kêu gọi công chúng cung cấp hỗ trợ nhân đạo để những người nhiễm bệnh có thể chống chọi với căn bệnh thế kỷ trong suốt phần đời còn lại.
 
Các công tố viên Campuchia đã chính thức truy tố bác sĩ Yem Chrin sau khi ông này khai nhận đã tái sử dụng kim tiêm và kim truyền nhiều lần khiến 106 người bị nhiễm HIV. Ông Yem bị cáo buộc các tội danh gây lan truyền HIV, giết người và hành nghề không giấy phép. Tiến hành kiểm tra hành chính, cảnh sát Battambang kinh hoàng khi phát hiện mỗi khi tiêm thuốc cho người bệnh, để tiết kiệm, ông Chrin chỉ thay kim tiêm chứ không thay ống bơm tiêm.
 
yem-chrin-2.jpg
Cảnh sát bới tìm tang vật trong đống rác thải y tế mà bác sĩ Yem Chrin đã đốt để tiêu hủy

 

Trước đó, ông này được coi là một vị bác sĩ tận tâm và cung cấp dịch vụ khám rẻ cho người dân ở ngôi làng. Yem Chrin đã hành nghề bác sĩ trong khu vực địa phương từ năm 1996 và cảnh sát cũng khẳng định rằng, ông ấy là một bác sĩ được rất nhiều người tin tưởng.
 
Không chỉ có Yem Chrin, nhiều bác sĩ không được cấp phép hành nghề vẫn tồn tại rất nhiều ở các vùng nông thôn của Campuchia. Rất nhiều người thậm chí còn tự học nghề y; tuy nhiên, họ vẫn là sự lựa chọn của hàng triệu người nghèo ở Campuchia.
 
Bác sĩ "dỏm" làm lây nhiễm HIV ở “xứ sở sông Hằng” 
Tháng 2/2018, có ít nhất 33 người bị phát hiện dương tính với HIV ở miền Bắc Ấn Độ do một bác sĩ không có giấy phép hành nghề đã liên tục sử dụng kim tiêm nhiễm bệnh trong lúc điều trị cho bệnh nhân. Cảnh sát ở Bangarmau thuộc bang Uttar Pradesh đã bắt giữ Rajendra Yadav.
 
jhola-chaap-an-do-3.jpg
Một gia đình ở Bangarmau bị nhiễm HIV

 

Ông Sushil Choudhary, trưởng phòng y tế quận Unnao cho biết, Yadav đã khám cho bệnh nhân tại nhà và cung cấp thuốc men chữa trị. Yadav đã điều trị rất nhiều bệnh và chỉ lấy tiền công một vài xu. Yadav điều trị bằng cách tiêm cho bệnh nhân 3 gói thuốc. Điều đáng nói là ông tiêm cho ít nhất 50 người mỗi ngày mà chỉ sử dụng một ống tiêm. Ông ta rửa ống tiêm bằng nước trước khi tiêm cho bệnh nhân kế tiếp.
 
Vụ việc vỡ lở hồi tháng 11/2017 khi các nhân viên y tế phát hiện một số lượng lớn bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với HIV đến từ cùng khu vực. Theo ông Choudhary, một cuộc kiểm tra định kỳ được tổ chức từ tháng 4 đến 7/2017 phát hiện có đến 12 trường hợp nhiễm HIV đến từ Bangarmau. Sau đó, trong đợt kiểm tra lần thứ hai được tổ chức vào tháng 11/2017, có 13 trường hợp khác cũng đến từ cùng một nơi.
 
Một nhóm y tế gồm hai thành viên được thành lập để đến Bangarmau điều tra lý do đằng sau sự gia tăng đột biến này. Nhóm y tế phát hiện, trong số 566 người đã được kiểm tra, 33 người bị phát hiện nhiễm HIV. "Chúng tôi nhận thấy rất nhiều bệnh nhân đến từ một khu vực. Những bệnh nhân được Yadav điều trị phàn nàn rằng ông ta không bao giờ thay bơm tiêm trước khi tiêm cho họ. Những bệnh nhân này yêu cầu bồi thường", ông Choudhary cho biết.
 
rajendra-yadav-2.jpg
Cảnh sát đã bắt giữ bác sĩ "dỏm" Rajendra Yadav

 

Cảnh sát đã bắt giữ Yadav tại nhà của một người họ hàng ở Bangarmau hôm 7/2/2018. Ông ta bị cáo buộc tội danh phát tán căn bệnh nguy hiểm, cố gắng phạm tội giết người và giả mạo bác sĩ.
 
Đối với một quốc gia có dân số 1,33 tỷ người, hệ thống y tế của Ấn Độ không thể đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe. Việc Ấn Độ giới hạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công cộng kết hợp với sự thiếu quy định đã khiến loại hình bác sĩ không giấy phép hành nghề phát triển mạnh.
 
Họ được gọi là các bác sĩ “jhola chaap” hoặc “allopathic” đi chữa bệnh vốn rất phổ biến ở các cộng đồng nông thôn nghèo khó ở Ấn Độ. Không có người dân địa phương nào nghi ngờ các bác sĩ không giấy phép này lừa đảo.
 
 
jhola-chaap-an-do.jpg
Bác sĩ không giấy phép hành nghề ở nông thôn nghèo khó ở Ấn Độ

 

Trả lời tờ Indian Express, một cư dân địa phương nói: “Ông Yadav giống như là thiên thần đối với chúng tôi. Các bác sĩ chính phủ sẽ kê toa thuốc tốn khoảng 100-300 rupee (1,56-4,68 USD), nhưng mũi tiêm của ông ấy chỉ tốn chừng 10 rupee. Nếu y tế công tốt, tại sao nhiều người phải tìm tới ông Yadav”. Tuy vậy, phương pháp trị liệu rẻ tiền này đã trở thành cơn ác mộng đối với hàng chục bệnh nhân sau khi họ phát hiện mình đã nhiễm một trong những loại virus nguy hiểm nhất trên thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm