Nhuộm ruốc bằng hóa chất: Có thể quy vào tội sản xuất hàng giả

31/03/2016 - 10:32
Bản thân việc nhuộm hóa chất đã làm thay đổi bản chất của thực phẩm, là làm hàng giả. Cơ quan chức năng có thể xử lý hành vi này tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”, theo Điều 156, Bộ luật Hình sự
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), cho rằng, cần phải làm rõ động cơ ngư dân ở Gành Đỏ, tỉnh Phú Yên, dùng hóa chất nhuộm đỏ con ruốc (con moi). PGS Thịnh nói: “Động cơ nhuộm là không đúng. Bởi con ruốc đó vốn dĩ không cần phải nhuộm, mà nó đỏ tự nhiên sau khi phơi khô và ngư dân phải rõ điều này nhất. Vậy tại sao họ phải nhuộm? Thông thường, chỉ có sản phẩm không đúng chất lượng, không tốt thì mới phải nhuộm hóa chất. Tôi cho rằng, việc nhuộm đỏ con ruốc có thể do sản phẩm đó đã hư hỏng, hoặc con ruốc đó đã ươn, xấu, không đảm bảo. Như vậy, bản thân việc nhuộm hóa chất để làm thay đổi bản chất của thực phẩm là làm hàng giả. Cơ quan chức năng có thể xử lý tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”, theo điều 156, Bộ luật Hình sự năm 1999 và sửa đổi, bổ sung năm 2009".  
Ngư dân Gành Đỏ (Phú Yên) dùng hóa chất nhuộm đỏ con ruốc
Có ý kiến cho rằng, hóa chất đó được nhuộm bánh kẹo, nước ngọt, thì ngư dân có thể dùng để nhuộm ruốc được. Ông Thịnh cho rằng, bản chất 2 sự việc khác nhau. Người ta cho phẩm màu vào bánh kẹo vì tạo ra sự đa dạng hóa sản phẩm và dùng với một liều lượng cho phép, dưới sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Còn việc dùng hóa chất nhuộm vàng gà, nhuộm đỏ ruốc, động cơ ở đây là lừa người tiêu dùng và sản xuất sản phẩm không an toàn, làm hàng giả. Vì vậy, bản chất nó thế nào thì nên để như thế đó, ngư dân không nên dùng hóa chất để nhuộm màu.

Điều 156, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp
c) Tái phạm nguy hiểm
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng
g)  Thu lợi bất chính lớn
h)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm