Niềm đau khó nói của bà mẹ ly dị chồng

06/09/2015 - 07:33
Suốt 20 năm chia tay chồng, ở vậy nuôi con, tôi chưa bao giờ cảm thấy hụt hẫng như mấy năm trở lại đây, từ lúc con gái tôi có người yêu rồi quyết định làm đám cưới.

Chính con gái tôi đã rất phân vân khi quyết định chọn lựa người yêu vì lần đầu tiên rung động, cháu đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của bố mẹ người yêu. Hồi ấy nó yêu cậu bạn học trên 1 lớp, là người cùng làng, đã quá rành gia cảnh nhà tôi. Ông bà bên ấy chẳng chê cháu hay chê tôi điểm gì, chỉ là “tránh cái cảnh gia đình tan nát”. Nhưng vì hồi đó con gái mới học lớp 11. Hai đứa cũng mới chỉ thinh thích đã bị cha mẹ cậu kia cấm cản nên cả hai mẹ con tôi hầu như không thấy tác động nào đáng kể.

Lần này, Thắng phải kiên trì gần 3 năm con gái tôi mới gật đầu. Nhà Thắng quê xa, gia cảnh không mấy khá giả nhưng sự ham học, quyết tâm khẳng định mình của Thắng dần làm con gái tôi bớt suy nghĩ. Phải nói rằng con tôi may mắn vì gặp Thắng. Phía cậu ấy cũng làm “công tác tư tưởng” kỹ cho bố mẹ trước khi đưa con gái tôi về ra mắt.

                               Mẹ chồng của con gái tôi rất mê tín và lo con bé mang theo đen đủi từ 'vết xe đổ' của mẹ

Nhưng sự khuyết thiếu trong gia đình vẫn là bức tường vô hình luôn chặn đường con gái tôi. Mỗi lần về nhà Thắng là một lần con tôi phát hiện ra thành kiến nặng nề thể hiện ở đủ mọi kiểu khác nhau. Khi thì mẹ chồng tương lai ra sức gàn không cho con tôi đi thôi nôi đứa bé nhà cô em họ. Có lần đúng dịp đầu năm, nhất định bà không cho con gái tôi ra chùa làng chơi xuân và thắp hương. Khi con của ông chú cần người kèm cặp tổng kết chương trình toán lớp 12, bà cũng bảo con gái tôi đừng “ôm rơm nặng bụng”, nhỡ may nó trượt tốt nghiệp thì lại bảo… tại mình xui”?!

Đến lúc quyết định làm đám cưới, mọi thủ tục cũng rất rườm rà. Ngoài 9 quả lễ lấy hên, mẹ Thắng còn chuẩn bị riêng 1 quả lễ gọi là “thắp hương thánh mẫu, phù hộ cho bọn trẻ mau mắn con cái và gắn bó với nhau bền vững”. Bà can thiệp đến cả chuyện đại diện họ nhà gái phát biểu ý kiến cũng như từng người đưa con tôi về nhà chồng. Cả họ nhà tôi bức xúc, nhiều người dỗi định không sang dự đám cưới cháu. Tôi đành nước mắt ngắn dài bảo: “Em làm cơm để mời các bác sang chia vui với em chứ có phải cho đầy đủ lệ bộ tiếp đón nhà trai đâu?” thì mọi người mới “hạ hỏa”.

Suốt tối đầu tiên con tôi ở nhà chồng, mẹ chồng ngồi nói chuyện với con trai, con dâu đến tận… 3 giờ sáng. Hôm sau “lại mặt”, nhà trai cử hẳn 3 xe đi đón, coi như đón dâu thêm lần nữa. Đến lúc đó mới là chính thức cưới, 2 đứa mới được 1 đêm nghỉ ngơi riêng tư.

Lúc con gái tôi sinh con đầu lòng, bác sĩ vừa giơ đứa bé lên cao thì mẹ chồng đã tươi cười đứng giữa 2 mẹ con nó, để “mắt mẹ khỏi chạm mắt con”. Bà rổn rang cười với cháu để “cháu bà may mắn”. Ngay cả khi cho bé bú sữa non, bà cũng phải “làm phép, đốt vía rồi cháu mới được bú”. Mỗi lần con gái tôi đưa con về bà ngoại, bà nội đều chuẩn bị bùa trừ tà cẩn thận. Không hề cố ý, bà cứ ôm cháu thì thầm: “Nhanh về với bà kẻo bà nhớ nhé! Đi đến nơi về đến chốn để không có cái vía xấu nó làm hại cháu bà!”.
                       Sự cẩn thận của bà nội không ít lần khiến cho bà ngoại tủi thân và khó xử về 'vết xe đổ' của mình

Giờ đôi trẻ đã cưới được gần 4 năm rồi. Chẳng có sự kiện “động trời” nào để cho bà mẹ chồng không yên tâm rằng con dâu sẽ không phải đi vào “vết xe đổ” của mẹ nó. Nhiều lúc tôi trộm nghĩ, sao bà thông gia không dồn tâm sức vào dạy con trai biết yêu thương, chăm sóc, trân trọng vợ con để hạnh phúc của chúng được lâu bền. May mà Thắng là đứa chu đáo nên trước mọi thiên kiến của mẹ đẻ, không bao giờ nó “lung lay”, làm con gái tôi tủi phận.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm