pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nở rộ quảng cáo “tiếp tay” cho lừa đảo: Bài cuối - Cướp đi cơ hội chữa trị của nhiều người bệnh
Lực lượng chức năng thu giữ tang vật của nhóm lừa đảo bán thực phẩm chức năng
Lừa đảo móc túi nghìn tỷ của người bệnh
Chỉ qua một vài vụ Công an triệt phá các đường dây lừa đảo bán Đông y và thực phẩm chức năng mới đây đã cho thấy số tiền mà họ móc túi nạn nhân đã lên tới con số vài trăm tỷ đồng - đây là một con số vô cùng lớn, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Những kẻ đi lừa đảo móc túi người dân này ngày càng có những hoạt động tinh vi, cùng với đó là những chiêu trò lừa đảo công khai. Họ sẵn sàng giả mạo các bác sĩ uy tín, các cơ sở khám chữa bệnh lớn, như Bệnh viện 108 103, Bạch Mai, Hữu Nghị, Việt Đức... để gọi điện thoại lừa đảo, thu hút niềm tin của người bệnh nhằm chiếm đoạt tiền của họ.
Các đối tượng cầm đầu các đường dây này còn tuyển dụng nhiều thanh niên trẻ, rồi đào tạo họ, biến họ thành những kẻ lừa đảo nhẫn tâm, bất chấp pháp luật, bất chấp các giá trị chuẩn mực, đạo đức xã hội, để nhằm đạt được mục đích là lừa được nhiều người, chiếm được nhiều tiền.
Chị Phạm Hải Yến, ở phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, cho biết: “Thực sự là khi mắc lừa những đối tượng giả mạo y, bác sĩ bán thuốc Đông y, tôi không thấy quá xót tiền, vì coi đó như một bài học cho mình. Nhưng cái tôi thấy làm lạ, là tại sao các bạn trẻ mới hơn 20 tuổi đầu lại có thể làm được những việc như vậy. Chẳng lẽ họ không thấy cắn dứt lương tâm, khi mà đi lừa đảo móc túi những người già cả bệnh tật? Tôi nghĩ chả có phụ huynh nào mong muốn thấy con cái mình ra ngoài đời lại làm những việc thất đức như vậy, có lẽ các bạn trẻ ấy cũng giấu gia đình về những việc làm của mình”.
Cướp đi cơ hội chữa trị của nhiều người bệnh
Điều đáng nói, đa phần những người bị móc túi khi sập bẫy lừa mua Đông y, thực phẩm chức năng, đều là những người già, người mất sức lao động và đang sống trong cảnh ốm đau bệnh tật. Vì có bệnh, vì nhẹ dạ nên họ đã sập bẫy những kẻ lừa đảo, bỏ tiền mua những thứ không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh để điều trị.
Đến khi bệnh tật trở nặng, muốn đi vào cơ sở khám chữa bệnh để điều trị thì tiền không còn, vì đã bị các “bác sĩ online” móc sạch. Hoặc có những bệnh nhân quá tin vào các các “bác sĩ online" nên đã bỏ không sử dụng thuốc kê đơn của bác sĩ, đến khi bệnh tình tiến triển nặng thì mất đi cơ hội cứu chữa.
Nhiều người lớn tuổi bị mất đi cơ hội được chữa trị bệnh tật vì tiền đã bị các đối tượng lừa đảo móc sạch
Đáng nói, có những người mua thực phẩm chức năng về chữa bệnh, dẫn đến nguy hiểm tính mạng, như trường hợp của nữ bệnh nhân V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) vào năm 2022. Bệnh nhân này được đưa đến Bệnh viện Da liễu TPHCM khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi… Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Hay như trường hợp gần đây là ông Nguyễn Văn Kiên, ở Văn Lâm, Hưng Yên, dùng thực phẩm chức năng xương khớp mua trên mạng, dẫn đến tình trạng nóng ruột và buồn nôn, gia đình phải đưa vào bệnh viện rửa ruột gấp thì mới không nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hưng (Bắc Ninh) cho biết: “Nhiều người tin theo quảng cáo, rồi tin tưởng thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh, nên bỏ tiền ra mua về uống. Đến lúc bệnh tình không đỡ, mà có nguy cơ nặng hơn, khi ấy muốn đi bệnh viện thì chẳng còn tiền, như vậy có khác nào bị tước mất cơ hội điều trị bệnh tật đúng cách”.
Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
2. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.
3. Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.
4. Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.
5. Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.