Nỗi đau đáng giá bao nhiêu?

30/11/2018 - 11:51
Cô giáo phạt 1 học trò nhận 231 cái tát ở Quảng Bình do không chịu nổi “nhiệt” từ phản ứng của dư luận đã hoảng loạn tinh thần phải vào bệnh viện cấp cứu; bà mẹ trẻ ở miền Tây tố cáo bị đối tác cưỡng hiếp sau khi chuốc rượu say đã nhiều lần tự tử bất thành. Đối mặt và đi qua nỗi đau hay khủng hoảng, thực sự rất cần bản lĩnh của người trong cuộc.

Bữa trước, tôi đi dự cuộc ra mắt MV mới của nữ ca sĩ Phạm Quỳnh Anh. Bài hát thể hiện sự cố gắng vượt qua sự mềm yếu của người mẹ trong quá trình đồng hành dạy dỗ con cái. Nhìn con ngã đau nhưng vẫn động viên con tự đứng dậy, dù lòng mẹ như xát muối. Cách dạy con theo kiểu “mẹ hổ” dần được nhiều phụ huynh áp dụng, mong con tự trưởng thành qua các bài học vấp ngã trong đời. MV được ra đời trong hoàn cảnh Phạm Quỳnh Anh đang ở giai đoạn tổn thương khi vừa chia tay chồng sau nhiều năm gắn bó. Sự cứng cỏi của bà mẹ trẻ được ghi nhận như việc biết đối mặt với hiện thực cuộc sống. Khi không thể thay đổi được mọi điều thì cần biết chấp nhận và thay đổi cho tích cực hơn.

 

Trong những diễn tiến của nhiều sự việc khác đã cho thấy không ít người chưa biết cách để vượt qua nỗi đau. Bản thân nỗi đau đã mang trong nó những diễn tiến dễ gây thương tích và dẫn tới tiêu cực. Vì vậy, vô cùng cần thiết để học được cách đối mặt cũng như hóa giải theo chiều hướng tích cực hơn.

 

Chiều 28/11, bác sĩ Nguyễn Văn Thân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), xác nhận, bệnh viện này vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Thủy. Cô Thủy là giáo viên trường THCS Duy Ninh, người đã phạt 1 học trò nhận 231 cái tát vì nói bậy khiến bé trai này phải vào bệnh viện điều trị. Theo các bác sĩ tại đây, nữ bệnh nhân này được đưa vào cấp cứu trong tình trạng tinh thần không ổn định, lúc tỉnh lúc mê, nói năng không lưu loát và bị trầy xước ở trán. Bệnh nhân Thủy được chẩn đoán bị stress nặng, có các hành động khó kiểm soát, có dấu hiệu muốn tự tử!

 

binh-luan.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy khi đứng lớp

 

Suốt tuần qua, hình ảnh cô Thủy gắn liền với những cái tát học trò đã trở thành “hot trend” trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Khi suy nghĩ và ra lệnh cho học trò thực hiện các hành vi phản giáo dục, phản tác dụng và đáng bị lên án đó, chắc chắn cô Thủy không nhận thức được hậu quả lại nặng nề như vậy. Nên khi bị dư luận đồng loạt lên án, cùng lúc đón nhận việc kỷ luật cho ra khỏi ngành và đối mặt với tội danh “Hành hạ người khác” theo điều 104 Bộ luật Hình sự khi công an địa phương đã khởi tố vụ án, thì cả gia đình và cô Thủy đã sợ hãi, không dám đi ra ngoài, không dám tiếp xúc với người lạ, cuối cùng thì cô Thủy bị sang chấn tâm lý mạnh dẫn tới phải nhập viện cấp cứu.

 

Sự việc khác, là của 1 bạn đọc Báo PNVN. Cô ở miền Tây mang đứa con gái 5 tuổi lên Sài Gòn kiếm việc làm do bị chồng hắt hủi đuổi đi. Cách nay vài tháng, theo lời kể của nhân vật, cô bị đối tác làm ăn chuốc rượu say rồi chở thẳng tới khách sạn cưỡng hiếp. Trong cơn say, cô vẫn nhận thức được việc bị làm nhục nên có ghi âm được 1 đoạn năn nỉ ông kia dừng hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên, người kia vẫn tiếp tục hành vi cưỡng hiếp tới cùng. Sau đó, cô gái đã chạy xuống dưới nhờ người báo công an. Vụ việc được công an Đồng Tháp ghi nhận nhưng sau đó không khởi tố vụ án vì cho rằng có yếu tố đồng thuận. Gia đình bên chồng sau khi nhận quyết định không khởi tố thì đã xúc phạm danh dự của cô, cho rằng cô “đồng ý theo trai vào khách sạn”. Chồng cô giữ con trai nhỏ, đuổi cô ra khỏi nhà, mang theo con gái lớn.

 

Uất ức, bà mẹ này sau đó đã tới cổng Tòa Cấp cao tại TPHCM cầm dao tự tử nhưng không thành, rồi tiếp tục có các hành vi hại bản thân bằng cách lao đầu vào xe tải, leo cầu Sài Gòn để nhảy xuống, nhưng đều được cứu sống. Gần đây nhất, cô nhắn tin thường xuyên vào máy điện thoại của tôi, cầu xin làm sao được chết. Bởi cô mất ngủ thường xuyên, tâm lý rối loạn, cảm thấy bị oan ức và phẫn uất với kẻ đã hại đời mình. Tôi đã giới thiệu luật sư để đồng hành trong việc đi tìm công lý với cô và luôn luôn động viên tinh thần nữ bạn đọc này.

 

Điều quan trọng nhất trên đời là được sống. Sống và sống tích cực, mới khó. Chết là điều buông bỏ dễ dàng và cũng là hèn nhát vô cùng. Nỗi đau đáng giá bao nhiêu, để đánh đổi lấy mạng sống. Bởi vậy, nhà trường rất cần dạy cho học sinh những kỹ năng sống, để đối mặt với các tình huống bi kịch trong cuộc đời. Một xã hội có nền tảng giáo dục văn minh thì mới xây dựng được các nhân tố ứng xử đủ thông minh. Chừng nào còn có những cái tát trong giáo dục thì còn có những câu chuyện bi kịch và các nỗi đau không thể định giá nổi! 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm