Nỗi đau trong lặng im của phụ nữ Rohingya

24/08/2017 - 15:40
Từ khi xảy ra cuộc tấn công của nhóm bạo loạn tại bang Rakhine, miền Tây Bắc Myanmar, hồi tháng 10/2016 đến nay những người dân vùng này, đặc biệt người Hồi giáo Rohingya đã không còn cuộc sống bình yên như vốn có.
Nỗi đau giằng xé

Chính phủ Myanmar đã “bảo vệ” nghiêm ngặt khu vực này hơn một năm qua, cho đến gần đây, sau những cáo buộc của Liên hợp quốc cho rằng quân đội nước này có những hành động vi phạm nhân quyền, họ mới mở đường cho các cơ quan báo chí nước ngoài đến đây tìm hiểu sự tình.
a1.jpg
Cuộc sống của nhiều phụ nữ Rohingya rơi vào bế tắc từ khi cuộc xung đột xảy ra

Khi phóng viên AFP đến thăm ngôi làng Kyar Gaung Taung, một khu vực hẻo lánh ở miền Bắc bang Rakhine, một nhóm phụ nữ Hồi giáo đã kể cho họ nghe nỗi thống khổ của họ từ ngày cuộc xung đột xảy ra đến nay. Đa phần trong số họ bị binh lính cưỡng hiếp, rồi bị chồng ruồng bỏ vì bị buộc tội không biết giữ phẩm giá của mình.

Vừa ôm con, cô Ayamar Bagon (20 tuổi) nói trong nỗi cay đắng: “Tôi bị cưỡng bức ngay cả khi gần đến ngày sinh nở. Bọn họ biết tôi mang thai nhưng vẫn không buông tha cho tôi. Chồng tôi buộc tội tôi vì đã để việc đó diễn ra. Anh ta lấy lý do đó để cưới một người phụ nữ khác và rời bỏ mẹ con tôi đến sống ở một ngôi làng khác”.

Hiện nay, cô và đứa con nhỏ sống nhờ sự cưu mang của những người hàng xóm. Cô là một trong số những phụ nữ bị cưỡng bức muốn đứng lên tố cáo các lực lượng an ninh Myanma. Theo lời kể của nạn nhân, binh lính của Myanmar đi theo từng nhóm 2-3 người.

Khi 1 người xông vào nhà tấn công cô thì 2 người còn lại sẽ đứng bên ngoài để canh gác. Họ thay phiên nhau, từng người từng người một vào cưỡng hiếp cô, người phụ nữ đang mang thai 9 tháng.
a2.jpg
Ngôi làng chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em nhưng ngay cả những đứa trẻ vô tội cũng bị bắt giữ vì bị nghi ngờ có liên quan đến khủng bố

Cùng cảnh ngộ trên, cô Hasinnar Baygon (20 tuổi) nói rằng, chồng cô cũng đe dọa sẽ bỏ cô khi biết được rằng cô đã bị cưỡng bức. Những người trong làng cho biết còn nhiều phụ nữ bị cưỡng bức nhưng vì sợ bị cộng đồng tẩy chay nên đành im lặng.

Xung đột trong cáo buộc
 
Theo Liên hợp quốc, kể từ khi cuộc xung đột xảy ra, có 75.000 người Rohingya từ Myanmar đến tị nạn ở Bangladesh. Hơn 22.000 người di tản khỏi đây, 44 thường dân đã bị sát hại và 27 người bị bắt cóc. Qua cuộc phỏng vấn hơn 204 người tị nạn ở Bangladesh, Liên hợp quốc cáo buộc các lực lượng an ninh Myanmar đã hãm hiếp phụ nữ, bắt cóc trẻ em và tra tấn đàn ông Rohingya.

Chính phủ Myanmar đã bác bỏ tất cả những cáo buộc. Họ không đồng ý cho Liên hợp quốc đến đây điều tra. Thay vào đó, họ cử một ủy ban do Chính phủ bảo trợ đi làm việc đó và kết quả được đưa ra vào ngày 8/8/2017 là không tìm thấy bất cứ chứng cứ nào có liên quan đến việc giết người, bắt bóc và cưỡng bức hàng loạt.

Hầu hết chỉ là những thông tin bịa đặt, do người dân thêu dệt nên. Ông Nyi Pu, Thống đốc bang Rakhine, cho rằng: “Khi chúng tôi làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh ở khu vực này, có nhiều nhóm khủng bố đến tấn công. Không tránh khỏi sự thương vong trong những cuộc xung đột nhưng nếu gọi đó là tội ác diệt chủng là do thổi phồng quá mức những tai nạn không đáng kể”.

Tháng 10/2016, một nhóm bạo loạn quá khích ở bang Rakhine, miền Tây Bắc Myanmar, đã tấn công vào đồn biên phòng và giết chết 9 người đang thực thi công vụ. Kể từ đó, chính phủ Myanmar đã cho binh lính đến khu vực này giữ gìn an ninh, ngăn ngừa các vụ tấn công xảy ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm