Nỗi khổ của vận động viên nữ: Vừa phải khỏe khoắn phi thường, vừa phải yêu kiều "nữ tính"?

Thạch Anh
05/11/2023 - 13:17
Các vận động viên nữ trên thế giới từ lâu đã đối mặt với vô vàn áp lực liên quan đến chính ngoại hình của họ.

Gần đây, vụ việc nữ tuyển thủ Bích Tuyền của đội bóng chuyền Ninh Bình LP Bank bị đối thủ yêu cầu kiểm tra giới tính ở vòng 2 giải vô địch quốc gia đang gây xôn xao dư luận. Cụ thể, theo Tạp chí Du lịch TP.HCM, trong buổi họp chuyên môn sáng 2/11 tại Đà Nẵng, một số đại diện của các đội bóng nữ tại bảng C, bảng đấu có sự góp mặt của Ninh Bình LP Bank đã đưa ra yêu cầu ban tổ chức cần kiểm tra hồ sơ đăng kí của nữ cầu thủ trên.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề giới tính của Bích Tuyền bị đem ra mổ xẻ. Trước đó vào năm 2022, sau màn trình diễn xuất sắc tại SEA Games 31 trước đối thủ Thái Lan, một số người hâm mộ (NHM) bóng chuyền nước này đã đăng tải lên MXH yêu cầu kiểm tra giới tính của nữ tuyển thủ.

Nỗi khổ muôn thuở của vận động viên nữ: Vừa phải khỏe khoắn phi thường, vừa phải yêu kiều 'nữ tính'? - Ảnh 1.

Tài khoản Piyanai Chaipon bình luận "Hãy kiểm tra số 10 của Việt Nam" và nhận về hàng chục lượt thích.

Thời điểm đó, mặc dù phía đội bóng chuyền nữ Truyền hình Vĩnh Long (nay là Ninh Bình Doveco) cùng với Liên đoàn Việt Nam đã khẳng định và cung cấp các giấy tờ của VĐV Nguyễn Thị Bích Tuyền của đội tuyển bóng chuyền của Việt Nam là nữ nhưng nghi ngờ này vẫn còn tiếp diễn.

Trước những phản ứng đó, Bích Tuyền vẫn tự tin theo đuổi mái tóc ngắn và phong cách cá tính, kết luận "đanh thép" bằng một câu sau SEA Games 31: "Bản thân mình cứ thể hiện, cố gắng hết sức trên sân đấu thôi".

Nỗi khổ muôn thuở của vận động viên nữ: Vừa phải khỏe khoắn phi thường, vừa phải yêu kiều 'nữ tính'? - Ảnh 2.

Bích Tuyền lại bị đặt dấu hỏi về giới tính. Được biết, cô có chiều cao vượt trội là 1m86.

Thực tế trên thế giới, những câu chuyện như của Bích Tuyền không phải là hiếm, và có lẽ đã đến lúc cần đặt câu hỏi rằng tại sao các nữ vận động viên luôn trở thành nạn nhân của sự soi xét vì ngoại hình hoặc lựa chọn phong cách của chính họ? Kể cả khi ngoại hình không tuân theo tiêu chuẩn nữ giới truyền thống đó góp phần đem lại thành tích thi đấu cao?

"Anh em nhà Williams"

2 vận động viên nữ Trung Quốc Liao Mengxue và Tong Zenghuan lần đầu tiên gây chú ý trên các mặt báo quốc tế trong Giải vô địch điền kinh quốc gia 2019, khi họ giành chiến thắng trong cuộc đua tiếp sức 4x400m với tư cách là thành viên của đội đại diện cho tỉnh Hồ Nam. 

Tuy nhiên, mọi người không tập trung vào năng lực thể thao nhiều bằng ngoại hình của họ. Một số người cho rằng họ trông không đủ nữ tính và cáo buộc họ là đàn ông đóng giả phụ nữ để giành lợi thế không công bằng trong các cuộc thi thể thao dành cho nữ. 

Nỗi khổ muôn thuở của vận động viên nữ: Vừa phải khỏe khoắn phi thường, vừa phải yêu kiều 'nữ tính'? - Ảnh 3.

Liao Mengxue và Tong Zenghuan từng bị nhiều bình luận ác ý cho là nam giả nữ để thi đấu.

Một số người khẳng định họ có quả táo của Adam hoặc vùng háng đáng nghi đối với phụ nữ.

"Vầng trán nổi bật, dấu hiệu của táo của Adam và phần lồi lên ở háng. Tôi sẽ nói đây là đàn ông", một người dùng Weibo bình luận về vẻ ngoài nam tính của Liao Mengxue và Tong Zenghuan vào năm 2019.

"Đây là tác dụng phụ của việc dùng thuốc. Mức độ hormone của họ sẽ thay đổi rất nhiều", một người khác viết, ám chỉ rằng hai nữ vận động viên đã lạm dụng các loại thuốc tăng cường hiệu suất như steroid đồng hóa để tăng mức testosterone của họ.

Vào thời điểm đó, Hiệp hội Điền kinh Trung Quốc đã ra mặt và xác nhận rằng cả hai vận động viên đều thực sự là nữ.

Một trường hợp điển hình của sự soi xét ngoại hình đối với vận động viên nữ là huyền thoại tennis Serena Williams. Làn da nâu sẫm, đôi gò má cao, vóc dáng cơ bắp của cô - vóc dáng của một người nghiêm túc chơi thể thao, với hàng nghìn giờ nỗ lực rèn luyện không ngừng nghỉ - tất cả đều được dùng làm căn cứ để đặt câu hỏi về giới tính khi sinh ra của cô.

Vào năm 2014, một quan chức quần vợt cấp cao nọ đã gọi Serena và em gái Venus là "anh em nhà Williams". Vào năm 2012, đối thủ đồng hương của Williams, Caroline Wozniacki, đã nhét khăn vào trang phục, chế nhạo cơ thể của Williams. Trở lại năm 2009, một nhà báo chuyên mục thể thao đã viết một bài xã luận gay gắt về cơ thể của Williams, ví vòng 3 của cô với đồ ăn và phàn nàn rằng cô không đủ hấp dẫn đối với anh ta vì kích thước cơ thể của cô.

Nỗi khổ muôn thuở của vận động viên nữ: Vừa phải khỏe khoắn phi thường, vừa phải yêu kiều 'nữ tính'? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, Williams không phải là vận động viên nữ đầu tiên phải chịu đựng sự bất công này. Việc các vận động viên nữ - đặc biệt là khi họ giành chiến thắng - bị chế giễu là không phải nữ giới đã diễn ra quá thường xuyên.

Khi Dominika Cibulkova thua Sam Stosur vào năm 2012, cô đã nhiều lần tuyên bố rằng chơi trước Stosur "giống như đấu lại đàn ông". Amelie Mauresmo, cựu vận động viên quần vợt, đã nhận được nhiều soi xét về giới tính và vóc dáng của mình. 

Martina Navratilova, được nhiều người coi là một trong những tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại, thường xuyên bị chế giễu là có vẻ ngoài nam tính. Và, khi vận động viên cao 2,03m của giải Bóng rổ nhà nghề nữ Bắc Mỹ Brittney Griner thể hiện kỹ năng ném bóng của mình, cô cũng bị gọi là "đàn ông". Phản ứng của Griner trước những lời chỉ trích? "Này, đó là cơ thể của tôi, và tôi trông như thế nào là việc của tôi".

Điền kinh, bóng đá, bóng rổ, quần vợt, hay trong bất kỳ môn thể thao nào mà phụ nữ phải tập luyện khắc nghiệt cộng thêm lợi thế thể chất bẩm sinh để vươn lên và có thể chất phục vụ thành tích, kiểu phân biệt này luôn diễn ra..

Tomasz Wiktorowski, huấn luyện viên của vận động viên tennis Agnieszka Radwanska vốn mảnh khảnh, giải thích lý do tại sao cô có thể hình kém hơn Williams: "Chúng tôi quyết định giữ cô ấy là tay vợt nhỏ nhất trong top 10 bởi vì, trước hết cô ấy là phụ nữ và cô ấy muốn hãy cứ là một người phụ nữ".

Chẳng nhẽ mảnh khảnh và có đường nét mềm mại mới được làm phụ nữ, còn ngược lại thì không?

Radwanska thừa nhận ngoại hình quan trọng với cô như thế nào, về cơ bản còn hơn cả phong độ của cô, bởi vì, "Tôi là con gái". Thảo luận về những bức ảnh đôi tay cơ bắp của mình, tay vợt Andrea Petkovic thừa nhận: "Tôi cứ cảm thấy mình không nữ tính". 

Nỗi khổ muôn thuở của vận động viên nữ: Vừa phải khỏe khoắn phi thường, vừa phải yêu kiều 'nữ tính'? - Ảnh 5.

Andrea Petkovic từng nằm trong top 10 thế giới.

Và Maria Sharapova, vận động viên nữ có thu nhập cao nhất năm 2014, cho biết "Tôi không thể chịu nổi việc nâng tạ quá 5 pound (2kg)... Với môn này, tôi cứ cảm thấy điều đó là không cần thiết". Dần dần, các nữ vận động viên, ngoài lo cho thành tích của mình, còn phải đảm bảo bản thân trông thật nữ tính trong mắt khán giả.

Nhiều vận động viên nữ đã lên tiếng về những áp lực mà họ cảm thấy đối với cơ thể cũng như ngoại hình của họ.

Mới đây, vận động viên leo núi huyền thoại người Mỹ Beth Rodden đã lên tiếng về áp lực mà cô cảm thấy khi phải có thân hình 6 múi để chụp ảnh, và nhà vô địch điền kinh Olympic Jessica Ennis-Hill từng bị một quan chức của Điền kinh Vương quốc Anh gọi là "béo". 

Bản đánh giá Whyte năm 2022 về các cáo buộc lạm dụng trong môn thể dục dụng cụ ở Anh cho thấy các huấn luyện viên thường công khai hạ nhục những vận động viên thể dục trẻ tuổi về cân nặng của họ.

Những vận động viên đẳng cấp thế giới nói trên không phải là cá biệt. Một cuộc khảo sát thể thao của BT Group năm 2014 cho thấy 80% trong số 110 vận động viên nữ ưu tú tham gia cảm thấy áp lực phải tuân theo một "hình ảnh và kiểu cơ thể nhất định".

Tiêu chuẩn kép về ngoại hình: Vừa phải cơ bắp, vừa phải nữ tính truyền thống?

Nghiên cứu của Alison Owen, giảng viên sức khỏe tâm lý học tại Đại học Staffordshire khi phỏng vấn các vận động viên nữ cho thấy họ bị ảnh hưởng bởi tiêu chuẩn kép. Một trong những người tham gia, Sarah, cho biết:

"Đối với các vận động viên, có rất nhiều áp lực để phải khỏe mạnh và cân đối nhưng cũng phải có vẻ ngoài nữ tính. Tôi cảm thấy rằng các vận động viên được xếp vào… hai loại… hoặc họ bị dán nhãn là họ không cố gắng đủ, vì họ trông không khỏe mạnh, không vừa vặn và cơ bắp, hoặc họ xấu hổ vì trông nam tính và 'quá thể thao'".

Nỗi khổ muôn thuở của vận động viên nữ: Vừa phải khỏe khoắn phi thường, vừa phải yêu kiều 'nữ tính'? - Ảnh 6.

5 vận động viên trong nghiên cứu của Owen đều biểu diễn một môn thể thao khác nhau: bóng đá, bóng lưới, rowing, knorfball và chèo thuyền, cho thấy mức độ phổ biến của vấn đề.

Các vận động viên trong nghiên cứu trên cảm thấy rằng những tiêu chuẩn khắt khe này đã dẫn đến áp lực rất lớn. Họ phải đấu tranh giữa việc có một ngoại hình nhất định (có thể nói là do áp lực văn hóa nhằm duy trì một vóc dáng thon gọn và săn chắc) nhưng cũng phải duy trì khả năng thể thao và thể lực của mình.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy các vận động viên nữ nhận được những thông tin trái ngược nhau về cơ thể của họ. Ví dụ: một nghiên cứu năm 2017 về các nữ vận động viên Thụy Điển cho thấy những người tham gia cảm thấy họ bị buộc phải lựa chọn giữa một cơ thể có thành tích tốt trong lĩnh vực thể thao của họ hoặc một cơ thể hợp thời trang.

Đàn ông cũng có nhiều áp lực. Vận động viên lặn Olympic Tom Daley đã lên tiếng về các vấn đề về hình ảnh cơ thể mà anh gặp phải do áp lực từ ngành thể thao. Tuy nhiên, nhìn chung, phụ nữ có xu hướng cảm thấy áp lực hơn về ngoại hình của mình.

Sarah cho biết: "Tôi vẫn không hiểu tại sao phụ nữ lại bị đánh giá khắt khe về ngoại hình, còn đàn ông thì không".

Một người tham gia khác tên Monica, nói:

"Tôi nghĩ rằng trong thể thao… phụ nữ bị công chúng và giới truyền thông coi thường nhiều hơn nam giới. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng trang phục và hình ảnh của phụ nữ trên các phương tiện truyền thông trong thể thao được chú trọng nhiều hơn so với nam giới".

Trong một thế giới hoàn hảo, có lẽ vận động viên nữ sẽ không cần phải lựa chọn giữa việc trông nữ tính và trông mạnh mẽ - họ nên được tôn trọng như những người phụ nữ mạnh mẽ, và ngoại hình cũng như sự hấp dẫn về mặt thể xác đối với nam giới không còn là một vấn đề đáng bàn đến nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm