Tối ngày 1/10, BV TƯ Huế cơ sở 2 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) cho biết, BV vừa cứu sống nữ bệnh nhân B.T.N. (55 tuổi, huyện Phong Điền) bị treo tử cung vào mỏm nhô trong điều trị sa sinh dục.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ hội chẩn và xác định bệnh nhân bị sa sinh dục độ III/són tiểu nên chỉ định phẫu thuật nội soi 3D.
Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn, tiểu tiện bình thường, thoải mái, không còn khối sa sinh dục ra ngoài âm hộ.
Theo các bác sĩ, sa sinh dục hay còn gọi là sa các cơ quan trong vùng chậu. Tình trạng này xuất hiện là do tình trạng suy yếu của hệ thống nâng đỡ náy chậu dẫn đến sự tụt xuống của các cơ quan vùng chậu vào âm đạo.
Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, đẻ không an toàn trong lứa tuổi 40-50 tuổi trở lên. Người chưa đẻ lần nào cũng có thể sa sinh dục nhưng ít gặp hơn và chỉ sa cổ tử cung đơn thuần.
Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động.
Đặc điểm của bệnh là tiến triển rất chậm có thể từ 5 đến 20 năm, và sau mỗi lần đẻ, lao động nặng trường diễn, sức khoẻ yếu, mức độ sa sinh dục lại tiến triển thêm.
Để phòng bệnh sa sinh dục, phụ nữ không nên đẻ nhiều, đẻ sớm, đẻ dày. Phụ nữ nên đẻ ở nhà hộ sinh hoặc cơ sở y tế đủ điều kiện. Khi sinh, sản phụ không nên để chuyển dạ kéo dài, không rặn đẻ quá lâu. Thực hiện các thủ thuật phải đảm bảo đủ kiều kiện, đúng chỉ định và đúng kỹ thuật; Các tổn thường đường sinh dục phải được phục hồi đúng kỹ thuật. Sau đẻ không nên lao động quá sớm và quá nặng để tránh tình trạng táo bón.