pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nông sản Đà Lạt: Vì sao chất lượng tốt vẫn khó tiếp cận thị trường TPHCM?
Một farm rau tại Đà Lạt
TPHCM chỉ tự đáp ứng được khoảng 30% lượng rau sạch
Thống kê cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) có nhu cầu tiêu thụ lượng rau sạch khoảng 200.000 tấn/ngày, tuy nhiên khả năng tự đáp ứng của TPHCM chỉ khoảng 30%, còn lại phải nhập hàng từ các tỉnh. Nhu cầu tìm kiếm các nguồn cung đảm bảo để đáp ứng nhu cầu thị trường vẫn rất lớn.
Hiện mỗi ngày HTX Nông nghiệp hữu cơ nấm Thảo Nguyên Xanh (P.Phước Long B, Q.9) thu hoạch hàng tấn nấm đủ các loại. Trong đó 1/2 sản lượng được tiêu thụ tại các siêu thị mini, hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh tại TPHCM; 1/2 còn lại tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ.
Sau khi đầu tư các trang trại ở Long Khánh (Đồng Nai), Đà Lạt (Lâm Đồng) và TPHCM, HTX quyết định tìm kiếm mở rộng nguồn cung ra các tỉnh miền núi phía Bắc. Dù vận chuyển xa, thời gian dài có ảnh hưởng đến giá nấm nhưng bà Hoàng Thị Thanh Thảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ nấm Thảo Nguyên Xanh, cho biết: giá thành nhập nấm từ Mù Cang Chải (Yên Bái) về TPHCM vẫn rẻ hơn so với Đà Lạt.
Đại diện Công ty TNHH SXTM Hồng Ân, một công ty chuyên cung cấp nấm cho thị trường TPHCM, cho biết, công ty có 3 chi nhánh: Long Khánh, Bà Rịa, Lâm Đồng với 10 năm kinh nghiệm sản xuất nấm. Hiện cung cấp từ 4 đến 5 tấn nấm/ngày vào thị trường. Trong đó, 80% sản lượng vào siêu thị, 20% chợ đầu mối và hệ thống các siêu thi mini. 80% lượng nấm của Hồng Ân đổ về thị trường TPHCM.
Nguồn cung ở Lâm Đồng giữ giá
Chia sẻ về việc giá rau củ Đà Lạt cao, chị Trương Thị Hồng Hạnh, chủ Farm Hạnh Phúc hiện cung cấp rau củ cho chuỗi siêu thị, chợ Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức, cho biết, rau của Farm Hạnh Phúc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và thời gian thu hoạch dài. Sản phẩm chất lượng cao thì giá thành chắc chắn phải cao.
Tương tự, chị Hứa Thị Như Cẩm chia sẻ, farm rau của chị ở Lạc Dương, Lâm Đồng. Đây là vùng đất cao, không khí trong lành, hoàn toàn phù hợp cho việc trồng và sản xuất nông sản hữu cơ. Bên cạnh những yêu cầu điều kiện thổ nhưỡng, quy trình chọn giống, chăm sóc bài bản để cho ra những sản phẩm chất lượng cao, bước bảo quản sau thu hoạch để kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm cũng được farm chú trọng. Chính vì vậy, giá sản phẩm cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần rau củ quả trồng đại trà.
Tiểu thương, thương lái tìm nguồn cung giá tốt
Nhiều tiểu thương TPHCM cho biết, rất muốn ký kết thỏa thuận mua bán trực tiếp với nhà vườn không qua thương lái để có được hàng rau củ chất lượng của Đà Lạt. Tuy nhiên, giá cả chênh lệch so với chợ tới 50%. Chất lượng tốt nhưng giá vào quá cao thì không thể ra hàng. Bán trực tiếp cho khách hàng, ngoài việc hình thức ngon đẹp bắt mắt là tiêu chí hàng đầu thì giá cả cũng quan trọng không kém. Vậy nên, các tiểu thương vẫn phải chọn sản phẩm nông sản có giá tốt, nguồn cung ổn định từ các chợ đầu mối.
Chia sẻ về quá trình đi tìm nguồn cung sản phẩm nấm giá tốt tại Hội nghị Kết nối giao thương giữa tiểu thương chợ truyền thống tại TPHCM và các đầu mối trồng, sản xuất rau củ quả, hoa tươi tại Đà Lạt, Lâm Đồng, ngày 28/9, bà Hoàng Thị Thanh Thảo, Giám đốc HTX Thảo Nguyên Xanh, cho biết, vừa trở về sau chuyến đi Mù Cang Chải và đã chọn được nhà sản xuất. "Với giá thành chênh nhau 80-95 thì mặc dù đánh giá cao hương vị và chất lượng của nấm Đà Lạt, song mình vẫn chọn đầu tư thêm nguồn cung ở Mù Cang Chải".
Đại diện Công ty TNHH SX TM Hồng Ân cho biết với năng lực cung cấp từ 10-15 tấn nấm/ngày, hiện Hồng Ân cũng đã và đang tìm kiếm mở rộng nguồn cung ra khắp cả nước, trong đó có Mù Cang Chải.
Trước những ý kiến về việc hoa, rau củ quả nhà vườn Đà Lạt quá cao so với thị trường, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, nhận định, chính các tiểu thương, người kinh doanh cũng thừa nhận chất lượng và hương vị của nông sản Lâm Đồng và chất lượng thì đi đôi với giá cả. Tuy vậy, thông qua những cuộc gặp kết nối giao thương giữa nhà vườn và tiểu thương, yếu tố giá cả có thể được điều chỉnh khi các tiểu thương cam kết đầu ra, với số lượng và thời điểm giao hàng cụ thể. Nhà vườn chủ động nhiều khâu, có thể giảm chi phí, ra được giá tốt. Mặt khác, tiểu thương ở chợ truyền thống cũng có thể ra hàng loại 1, giá cao cho phân khúc khách hàng có nhu cầu. Nếu nhà vườn và tiểu thương kết nối trực tiếp được với nhau, bỏ bớt khâu trung gian thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ tốt hơn.
Hệ thống phân phối phát triển chậm so với nhu cầu sản xuất hàng hóa
Ở góc nhìn quản lý chính sách, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, hiện nay hệ thống phân phối phát triển khá chậm so với nhu cầu sản xuất đang phát triển rất nhanh. Chỉ tính riêng sản phẩm OCOP đã có nhiều mặt hàng trùng nhau ở nhiều địa phương. Thống kê, đến năm 2022, Lâm Đồng đã có trên 200 sản phẩm OCOP hạng 3, 4 và 5 sao. Vậy mỗi tỉnh, mỗi năm với tốc độ hiện tại, sẽ có vài trăm sản phẩm ra đời. Một sản phẩm mới đưa vào hệ thống phân phối thì phải có một sản phẩm rớt ra. Thế nên việc đưa hàng hóa mới vào hệ thống phân phối sẽ luôn rất khó.
Đối với việc đưa hàng hóa nông sản tiếp cận thị trường chợ truyền thống gặp khó, nguyên nhân chính là do các tiểu thương có năng lực giao dịch với số lượng nhỏ, thấp hơn các nhà phân phối hiện đại rất nhiều. Trong khi nhà cung cấp, nhà vườn (thuộc 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ) phải đối mặt với nhiều yếu tố khó khăn trong sản xuất, quan trọng nhất là vốn nhỏ, chi phí đầu tư cao: giá đất, nhân công cao, năng lực sản xuất thấp, thủ công, quy trình kiểm soát chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu giao hàng không chuyên nghiệp… giá thành không cạnh tranh. Do vậy, hai bên chưa thể có được sự hợp tác hiệu quả.
Bên cạnh việc vào kênh truyền thống khó, sản phẩm nông sản OCOP nói chung, nhiều sản phẩm nông sản OCOP, sản phẩm có thương hiệu địa phương của Lâm Đồng cũng sẽ không thể chen chân vào thống phân phối hiện đại nếu không thay đổi và cải tiến mọi mặt để bắt kịp xu thế của thế giới. Từ năng lực sản xuất, chất lượng đến bao bì đóng gói.
Cách đây 3 năm, TPHCM kết nối hỗ trợ tiêu thụ thành công hoa của nông dân, nhà vườn Lâm Đồng bị ùn ứ do dịch COVID-19 bằng việc đề xuất giải pháp nhờ Hội LHPN địa phương hỗ trợ tiêu thụ, chỉ trong 2 ngày là hoa được mua hết. Từ câu chuyện đó cho thấy, sắp tới chúng ta cần nghiên cứu thêm để có những giải pháp kết nối giao thương mới hiệu quả.