NTD uống C2, Rồng đỏ nhiễm chì khó đòi quyền lợi

02/06/2016 - 11:22
Dù Công ty TNHH URC Hà Nội đã bị phạt gần 5,9 tỉ đồng và bị buộc tiêu hủy các lô C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì nhưng có tới 40.000 thùng nước giải khát này đã được người dân tiêu thụ. Việc xử lý quyền lợi NTD bị ảnh hưởng sức khỏe ra sao đang làm nóng dư luận.
Theo quyết định xử phạt, các vi phạm chính của Công ty URC Hà Nội bao gồm: sản xuất hai lô trà xanh hương chanh C2 (lô sản xuất ngày 4-2-2016, hạn sử dụng 4-2-2017) và lô nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu (sản xuất ngày 10-11-2015, hạn sử dụng 10-8-2016) có hàm lượng chì cao quá mức công bố.

Tuy nhiên, công ty này đã bán hai lô sản phẩm này tương đường 40.000 thùng với tổng trị gần 3,9 tỉ đồng không thu hồi được. Tạm tính theo giá 5.000 đồng/chai, giá trị 3,9 tỷ đồng tiền hàng của URC sẽ tương ứng khoảng 800.000 chai C2 và Rồng Đỏ. 

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế, Trưởng đoàn thanh tra tại Công ty TNHH URC VN cho biết, từ trước đến nay, Bộ Y tế chưa có quy định rõ ràng là khi doanh nghiệp tự phát hiện sản phẩm có bất thường như trường hợp URC Hà Nội thì doanh nghiệp phải làm gì. Hiện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang chủ trì xây dựng thông tư về thu hồi sản phẩm vi phạm, trong đó có quy định cụ thể về trường hợp này.

Hiện đoàn thanh tra vẫn đang tiếp tục cuộc thanh tra toàn diện tại Công ty URC VN. Sau cuộc thanh tra này, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiếp tục thanh tra Coca-Cola VN, Pepsi Cola và Wonderfarm.
c2-va-rong-do1.jpg
Cơ quan chức năng đang thanh tra toàn diện tại Công ty URC VN
Với người tiêu dùng đã sử dụng nước giải khát C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được bồi thường theo khoản 6, điều 8 và có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản 7, điều 8. Theo Luật An toàn thực phẩm, người tiêu dùng có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản d, điều 9 và được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra, theo khoản đ, điều 9.
 
Như vậy, theo luật pháp hiện hành, người tiêu dùng (NTD) được bồi thường thiệt hại theo quy định. Người tiêu dùng thông qua các phương thức: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Nhưng ông Hùng lưu ý, người tiêu dùng phải cung cấp được chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

'Trước mắt, tôi cho rằng, ngoài việc chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, Công ty URC cần có lời xin lỗi công khai đối với người tiêu dùng' – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chì là kim loại độc với cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ em. Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm hoặc xương, thời gian thải loại chì rất dài, thậm chí tới 30-40 năm.

Trước đây, ở Việt Nam rải rác vẫn ghi nhận ngộ độc chì ở trẻ em sử dụng loại thuốc cam điều trị tưa lưỡi và giúp trẻ ngon miệng bán tại nhiều cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền, đặc biệt ở nông thôn. Cách đây ba năm, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận hàng trăm trẻ ngộ độc chì vào viện trong thời gian ngắn vì loại thuốc cam chứa chì này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm