NTK Hùng Việt bị cuốn hút bởi màu trắng đặc trưng của hoa sứ

03/03/2016 - 14:50
Tại Lễ hội Áo dài 2016, NTK Hùng Việt sẽ mang đến bộ sưu tập lấy cảm hứng từ hoa sứ. Anh tận dụng từ màu trắng của hoa, màu xanh của lá, màu vàng của nhuỵ và màu be của thân cây.

Thiết kế áo dài có phải là sở trường của anh?

Có một câu nói của những người trong nghề: Là NTK Việt Nam thì phải biết thiết kế áo dài. Cũng chính vì câu nói này mà tôi tìm hiểu và thiết kế áo dài. Đây là bộ sưu tập áo dài thứ 2 của tôi. Bộ đầu tiên được trình diễn trong chương trình "Lễ hội áo dài của chúng ta" được tổ chức năm 2014 cũng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Anh đã mang đến những bất ngờ gì trong bộ sưu tập của mình?

Trong BST này với chủ đề các loài hoa mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tôi đã chọn hoa sứ. Màu trắng đặc trưng và hình ảnh của loài hoa bất khuất đã khiến tôi cảm động. 15 bộ áo dài là 15 sắc thái, từ màu trắng của hoa, màu xanh của lá, màu vàng của nhụy cho đến màu be nhạt của thân cây đều được đưa vào bảng sắc màu cho bộ sưu tập.

Một mẫu trong bộ sưu tập

Tôi chọn cách in những cành hoa sứ trên vải nhung, sau đó cắt trổ và thêu lên thân áo (bằng chất liệu sequyn cũng đã được in chuyển màu), kế đó là công đoạn kết đính kim sa, hạt đá. Những công đoạn làm đẹp cuối cùng cần đến những đôi bàn tay thủ công khéo léo. Tôi nghĩ rằng đó chính là điểm thu hút ánh nhìn trong bộ sưu tập này.

Khi được biết sẽ thiết kế một bộ đặc biệt cho khách mời, việc đầu tiên anh nghĩ đến là gì?

Tôi nghĩ nhân vật khách mời của mình sẽ là 1 người phụ nữ đậm đà (bà Elena Zubtsova- Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam). Nhưng khi gặp thì thấy bà là người khá uyển chuyển, nhanh nhẹn. Bà chưa bao giờ diện áo dài dù bà đã dành gần 40 năm nghiên cứu và sống tại Việt  Nam. Tôi nói sẽ thiết kế cho bà 1 chiếc áo dài màu xanh nước biển với họa tiết hoa sứ. Bà cười nói: “Thật vui vì ước mơ mặc áo dài của bà đã thành hiện thực!”.

Với 10 năm kinh nghiệm, theo anh, Lễ hội Áo dài có ý nghĩa như thế nào?

Lễ hội là nơi áo dài được tôn vinh bởi ở đó những gì về văn hóa, lịch sử của áo dài sẽ được nhắc đến. Tại đây, các NTK sẽ mang đến sự cách tân, mới lạ trên tà áo dài truyền thống.

Tôi nghĩ chương trình là một thông điệp, là cái nhìn đa sắc rất tốt trong sự phổ cập về văn hóa mặc áo dài cũng như duy trì và phát huy nét đẹp truyền thống này. Nếu hỏi trang phục nào gắn liền với chất liệu, họa tiết và văn hóa vùng miền nhất thì đó chính là tà áo dài Việt Nam. 

Lễ hội Áo dài 2016 năm nay có chủ đề “Áo dài của chúng ta”. Lễ hội diễn ra vào 20h ngày 4/3 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Chương trình do Đài truyền hình Hà Nội, Báo Phụ nữ Việt Nam và Báo Dân trí tổ chức.

Lễ hội áo dài năm nay có sự tham gia của 19 nhà thiết kế từ 3 miền Bắc-Trung-Nam, trong đó có những cái tên đã rất quen thuộc: Minh Hạnh, Lan Hương, Hà Duy, Ngọc Hân, Chula.

Ngoài ra còn các nhà thiết kế khác, gồm: Cao Minh Tiến, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Đức Hải, Duyên Hương, Hùng Việt, Minh Minh, Quang Huy, Thương Huyền, Việt Hà, Viết Bảo, Xuân Hảo, Nhi Hoàng, Phương Thanh và các nhà thiết kế của thương hiệu GenViet Jeans.

Người mẫu của Lễ hội Áo dài 2016 không chỉ là những người mẫu chuyên nghiệp mà còn có cả những nghệ sĩ gạo cội, các vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở Việt Nam như: NSND Như Quỳnh, NSND Minh Châu, NSND Ngọc Lan, NSND Trà Giang, NSƯT Thanh Tú, Đại sứ Ý tại Việt Nam Cecilia Piccioni...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm