Nữ điệp báo cảm tử đánh đắm tàu chiến Pháp

19/12/2017 - 06:50
Một mình mang thuốc nổ đánh đắm tàu chiến Pháp, tiêu diệt 200 sĩ quan, binh lính Pháp vào ngày 27/9/1950, chiến công cảm tử của người nữ anh hùng hy sinh ở tuổi 39 lưu truyền mãi đến những đời sau.

Anh hùng Nguyễn Thị Lợi sinh năm 1911 quê ở Châu Phú, Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chị gửi người con gái đầu cho mẹ đẻ ở quê rồi đưa người con trai nhỏ theo chồng ra Bắc. Trên đường đi, bom đạn của kẻ thù đã cướp đi người con trai cùng người chồng. Đau đớn, tuyệt vọng, chị dừng chân lại Thanh Hóa và được mọi người trong vùng kháng chiến đùm bọc, động viên vượt qua nỗi đau.

Lúc này, chị được gia đình đồng chí Hoàng Đạo (lúc ấy là trưởng Ty Công an Thanh Hóa, Tổ trưởng Tổ Điệp báo A13) cưu mang và bố trí cho chị làm cấp dưỡng trong Ty Công an. Sau đó, đồng chí Hoàng Đạo thấy chị Lợi là người phụ nữ bản lĩnh, thông minh, kiên trung, có tố chất của một chiến sĩ điệp báo nên kết nạp chị vào tổ điệp báo do ông phụ trách.

bia-tng-nim-n-anh-hng-nguyn-th-li-ti-b-bin-sm-sn-ni-b-xut-pht-ln-ng-lm-nhim-v.jpg Bia tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi tại bờ biển Sầm Sơn, nơi chị xuất phát lên đường làm nhiệm vụ.

Chiến dịch Việt Bắc, Thu - Đông 1947, Pháp thất bại. Chính phủ bù nhìn Bảo Đại được thực dân Pháp hỗ trợ, âm mưu thâm độc dùng người Việt trị người Việt. Bằng nghiệp vụ bí mật, ta đã đưa được Hoàng Đạo cùng một đồng đội của ông (Tổ điệp báo A13) chui sâu vào hàng ngũ của địch, bản thân ông lên đến chức Quốc vụ khanh Chính phủ Bảo Đại. Để khống chế vị Quốc vụ khanh mà có vợ còn ở lại vùng tự do Thanh Hóa, Pháp đề nghị Hoàng Đạo đưa phu nhân ra Hà Nội chung sống với chồng. Biết địch đã nghi ngờ, ta quyết định rút Hoàng Đạo đi làm nhiệm vụ khác nhưng đồng thời tương kế tựu kế đánh bom chiến hạm Amyot D’Inville, chiếc tàu chở nhiều sĩ quan binh lính địch cùng quân trang quân dụng mà chúng điều đến khu vực ngoài khơi Sầm Sơn để bí mật đón phu nhân Quốc vụ khanh.

Nhưng ai sẽ là người đủ bản lĩnh để đóng vai vị phu nhân đem va li thuốc nổ lên tàu và hy sinh thân mình kích nổ? Tổ điệp báo A13 đang chưa có giải pháp thì chị Lợi xung phong nhận nhiệm vụ. Để được tổ chức chấp nhận giao nhiệm vụ cảm tử, chị đã có thư đề nghị rất cảm động. Trong đó, chị  viết: “Tôi Nguyễn Thị Lợi, quê Châu Phú - Châu Đốc, chiến sĩ tình báo, xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà…”.

Đêm 26 rạng ngày 27/9/1950, nữ chiến sĩ điệp báo cảm tử Nguyễn Thị Lợi (bí danh A16) trong vai phu nhân của Quốc vụ khanh được 4 người của ta đóng vai dân chèo thuyền đưa ra tàu chiến Pháp Amyot D’Inville đang thả neo đợi ở ngoài khơi Sầm Sơn. Chị lên tàu, xách theo chiếc va li đựng 30 kg thuốc nổ. Lấy lý do sức khỏe, phu nhân Quốc vụ khanh vào phòng nghỉ và khoảng 30 phút sau, chiến hạm Amyot D'Inville đã nổ tung. Tiếng nổ long trời biển Sầm Sơn báo tin Nguyễn Thị Lợi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với Tổ quốc.

chin-hm-amyot-dinville.jpg Chiến hạm Amyot D’Inville.

Theo kể lại của những người trong cuộc, đêm đó có gió lớn, biển động mạnh, kế hoạch tưởng như đổ vỡ. Nhưng chị Lợi và các đồng chí vẫn kiên quyết hành động.

Hơn 200 sĩ quan địch cùng với hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng mà thực dân Pháp dự định chi viện cho quân đội Pháp ở Việt Nam bị chìm xuống đáy biển. Cùng trên chiếc chiến hạm ấy, Nguyễn Thị Lợi đã anh dũng hi sinh, mãi mãi nằm dưới lòng biển. Trận đánh của chị là một trong những chiến công tiêu biểu nhất của ngành Công an trong kháng chiến chống Pháp.

Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phong tặng Huân chương Quân công hạng ba cho chị. Ngày 3/8/1995, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Nguyễn Thị Lợi. Cuộc đời ngắn ngủi 39 tuổi của người nữ anh hùng là một khúc bi tráng mà phải đọc tiểu sử của chị mới thấy hết được ý nghĩa và việc làm của chị trước hoàn cảnh lịch sử Việt Nam năm 1950.  

tng-i-n-anh-hng-nguyn-th-li.jpg Tượng đài nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi.

Chiến công cảm tử của chị được nhà văn Văn Phan viết thành tác phẩm Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’Inville, được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Tôn vinh đặc biệt dịp 27/7 vừa qua.

Ở Sầm Sơn có con đường Nguyễn Thị Lợi, ngôi trường mang tên Nguyễn Thị Lợi, trong khuôn viên của trường có tượng của chị. Năm 2017, năm quốc gia về kỷ niệm 70 năm Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và khánh thành tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lợi ở khu du lịch quốc gia thuộc thành phố Sầm Sơn.

Amyot D’Inville - chiến hạm Pháp bị Anh hùng Nguyễn Thị Lợi dùng thuốc nổ đánh đắm đã từng tham gia cuộc Chiến tranh thế giới II. Đây là một trong những Thông báo hạm lớn nhất của Pháp hoạt động ở khu vực biển Thái Bình Dương thời kỳ đó. Đầu những năm 1950, chiến hạm Amyot D’Inville được điều đến vùng biển Thanh Hóa – Nghệ An theo kế hoạch đánh chiếm vùng đất này của thực dân Pháp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm