Nữ doanh nhân hiến cả gia sản cho cách mạng

13/10/2016 - 18:32
Với câu nói bất hủ: “Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất” - Đó là bà là Hoàng Thị Minh Hồ, doanh nhân hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ là con gái của cụ Hoàng Đạo Phương, là nhà Nho yêu nước, từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục và là một thương gia giàu có của đất Hà Thành.

Sinh ra trong nhung lụa, bà Hồ không chỉ hội tụ đầy đủ các yếu tố công - dung - ngôn - hạnh mà còn cùng chồng phát triển sự nghiệp buôn bán kinh doanh và trở thành một gia đình thương gia giàu có bậc nhất của Hà Nội.

Bà Hồ từng chia sẻ, dù 11 tuổi mới được đi học chữ và 15 tuổi đã phải dừng lại, nhưng khi lấy chồng, ở độ 20 tuổi, như thể là dòng máu “con nhà nòi”, bà vô cùng say sưa với công việc kinh doanh để cửa tiệm chiếm lĩnh được thị trường. Bằng chữ tín và năng khiếu kinh doanh truyền từ cha, chỉ từ 30.000 đồng Đông Dương khởi nghiệp ban đầu, vợ chồng bà đã làm tăng khối tài sản gia đình lên hàng trăm lần.

Cha bà khi gần 80 tuổi đã gọi các con lại nói rằng: "Ta đã già mà chưa làm trọn việc nước, sau này con nào có điều kiện giúp nước thì hãy làm thay ta". Từ đó, bà luôn khắc ghi trong lòng lời dạy của cha và có điều kiện là giúp nước mà không hề suy nghĩ.

hoang-thi-minh-ho.jpg
 Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ thời trẻ

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của bà trước kia là tiệm vải Phúc Lợi, thuộc loại lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ. Có điều kiện dư dả, hai ông bà thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Thấy vậy, cán bộ Việt Minh đã đến nhà vận động ông bà đi theo cách mạng. Thấy Việt Minh khó khăn, không có tiền ra báo, bà đã ủng hộ 8 vạn rưỡi tiền Đông Dương. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang cũng được chọn làm trụ sở hoạt động của cách mạng.

Nạn đói năm 1945, người tha hương khắp nơi đổ về Hà Nội. Ông bà Hồ đã xuất kho cứu đói khắp nơi.

Sau ngày Quốc khánh 2/9, ban ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở Phủ Chủ tịch, tối vẫn về nhà bà Hồ để ở. Thời gian này, Bác nhờ gia đình bà Hồ chuẩn bị một bữa tiệc chiêu đãi tướng quân Tưởng. Đồng thời, để họ rút 20 vạn quân khỏi nước ta, Bác đã nhờ ông bà chuẩn bị tiền để lo liệu.

Với suy nghĩ “chính quyền có giữ được, mình mới mong tiếp tục buôn bán”, để có 200 vạn cho Tiêu Vân, 300 vạn cho Lư Hán và 500 vạn cho Ứng Khâm, bà đã phải bán phá giá những xấp vải có trong nhà để có tiền đài thọ cho mọi chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của nhà nước. Toàn bộ tầng 2 căn nhà 48 Hàng Ngang được bố trí làm nơi làm việc của Bác Hồ và 15 người trong Thường vụ Trung ương Đảng.

Mùa thu năm 1945, sau khi giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, Chính phủ lâm thời mới của Việt Nam đối mặt với tình trạng vô cùng khó khăn về tài chính khi khoản nợ ngắn hạn của Kho bạc Trung ương lên đến 564 triệu đồng, trong khi ngân khố chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương mà gần một nửa là tiền rách chờ thu đổi.

Phát động Tuần lễ vàng để thu nhận tài chính và hiện vật nhân dân quyên góp cho Chính phủ thông qua Quỹ Độc lập là giải pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lúc này.

t-tri-sang-gm-nh-t-sn-ho-tng-ng-trnh-vn-b-b-hong-th-minh-h-m-ng-trnh-vn-b-c-th-tng-phm-vn-ng-nh-in-ch-nguyn-hu-tip-trc-thm-nh-ht-ln-ti-tun-l-vng-1945.jpg
 Từ trái sang gồm nhà tư sản Hoà Tường, ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ, mẹ ông Trịnh Văn Bô, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp trước thềm Nhà hát Lớn tại Tuần lễ vàng 1945

Hưởng ứng Tuần lễ vàng, vợ chồng bà Hồ ở trong Ban vận động, đã ủng hộ 117 lạng vàng. Tổng cộng từ ngày theo cách mạng, gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho cách mạng. Bên cạnh đó, vợ chồng bà còn đi vận động mọi người ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa.

Trong đêm kết thúc “Tuần lễ vàng”, bà Hồ không chút băn khoăn bỏ tiền mua đấu giá bức ảnh Bác Hồ với giá 10 vạn đồng. Sau này bà đã tặng lại UBND thành phố Hà Nội.

Có thể nói, gần như toàn bộ số tiền mà vợ chồng bà Hồ thu được từ việc kinh doanh vải đều dùng cho hoạt động cách mạng. Từ tháng 3/1945 đến hết tháng 5/1946, mọi chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của nhà nước đều do bà Hồ đài thọ. Những cán bộ ở tỉnh về không có quần áo tốt mặc, bà đã không ngần ngại lấy vải trong nhà, bảo thợ của gia đình may tặng. Chính vì những đóng góp ấy, sau này người Pháp đã ví bà là Bộ trưởng Tài chính của Việt Minh.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hai ông bà đã bỏ nhà lên chiến khu, từ bỏ cuộc sống sang giàu, ăn no mặc đẹp. Bà cho rằng, chỉ có nước nhà độc lập thì mình mới hết nhục. Vì thế những ngày ở rừng, ăn cơm vắt với măng rừng, bà vẫn cảm thấy hạnh phúc.

2.jpg
 Năm 2013, bà trở thành doanh nhân tiêu biểu cao tuổi nhất Việt Nam

Sau này, nghĩ đến những năm tháng hoạt động cách mạng, bà từng nói rằng: "Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn dốc toàn bộ tiền bạc cho cách mạng. Tôi không hối hận vì những việc mình làm vì đó là trách nhiệm của một người dân trong thời kỳ đất nước khó khăn".

Năm 2013, doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ được vinh danh là doanh nhân tiêu biểu cao tuổi nhất Việt Nam khi tròn 100 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm