pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ doanh nhân làm trà kombucha vải thiều tôn vinh nông sản Việt
Nữ doanh nhân sáng tạo trà Kombucha vải thiều, hỗ trợ tiêu thụ, tôn vinh nông sản Việt
Khởi nghiệp với các sản phẩm đồ uống từ thiên nhiên, nữ doanh nhân Trần Thanh Việt (sáng lập và điều hành VGreen Group) chia sẻ: "Vải thiều là đặc sản không chỉ của Bắc Giang mà còn là đặc sản của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Sẽ rất buồn nếu nghĩ rằng, đặc sản của nước mình lại không tiêu thụ được, bị ép giá hay bỏ đi. Chính vì vậy, ý tưởng về Kombucha vải được manh nha. Sau khi đã nghiên cứu, khảo sát, những lô trà Kombucha vải đầu tiên được sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều người e ngại rằng, vải thiều tuy ngon nhưng không nên ăn nhiều vì sẽ gây nóng, gây mụn. Vì thế, chúng tôi lại càng đặt mục tiêu sản xuất ra loại đồ uống với hương vị vải tự nhiên, vừa giải nhiệt, đã khát, giúp các tín đồ mê vải thiều thưởng thức loại quả này một cách ngon hơn và lành mạnh hơn".
Nâng tầm sản phẩm OCOP
Chị Thanh Việt cho biết trà lên men kombucha sử dụng nguyên liệu là trà sạch của các hợp tác xã chè đã được tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận OCOP, sau đó thu hái theo quy trình và ủ men Scoby theo công thức độc quyền. Đây là sản phẩm đã được Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên triển khai đề tài nghiên cứu cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất, chế biến đồ uống giải khát lên men từ chè Thái Nguyên".
Năm 2021, sản phẩm đã được trao định danh "Product of ThaiNguyen", góp phần lan tỏa thương hiệu, gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao vị thế của trà Thái Nguyên ra thị trường trong và ngoài nước.
Trà Kombucha vải thiều (The Special Lychee Kombucha) được ra đời từ ý tưởng về thức uống thuần tự nhiên, tôn vinh nông sản Việt và hưởng ứng lời kêu gọi của các bộ, ngành chung tay ủng hộ Bắc Giang chống dịch Covid-19.
Sản phẩm là sự kết hợp độc đáo giữa các đặc sản vùng miền: vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và trà Thái Nguyên. Với vị chua thanh, dịu ngọt của trả lên men quyện lẫn hương thơm của vải thiều, sản phẩm có chứa các lợi khuẩn như: Probiotics, acid hữu cơ, chất chống oxy hóa, vitamin B, C, Polyphenol, EGCG... không chỉ giúp kích thích hệ tiêu hóa, cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, mà còn có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch và kích thích sản xuất interferon - một loại cytokine có khả năng ngăn chặn sự sinh sản của virus.
Trước tâm lý e ngại quả vải từ vùng dịch, chị Trần Thanh Việt khẳng định: Nguồn nguyên liệu vải thiều được nhập từ vùng an toàn, có mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhà vườn, hộ nông dân. Sau khi đóng hàng, các lô vải thiều sẽ được phun thuốc khử khuẩn bằng Cloramin B, đồng thời dán tem vải thiều không Covid-19. Cùng quy trình sản xuất khép kín, ủ men 100% tự nhiên, đảm bảo an toàn và phát huy triệt để dược tính của sản phẩm.
Không chỉ đưa vải thiều trở thành nguyên liệu sản xuất trà lên men kombucha, chị Trần Thanh Việt còn nghiên cứu, sản xuất nhiều dòng đồ uống xanh từ nhiều loại trái cây và các loại nông sản được chứng nhận OCOP như xoài, thanh long, dừa, dâu, gừng… từ các trang trại, các hợp tác xã trên cả nước, góp phần hỗ trợ tiêu thụ và tôn vinh nông sản Việt.
Cùng với việc nghiên cứu, sáng tạo thêm những dòng sản phẩm sạch, xanh từ nông sản Việt, nữ doanh nhân sáng lập thương hiệu VGreen còn tham gia tích cực trong công tác chung tay ủng hộ, phòng, chống dịch với chuỗi hoạt động "Hành trình yêu thương - Tăng cường sức đề kháng" trao tặng hơn 2.000 chai trà Kombucha đến các khu cách ly của tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên.
* OCOP là gì?
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo định hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cơ chế thị trường.
* Cách phân hạng OCOP: dựa theo bộ tiêu chí, đánh giá theo thang điểm 100. Sản phẩm OCOP được phân theo 5 hạng sao, gồm:
- 1 sao: sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình, tổng điểm đạt dưới 30.
- 2 sao: sản phẩm đã được hình thành ở địa phương nhưng cần tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp. Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm.
- 3 sao: sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu. Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm.
- 4 sao: sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm.
- 5 sao: sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm.
* Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có thời hạn 36 tháng.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ