pnvnonline@phunuvietnam.vn
TPHCM hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Người dân TPHCM mua vải thiều tại siêu thị
Đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, khoai lang tím
Những ngày qua, nhiều người dân đã tìm đến căn nhà tại địa chỉ 603, đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TPHCM) để mua khoai lang tím với mức giá 2.000-2.500 đồng/kg ủng hộ người nông dân tỉnh Vĩnh Long.
Anh Nguyễn Trần Mộng Thành, người tham gia trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím cho biết, người nông dân được đặt hàng trồng để xuất khẩu cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khiến cho thương lái không mua hàng nữa. Khoai lang tím được anh mua ngay tại vựa, sau đó vận chuyển lên TPHCM để tiêu thụ. "Thời gian đầu chỉ bán được hơn 10 tấn/ngày. Nhưng hiện tại, mỗi ngày bán được khoảng hơn 100 tấn", anh Thành cho biết.
Trong điều kiện hiện nay, nhóm anh Thành cũng tuân thủ thực hiện giãn cách giữa người mua và hạn chế tối đa việc người dân tập trung đông, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh mặt hàng khoai lang tím, trong thời gian qua, vải thiều của người nông dân ở các tỉnh phía Bắc cũng được các chợ đầu mối, hệ thống bán lẻ tại TPHCM đẩy mạnh tiêu thụ. Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, từ những ngày cuối tháng 5 vừa qua, hơn 50 tấn vải thiều tươi đã lên kệ bán phục vụ khách hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart ở khu vực phía Bắc. Chỉ sau đó ít ngày, các siêu thị của hệ thống phía Nam cũng tràn ngập vải thiều chính gốc từ Thanh Hà - Hải Dương và Lục Ngạn - Bắc Giang.
Theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn hệ thống của Saigon Co.op trong năm nay dự kiến sẽ khoảng 400 tấn và có khả năng vượt 500 tấn nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tiến triển khả quan.
Trong khi đó, Tập đoàn Central Retail cũng đã triển khai hàng loạt chương trình kích cầu tiêu thụ vải thiều. Theo đó, từ ngày 5-20/6, khi mùa vải bước vào chính vụ, hệ thống đại siêu thị GO! /Big C tổ chức kích cầu tiêu thụ trái vải trên kênh online, trên nền tảng thương mại điện tử, thông qua các kênh của hệ thống siêu thị và đại siêu thị và qua kênh đối tác giao hàng như Tiki, GrabMart, NowFresh, Baemin. Tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 100 tấn.
Từ ngày 10-16/6, hệ thống đại siêu thị GO!/Big C trên toàn quốc triển khai chương trình lễ hội trái cây, giảm giá đến 30% cho các loại trái cây đặc sản từ các vùng miền trên cả nước, trong đó có mặt hàng vải thiều. Theo kế hoạch, Big C sẽ tiêu thụ khoảng 200 tấn trái cây các loại gồm bơ, sầu riêng, vải thiều, nhãn, thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh... thông qua chương trình này.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản là trách nhiệm và quyền lợi
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, TPHCM không phải là nơi sản xuất nông sản mà là thị trường tiêu thụ lớn, nên cần phải có nguồn hàng liên tục cung ứng cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc hình thành, duy trì và giữ ổn định nguồn cung ứng là điều hết sức quan trọng.
Theo ông Phương, việc hỗ trợ cho các địa phương tiêu thụ nông sản không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của thành phố. Sở đã có kế hoạch cụ thể xây dựng nguồn nguyên liệu, dự trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo Sở Công thương TPHCM, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, sở đã thảo luận kỹ với cơ quan y tế, giao thông vận tải tính toán các phương án để đón nhận, phân luồng hàng hóa, cách ly tài xế, khử khuẩn xe… từ các địa phương khi đến thành phố để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Đến nay, lượng vải thành phố tiếp nhận tiêu thụ hơn 5.000 tấn, tập trung chủ yếu ở 3 chợ đầu mối của thành phố. Bên cạnh đó, các hệ thống bán lẻ cũng cam kết tiêu thụ với lượng hóa lớn, qua đó, hỗ trợ các địa phương phía Bắc tiêu thụ vải kịp thời.
Trong khi đó, Sở Công thương TPHCM cũng đã làm việc với các địa phương như Vĩnh Long Đồng Tháp… lấy danh sách các hộ nông dân trồng khoai lang tím có sản lượng lớn sau đó kết nối với chợ đầu mối, thương nhân hỗ trợ tiêu thụ.
Liên quan đến việc tiêu thụ hoa ở Lâm Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tình hình dịch bệnh tại thành phố đã khiến cho các hoạt động liên quan như hội nghị, hội thảo, lễ hội, cưới hỏi… bị tạm dừng. "Do đó, nhu cầu sử dụng hoa giảm rất nhiều. Cầu của thị trường giảm chứ không phải thành phố không hỗ trợ tiêu thụ hay ngăn sông cấm chợ", ông Phương nhấn mạnh.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ