pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hỗ trợ nông sản Việt vượt bão Covid-19 (Bài cuối): Cần những kế hoạch dài hơi
Ảnh minh họa
Tín hiệu vui từ thị trường nông sản
Lần đầu tiên đặt mua trái cây trên sàn thương mại điện tử Sendo, chị Hoàng Kim Mai (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá ngạc nhiên khi nhận những chùm vải đầu mùa được bảo quản trong thùng xốp, trái cây còn tươi rói.
Chị chia sẻ: Dù vải đầu mùa (vải u hồng) hạt to và còn có vị chua, nhưng với mức giá 18.000 đồng/kg, lại được miễn phí giao hàng thì người tiêu dùng có thể chấp nhận và cảm thấy hài lòng.
Những ngày này, dù nhiều khu vực đang thực hiện giãn cách, cách ly để phòng dịch Covid-19 nhưng trên thị trường liên tục đón nhận những tín hiệu vui về tiêu thụ nông sản. Vải thiều – loại trái cây có thời gian thu hoạch ngắn và lại rơi vào vùng dịch - đang cho thấy việc tiêu thụ ổn định trên thị trường.
Tại thị trường khó tính như Nhật Bản, 20 tấn vải thiều Bắc Giang đã được bán gần hết ngay trong ngày đầu tiên, với giá từ 340.000 đồng – 500.000 đồng/kg. Trên các gian hàng Việt trực tuyến thuộc "Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại", những loại trái cây mùa vụ cũng đã được tiêu thụ với số lượng vượt xa kỳ vọng.
Vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) lên sàn thương mại điện tử Lazada từ ngày 14/5. Mỗi ngày, sàn này tiêu thụ trung bình khoảng 2 tấn vải thiều. Trên sàn thương mại điện tử Sendo, sau 3 ngày lên sàn (từ 24/5), đã bán được 14 tấn vải, vượt kế hoạch đề ra ban đầu là bán 12 tấn vải trong 4 ngày.
Ngày 28/5, mận hậu và xoài tròn Yên Châu của Sơn La cũng đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee. Chỉ sau một ngày mở bán, gần 1 tấn mận hậu đã được tiêu thụ.
Người trồng cần biết yêu cầu của thị trường
Chị Nguyễn Thị Lan (tỉnh Hải Dương) cho biết: Để xuất khẩu, nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe. Còn với thị trường trong nước, khi phân phối vào siêu thị, sàn thương mại điện tử trong nước, các loại nông sản nói chung, trong đó có các loại trái cây đang vào vụ như vải thiều, mận, xoài… cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn riêng.
Cụ thể như: phải có tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin về quy trình canh tác, thu hái, cách thức và quy trình đóng gói… đảm bảo. Nhiều hộ gia đình, người trồng không đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.
Bên cạnh đó, các kỹ năng bán hàng trực tuyến của bà con còn nhiều hạn chế, nên dù thương mại điện tử là một kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả trong mùa dịch, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được với thương mại điện tử.
Hiện nay, còn có rất nhiều loại trái cây, nông sản đang vào vụ thu hoạch như dứa, dưa lê, dưa hấu, thanh long, xoài, khoai lang, bí đỏ… cần thị trường để tiêu thụ. Những người sản xuất đang rất cần những kế hoạch hỗ trợ dài hơi để họ có thể tự tin, chủ động đưa sản phẩm của mình lên các kênh phân phối hiện đại, kênh bán hàng trực tuyến và xuất khẩu hàng hóa.
Các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
Để nâng cao kỹ năng cho bà con nông dân, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) triển khai các chương trình hướng dẫn kiến thức về hệ thống truy xuất nguồn gốc, từng bước hướng dẫn bà con nhập liệu vào nhật ký canh tác, cập nhật dữ liệu phục vụ cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm… để đảm bảo việc quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm được minh bạch.
Các sàn thương mại điện tử cũng phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại từng bước đào tạo và tư vấn cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã và các địa phương có sản phẩm tiềm năng về kỹ năng mở gian hàng, quản lý, vận hành và triển khai các hoạt động xây dựng hình ảnh và quảng bá sản phẩm thành công trên sàn thương mại điện tử.
Tổng công ty bưu điện Việt Nam (Vnpost) lên kế hoạch phối hợp triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream).
Ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc biệt tại các vùng đang có dịch, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước; tham mưu, báo cáo, đề xuất lãnh đạo địa phương làm việc với lãnh đạo các địa phương khác cùng phối hợp xử lý các vướng mắc trong hoạt động tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Đồng thời, Sở Công Thương các địa phương phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, biển đảo...
Ngoài ra, các Sở Công Thương cũng phối hợp cùng các đơn vị tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản, nông sản, thủy sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết.
Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, với sự vào cuộc của các cấp từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp và chính những người nông dân, để tìm đầu ra ổn định cho nông sản Việt.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ