Nữ họa sĩ Lâm Hoàng Trúc: “Sáng tác truyện tranh là nghề khá dễ chịu”

05/04/2018 - 18:30
Với họa sĩ trẻ Lâm Hoàng Trúc, tác giả bộ truyện tranh “Đường hoa” mới ra mắt nhưng đã nhận được sự quan tâm chú ý của giới họa sĩ và cộng đồng truyện tranh Việt, việc sáng tác truyện tranh không đến nỗi áp lực như những công việc khác.

Tính toán chứ không toan tính

Chào Lâm Hoàng Trúc, tại sao bạn lại chọn truyện tranh để theo đuổi mà không phải một thể loại nào khác như số đông các họa sĩ trẻ hiện nay?

Từ hồi nhỏ ở quê, khi đọc được những cuốn truyện tranh cũ đầu tiên, mình đã nghĩ lớn lên mình sẽ vẽ những thứ tương tự như vậy. Thực tế, không cần chờ đến lớn, mình đã vẽ miệt mài suốt gần 20 năm nay. Từ bản năng ban đầu đến khi được đào tạo bài bản ở trường mỹ thuật, mình vẫn nghĩ, mình sẽ sống với truyện tranh, dù khi nhắc đến truyện tranh thì người ta chỉ nghĩ đến Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.

3.jpg
Truyện tranh "Đường hoa" của Lâm Hoàng Trúc 

Theo bạn, việc khó nhất khi bắt tay vào thực hiện một bộ truyện tranh là gì?

Với bất cứ ngành nghề nào cũng cần kiến thức chuyên môn, kỷ luật và trách nhiệm. Đam mê thì khỏi nói, có nữa càng tốt. Nếu đã xem truyện tranh là nghề, nhất định phải nghiêm túc. Tuân thủ theo lịch làm việc, chuyên môn phải thường xuyên trau dồi, học hỏi. Biển học vô bờ, học cả đời cũng không hết, nên nếu luyện tập chăm chỉ và đúng cách, chắc chắn mình sẽ giỏi lên từng ngày (không có giỏi nhất đâu).

Đối với tôi, trách nhiệm cũng rất quan trọng. Nếu coi tác phẩm là đứa con của mình thì phải làm cho tới nơi tới chốn. Khi làm thì không toan tính gì nữa, điều duy nhất cần phải tính toán là làm thế nào để nó tốt nhất có thể. Đã cầm bút lên là chỉ có tác phẩm, tác phẩm và tác phẩm thôi. Mọi toan tính về tiền bạc, danh tiếng… đều để sau, làm xong rồi hãy nói tới. Không thể đòi hỏi bất cứ điều gì trước khi hoàn thành tác phẩm được.

Bạn có thể nói cụ thể hơn, họa sĩ truyện tranh cần phải rèn luyện và trau dồi cho bản thân ra sao?

Truyện tranh cần có kịch bản tốt và hình vẽ thể hiện được kịch bản đó. Vì vậy làm truyện tranh đòi hỏi nhiều kỹ năng tổng hợp. Viết tốt, cảm thụ tốt, có vốn sống, kinh nghiệm thì càng tuyệt, có kiến thức sâu rộng về đề tài trong truyện mới làm ra được tác phẩm chất lượng. Năng lực vẽ rất quan trọng. Chú ý quan sát mọi thứ trong cuộc sống. Chỉ có cách rèn luyện thật nhiều, viết thật nhiều và vẽ thật nhiều mới khá lên dần được.

Thế còn chuyện “cơm áo”? Có vẽ như họa sĩ viết/vẽ truyện tranh không dễ sống bằng họa sĩ làm công việc khác?

Đối với mình, sáng tác truyện tranh là nghề khá dễ chịu, ít áp lực, cứ so với bác sĩ kỹ sư hay giáo viên sẽ thấy. Còn về vấn đề tiền bạc thì nghề nào cũng vậy, giai đoạn ban đầu luôn khó khăn thiếu thốn, nếu cứ vin vào vấn đề thu nhập để than thở mãi thì không làm được gì cả. Bao nhiêu người khởi nghiệp không có xu nào trong tay, phải vay mượn khắp nơi, áp lực, trách nhiệm, khó khăn lớn hơn mình nhiều.

“Nở hoa hay không là do chính mình”

Trở lại với truyện tranh “Đường hoa” (NXB Kim Đồng), câu chuyện trong tác phẩm đầu tay này của bạn phải chăng là một ẩn dụ cho hình ảnh về con đường tuổi trẻ của mỗi người?

Mình luôn nghĩ con đường của mình phải do chính mình tạo ra, chính mình lựa chọn, không ai có thể quyết định tương lai thay cho mình, cũng không thể ép ai đi theo mình được. Nó có nở hoa hay không cũng do chính mình. Đẹp hay không cũng tùy cách nhìn nhận của mình. Con đường sẽ vô cùng gian khó, nhưng mình sẽ chỉ nhận được những gì xứng đáng với cái giá mình bỏ ra. Một con đường cô độc mà ai cũng phải bước lên.

duong-hoa.jpg
Nữ họa sĩ Lâm Hoàng Trúc trong buổi giao lưu giới thiệu truyện tranh "Đường hoa" 

Được biết để “Đường hoa” thành hình, bên cạnh Lâm Hoàng Trúc còn có Mai Lê Xuân Thọ nữa. Xuân Thọ đã “tiếp sức” như thế nào cho bạn trong quá trình xây dựng bộ truyện?

Mình vẽ chính, Thọ hỗ trợ vẽ những thứ mình không vẽ được như xe cộ, tư thế khó của nhân vật. Thọ còn là biên tập viên đáng tin cậy nhất. Đường hoa được như bây giờ là nhờ bạn ấy phát hiện và yêu cầu chỉnh sửa những chỗ không hay của truyện, thật tình hồi đầu truyện khá ủy mị và không được vui tươi lạc quan như bạn đã thấy.

Đọc “Đường hoa”, rồi “soi” lại tác giả, có thể nhận ra Lâm Hoàng Trúc đã viết bằng “vốn tự có” của mình. Nói cách khác là bạn đã “ăn mình” rất tuyệt. Dự án tiếp theo sẽ vẫn là một cuộc “ăn mình” như vậy nữa, hay Lâm Hoàng Trúc sẽ thoát ra khỏi cái bóng của chính mình?

Mình đang cùng lúc viết khá nhiều kịch bản, với nhiều đề tài khác nhau. Mình muốn thách thức khả năng của mình. Trong đó có ý tưởng về gia đình bị rạn nứt, khi hai người trẻ kết hôn mà suy nghĩ chưa chín chắn, dẫn đến đứa con nhỏ phải chịu đựng tất cả những lỗi lầm của cha mẹ. Các bạn trẻ giờ hay bị người thân hối thúc lập gia đình mà không cần quan tâm đến hoàn cảnh, tâm lý của họ. Cái họ cần là những lời chia sẻ, động viên về tình yêu, trách nhiệm, chứ không phải nghe đi nghe lại cái điệp khúc đến tuổi phải cưới. Hệ lụy từ việc đó quá nhiều và nghiêm trọng, những ông bố bà mẹ trẻ không được tôn trọng, hoặc suy nghĩ hời hợt, đã đưa ra những quyết định vội vàng. Tác phẩm tiếp theo sẽ bày tỏ hết những suy nghĩ đó của mình.

Cảm ơn Lâm Hoàng Trúc. Chúc những dự án tiếp theo của bạn tiếp tục gặt hái những thành quả ngọt ngào!

Audio độc giả Diễm My chia sẻ cảm nhận về truyện tranh “Đường hoa”:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm