Các nhà báo trở thành mục tiêu tấn công
Theo Tổ chức báo chí Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), số nhà báo bị sát hại trên thế giới trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 44 nhà báo tại 18 quốc gia.
Thống kê của PEC cho thấy, quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo là Afghanistan khi 11 nhà báo đã bị sát hại, tiếp đó là Mexico và Syria (mỗi nước có 4 nhà báo thiệt mạng); Ecuador, Ấn Độ và Yemen (mỗi nước có 3 nhà báo bị sát hại); Brazil, Dải Gaza, Guatemala và Pakistan (mỗi nước và vùng lãnh thổ có 2 nhà báo thiệt mạng).
Các vụ đánh bom và tấn công liên tiếp mới xảy ra ở Afghanistan ngày 30/4 khiến 36 người chết, trong đó có 10 nhà báo, 11 trẻ em và hơn 50 người bị thương đã khiến cả thế giới rúng động. Theo Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Najib Danesh, những kẻ đánh bom dường như nhắm vào các nhà báo khi chúng sử dụng thẻ báo chí để trà trộn vào nhóm nhà báo tác nghiệp ở hiện trường.
Vụ tấn công khiến 7 phóng viên đã thiệt mạng ngay tại chỗ, trong đó có Maharam Durani, nhà báo nữ của đài địa phương Radio Azadi. 3 nhà báo sau đó đã không qua khỏi. Trước thảm kịch này, Chính phủ Afghanistan tuyên bố sẽ không ngừng nỗ lực đảm bảo an ninh và an toàn cho các phóng viên, đồng thời miêu tả những vụ tấn công này là hành động tội ác chống lại loài người.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã bày tỏ sự phẫn nộ và nhấn mạnh rằng mục tiêu tấn công nhằm vào các nhà báo một lần nữa cho thấy rõ mối nguy hiểm mà những người làm truyền thông phải đối mặt trong khi tác nghiệp. Ông kêu gọi cần phải nhanh chóng đưa ra xét xử các đối tượng chủ mưu gây những hành động tội ác như vậy.
Theo một cơ quan phụ trách việc đảm bảo an ninh cho các nhà báo ở Afghanistan, có ít nhất 80 phóng viên, nhân viên truyền thông đã thiệt mạng tại đây từ năm 2001 tới nay. “Những vụ tấn công như thế này cho thấy môi trường làm việc (dành cho nhà báo) đang rất nguy hiểm”, ông Rahimullah Samandar, một thành viên cấp cao của Ủy ban An toàn Nhà báo Afghanistan (AFJSC).
Bà Sediqa Sherzai - Giám đốc đài Radio-TV Roshani (Afghanistan) cũng cho biết, hiện các phóng viên nữ ngày càng bị quân nổi dậy đe dọa nhiều hơn với tư tưởng chống đối phụ nữ làm việc trong giới truyền thông. Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Global Rights, tất cả các hình thức trao quyền cho phụ nữ bị các nhóm phiến quân, đặc biệt là Taliban cho là gây chia rẽ và chống lại nam giới.
Kiên cường bám trụ vì bình đẳng giới
“Từ khi quân nổi dậy chiếm Kunduz năm 2015, chúng đã tấn công đài Radio-TV Roshani vì chúng không thích nội dung của đài tập trung vào quyền của phụ nữ. Hầu hết phóng viên đều chạy thoát nhưng chúng đã cướp hết thiết bị và phá hủy tất cả. Bất chấp tất cả, tôi cam kết đảm bảo rằng tiếng nói của phụ nữ Afghanistan được nghe ở đất nước này.
Những nữ phóng viên vẫn bất chấp hiểm nguy để phản ánh đúng mặt trái của chiến tranh”, bà Sediqa Sherzai nhấn mạnh. Theo bà Sediqa, các cuộc bầu cử được coi là cần thiết để củng cố các tiến bộ về xã hội và nhân quyền mong manh trong suốt 17 năm qua. Cuộc đấu tranh giành quyền bầu cử đầy đủ của phụ nữ ở Afghanistan vẫn không ngừng nghỉ trong 2 thập kỷ qua.
Ngoài Radio-TV Roshani, từ ngày 4/11/2017, Zan TV (còn gọi là Women TV) đã phát sóng với các chương trình về sức khỏe, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình. Zan TV có 50 nhà báo nữ ở độ tuổi 17 đến 28. Trung bình hiện có khoảng 90.000 lượt người theo dõi chương trình tin tức buổi sáng của Zan TV. Số người theo dõi Zan TV trên Facebook cũng hơn 100.000 người.
Ông Hamid Samar, người thành lập kênh truyền hình này, cho biết: “Lý do tôi thành lập đài truyền hình này là bởi vì tôi nhận thấy những người phụ nữ rất “khát” thông tin có liên quan đến cuộc sống của họ. Người sáng lập kênh truyền hình Zan TV còn cho biết, sự ra đời của Zan TV nhằm góp phần tạo thêm cơ hội cho phụ nữ ở Afghanistan và thúc đẩy bình đẳng giới.
Zan TV còn mang đến cho phụ nữ cơ hội thử sức với lĩnh vực báo chí, kể cả những người không có điều kiện học đại học.
Theo một cuộc điều tra của Trung tâm các nữ nhà báo Afghanistan, số lượng các nhà báo nữ đang sụt giảm, đặc biệt nghiêm trọng trong 2 năm gần đây. Tính đến cuối năm 2017, chỉ còn 1.037 phụ nữ làm việc trong lĩnh vực truyền thông trên khắp Afghanistan. |