Chặng đường làm việc 3 năm không phải là dài nhưng bà Rebecca Bryant đã trải qua nhiều chuyến thăm cấp cao, bao gồm chuyến thăm của Thủ tướng Australia, Toàn quyền Australia và rất nhiều chuyến thăm của Ngoại trưởng Australia đến Việt Nam. Theo bà Rebecca, Việt Nam và Australia là những người bạn và là đối tác trong hơn bốn thập kỷ qua.
Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ 2 nước đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên thành Quan hệ Đối tác Chiến lược nhằm tăng cường và phát triển hơn nữa việc thực hiện triển khai các mục tiêu hợp tác song phương cũng như cho sự phát triển trong khu vực và trên thế giới. Chương trình giao thông (Aus4Transport) và đổi mới sáng tạo (Aus4Innovation) là 2 trong số các chương trình quan trọng của Australia hỗ trợ Việt Nam.
Aus4Innovation là chương trình viện trợ phát triển trị giá 11 triệu đô la Úc nhằm tăng cường hệ thống đổi mới của Việt Nam, chuẩn bị và nắm bắt các cơ hội liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giúp định hình chương trình đổi mới của Việt Nam về khoa học và công nghệ. Còn Chương trình Aus4Transport là chương trình viện trợ phát triển của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia dành cho chính phủ Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ và cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông cho 3 tiểu ngành: Đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Mục tiêu của chương trình là nhằm tăng đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam bằng cách tận dụng kinh phí từ tất cả các nguồn tài chính, từ đó cải thiện mạng lưới giao thông trên cả nước, hỗ trợ giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Phía Australia hợp tác cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải. Vai trò của bà Rebecca trong các chương trình này là đồng chủ tọa Ban Chỉ đạo nhằm đảm bảo các đối tác cùng tương tác trong công việc. Thông qua việc hợp tác với 2 bộ nói trên trong cả 2 chương trình, bà Rebecca sẽ cố gắng xác định các giải pháp mà Việt Nam cần phải có để giải quyết các thách thức.
*Bà Rebecca Bryant hiện là Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam. Trước khi sang Việt Nam công tác, bà là Phó Vụ trưởng Nhóm chuyên trách soạn thảo Sách trắng Ngoại giao của Australia, trực thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.
*Bà từng là Phó Vụ trưởng Bộ phận Phát triển Nông nghiệp, Cơ sở hạ tầng và Khu vực Tư nhân của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.
*Từ năm 2010-2012, bà là Trưởng Văn phòng Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) tại Bắc Kinh, chịu trách nhiệm về các chương trình hỗ trợ phát triển của Úc tại Trung Quốc, Mông Cổ và Bắc Triều Tiên.
*Từ 2008-2010, bà là Giám đốc về Phát triển Nông thôn và An ninh Lương thực và là Tham tán của AusAID tại Honiara, Quốc đảo Solomon trong giai đoạn 2007-2008.
*Bà cũng từng là cố vấn cho Thủ hiến bang Victoria, Lãnh đạo Đảng Đối lập Liên bang và Bộ trưởng Truyền thông của Đảng đối lập.
*Bà có bằng cử nhân về Luật và Quan hệ Quốc tế và bằng Thạc sĩ về nhân chủng học.
Bà Rebecca cho rằng, cần huy động sự đóng góp của phụ nữ trong tất cả mọi lĩnh vực kể cả ngành khoa học, công nghệ, toán học và khoa học máy tính. Phụ nữ có thể hiểu rõ những lợi ích cũng như những thách thức khi tham gia vào lĩnh vực này. Riêng chương trình Aus4Transport luôn đảm bảo nam giới và nữ giới được tiếp cận lợi ích như nhau từ việc tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đây là một chương trình ủng hộ mạnh mẽ nữ giới trong ngành giao thông và vận động họ đi theo con đường sự nghiệp STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học).
Trong thời đại của khoa học công nghệ, những người phụ nữ nói chung và phụ nữ trong ngành kỹ thuật nói riêng tiếp tục vươn lên để khẳng định mình. Họ không ngừng trau dồi kiến thức, khả năng giao tiếp, các kỹ năng mềm, chăm chỉ nghiên cứu khoa học, năng động sáng tạo... Điều này được thể hiện ở việc có rất nhiều công trình khoa học là kết quả quá trình nghiên cứu của họ. Họ trở thành những chính khách, nhà ngoại giao, nhà khoa học... được tôn vinh trong xã hội.
Bà Rebecca Bryant cũng là tấm gương phụ nữ đã trưởng thành từ môi trường kỹ thuật. Hiện bà đang cùng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải phụ trách triển khai những dự án hợp tác Việt Nam-Australia, hỗ trợ sự phát triển ngành Giao thông Vận tải nói chung và hỗ trợ sự phát triển của nữ giới trong ngành Giao thông Vận tải nói riêng.
"Chúng ta quan tâm vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc thiết kế hệ thống giao thông tại Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn và thuận tiện cho tất cả mọi người", bà Rebecca nhấn mạnh.
Bà Rebecca Bryant tham gia các hoạt động cầu nối Việt Nam-Australia
Những kỷ niệm khó quên về mảnh đất hình chữ S
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ khi làm việc trong 2 chương trình Aus4Transport và Aus4Innovation, bà Rebecca cho biết đó là lần bà được đi thăm cầu Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp - cây cầu biểu tượng của tình hữu nghị Australia - Việt Nam. Cầu Cao Lãnh trực tiếp đem lại lợi ích cho hơn 5 triệu người và rút ngắn thời gian đi lại hàng ngày cho 170.000 người dân.
"Tôi thăm cây cầu năm 2018 và tham gia lễ khánh thành cây cầu. Tôi được chứng kiến chiếc ô tô đầu tiên đi qua cây cầu Cao Lãnh này. Tôi thực sự xúc động vì hoạt động hỗ trợ phát triển của chúng tôi đã có tác động trực tiếp đối với người dân Việt Nam, giúp cho công việc kinh doanh, làm ăn, đời sống hằng ngày của họ được dễ dàng hơn", bà Rebecca chia sẻ.
Bà Rebecca cũng đã có dịp thăm tỉnh Đồng Tháp cùng với các cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Bà đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với nông dân tại địa phương cũng như là với các cán bộ tỉnh Đồng Tháp về công nghệ hỗ trợ cho nông dân trong việc ứng phó với sự thay đổi mùa cũng như tác động của biến đổi khí hậu. Bà đã bàn về việc sử dụng công nghệ vệ tinh để dự báo thời tiết và sử dụng điện thoại di động cho việc thực hiện các giao dịch với ngân hàng như đổi tiền nhằm nâng cao đời sống hàng ngày của người dân.
Không chỉ gắn bó với Việt Nam qua công việc, các dự án, những chuyến du lịch càng khiến bà yêu hơn mảnh đất hình chữ S này. "Tôi đã đi du lịch khắp nơi trên đất nước tuyệt vời này, và có rất nhiều nơi tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi muốn nói về một số địa danh như Hà Giang, nơi tôi đã đi đến tận biên giới Việt Nam - Trung Quốc và gặp những con người tuyệt vời từ các nhóm dân tộc thiểu sổ mà tôi chưa từng biết đến. Tôi yêu phong cảnh cũng như đồ ăn tại đây. Thật tuyệt vời", bà Rebecca kể.
Ở làng tranh bích họa Australia - Việt Nam tại phường Tân Tích (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)
Kỷ niệm khác của bà là rừng quốc gia Phong Nha khi bà đi thăm những hang động kỳ diệu. Dù quãng đường đi khá khó khăn, bà phải vượt qua 45km đường rừng để thăm những hang động này. Dù thời tiết nóng và có rất nhiều côn trùng nhưng bà vẫn vô cùng ấn tượng với chuyến đi. "Và Hội An, một trong những nơi tôi yêu thích nhất trên thế giới. Thật là một thành phố đẹp và những con người thân thiện. Tôi thật sự rất thích Hội An và chắc chắn sẽ quay lại đây lần nữa", bà thốt lên.
Con người Việt Nam cũng thu hút tình cảm của bà. "Tôi đã gặp rất nhiều người trên khắp Việt Nam và họ đều thể hiện sự ấm áp cũng như say mê trong cuộc sống. Điều này rất có sức lan tỏa. Từ những người vùng núi phía Bắc cho đến những người sống dọc bờ sông Mekong, tôi yêu quý tất cả những người tôi đã gặp. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời với tôi", bà chiêm nghiệm.
Vững vàng với nghề ngoại giao, có tri thức về ngành kỹ thuật, bà Rebecca đã từng làm việc cho một kênh truyền hình ở Australia.
"Với công việc là nhà báo, tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi không phải là người thích nói chuyện với công chúng, đám đông. Tôi không tự tin và vô cùng ngượng ngùng, dè dặt nhưng khi làm nhà báo, bài học đầu tiên tôi học được là cách để làm cho bản thân thư giãn, không căng thẳng, không sợ gì cả và phải tự tin hơn. Đó là phẩm chất quan trọng cho tất cả mọi người. Chúng ta sợ không phải vì đứng trước mọi người mà là do chúng ta tự ti, không tin tưởng bản thân. Chúng ta phải biết khắc phục những điểm đó. Điều thứ hai mà tôi học được khi làm báo là tầm quan trọng việc giao tiếp, trao đổi thông tin với người khác. Chúng ta cần sử dụng phép giao tiếp đơn giản. Nếu có sự đam mê, cam kết trong công việc thì bất kỳ người nào đều có thế đóng góp cho nghề đó", bà Rebecca tâm sự.
NGỰ BÌNH