Nữ phó giáo sư cả đời "ngồi ghế bị cáo" được tặng Huy chương Puskin

18/02/2018 - 19:56
Năm 2017, Việt Nam vinh dự khi có nhà khoa học nữ đầu tiên nhận giải thưởng Huy chương Puskin, do đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng. Đó là Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tuyết Minh.
“Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam khi làm hồ sơ gửi sang Nga đã bí mật với tôi đến phút cuối, nên khi biết được nhận giải thưởng tôi rất bất ngờ”, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh chia sẻ.

26 năm miệt mài làm từ điển Việt-Nga

Ở tuổi 80, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh vẫn rất minh mẫn với lối nói chuyện cởi mở và thân tình. 

Bà bảo, giữa năm 2017, bà đã có dịp trở lại nước Nga. Vì tuổi đã cao, bà coi đó là chuyến đi sau cùng tới xứ sở bạch dương và ghé thăm thầy cô giáo, thăm bạn bè, trường xưa, lớp cũ. 

Nhưng niềm vui như vỡ òa khi bà biết mình được nhận Huy chương Puskin. Thêm một lần nữa, bà lại có cơ hội trở về với mảnh đất mà mình đã có hơn 20 năm gắn bó.

Năm 1953, bà Nguyễn Tuyết Minh là một trong những học sinh tiêu biểu của Việt Nam được gửi sang Trung Quốc học trường Thiếu niên Việt Nam, rồi được chọn sang Liên Xô. Năm 1961, bà Minh trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của trường Đại học Sư phạm Lê Nin. Bà tham gia giảng dạy tại Khoa Ngữ văn (Đại học Sư phạm Hà Nội), sau đó chuyển sang giảng dạy ở Ban tiếng Nga, Khoa ngoại ngữ (Đại học Sư phạm Ngoại ngữ).

ba_minh_2.jpg
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh xem lại cuốn từ điển Việt-Nga mà bà đã mất 26 năm miệt mài mới hoàn thành. (Ảnh: CTV/Vietnam )

 

Sau 15 năm gắn bó với giảng đường, bà Tuyết Minh cũng không ngờ nhân duyên với nước Nga lại một lần nữa gõ cửa, khi bà được mời tham gia làm bộ Đại từ điển Việt-Nga. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Đó là năm 1986.

“Tôi nhận lời vì bản thân rất muốn làm khoa học. 15 năm, làm giảng viên, rồi phó chủ nhiệm khoa, tôi thấy mình cũng đã cống hiến đủ nhiều cho giáo dục”, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh chia sẻ.

Bán hết nhà cửa, bà cùng chồng, con bắt đầu một hành trình mới với 16 năm đằng đẵng xa quê. 

“Sang Nga, lương tôi chỉ được 60 USD. May là chồng tôi cũng biết tiếng Nga và tìm được việc quản lý cho một nhà hàng, lương được 600 USD. Thế là chồng cày cuốc nuôi vợ làm khoa học”, bà Tuyết Minh vui vẻ kể.

Cả đời “ngồi ghế… bị cáo”

Chia sẻ về những ngày đầu làm khoa học bên nước bạn, PGS.TSKH Tuyết Minh bảo, dù việc làm từ điển đã được triển khai từ trước đó 4 năm nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Vì đây là từ điển hợp tác giữa hai Viện Ngôn ngữ nên phải làm đúng theo quy điển của từ điển học. Về tiếng Việt phải căn cứ theo cuốn Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê chủ biên, trong khi cuốn này chỉ mới có 45.000 từ, chưa có từ điển cỡ lớn.

Bên cạnh đó, tiếng Việt và tiếng Nga có nhiều điểm khác nhau. “Ví dụ, trong nhóm danh từ của tiếng Việt có danh từ, số từ, loại từ... Tiếng Nga lại khác, mình phải chia thành nhiều loại. Cách tách từ cũng khác hoàn toàn. Chẳng hạn như từ điển của mình khi đó có mỗi từ ‘ngồi’, không có từ ‘ngồi xuống’, dù đây là hai từ khác nhau, ngồi là trạng thái, ngồi xuống là hành động. Trong khi tiếng Nga có rất nhiều từ liên quan. Hoặc từ ‘đi’, từ điển của mình chỉ có một từ ‘đi’. Trong tiếng Nga có đến chục từ như đi qua, đi lại, đi lên, đi xuống… , song chúng tôi lại không được đưa mỗi từ đó như một từ riêng. Vì thế, nếu chỉ dịch thuần túy thì không dịch được”, bà kể.

“Do đó, chúng tôi phải suy nghĩ xem làm như thế nào. Tôi tính đến cách để đưa các từ đó như ví dụ, cấu tạo từ, hoặc từ láy… Chưa kể, mỗi từ với mỗi nghĩa lại phải qua trao đổi thống nhất giữa nhiều người, phải lập phiếu riêng”, PGS.TSKH Tuyết Minh nhớ lại.

ba_minh_1.jpg
Tổng thống Nga Putin trao Huy chương Puskin cho PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

Với những khác biệt đó, bà cùng các cộng sự đã phải mất đến 2 năm chỉ để đưa ra các nguyên tắc, và mất đến 16 năm miệt mài bên nước bạn, từ năm 1986 đến năm 2002, để hoàn tất cuốn Đại từ điển Việt-Nga. Trở về nước năm 2002, bà còn phải dành đến 10 năm để biên tập lại.

“26 năm cho một cuốn từ điển, nhiều người hỏi vì sao lại tốn quá nhiều thời gian như vậy? Một cuốn từ điển, nhìn đơn giản nhưng sau lưng nó là bao nhiêu lý thuyết. Chúng tôi vẫn đùa là nếu ai phạm tội, không cần cho ngồi tù, cứ bắt đi làm từ điển là đủ sợ rồi”, bà Tuyết Minh cười nói.

Dành chừng ấy thời gian cho công trình của mình nhưng bà Tuyết Minh bảo dù có tỉ mỉ đến đâu thì cuốn từ điển vẫn không thể tránh những sai sót. 

“Từ điển là để tra, bất kỳ khi nào người ta cũng có thể tìm ra lỗi, nên tôi hay nói với mọi người rằng, làm từ điển tức là cả đời tôi ngồi trên ghế... bị cáo”, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh bông đùa. 

Bên cạnh việc làm Đại từ điển Việt-Nga, PGS.TSKH Tuyết Minh cũng từng tham gia công trình hợp tác giữa Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam với Bộ Đại học Nga về biên soạn bộ giáo trình tiếng Nga và biên dịch nhiều cuốn sách có giá trị.

Cả cuộc đời gắn bó với tiếng Nga, bà Tuyết Minh bảo rằng đó là điều rất may mắn. "Học tiếng Nga không chỉ để biết được thêm một ngôn ngữ mới mà còn giúp mình hiểu thêm một nền văn hóa vĩ đại. Không những thế, tôi còn hiểu và học được rất nhiều điều từ tính cách, tình cảm của những con người Nga thân thiện", PGS.TSKH Tuyết Minh chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm