Nữ sinh Hàn Quốc thắp sáng biểu ngữ đòi nữ quyền, chống phân biệt giới

27/05/2019 - 12:15
Mạng xã hội xứ Kim chi đang lan truyền loạt hình ảnh "tuyên ngôn nữ quyền" bên ngoài ký túc xá sinh viên trường đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Đây là những thông điệp về quyền phụ nữ và nỗ lực chống tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn đè nặng trong xã hội nước này.

"Tôi không có bạn trai, tôi thích phụ nữ", "Chúng tôi không phải là hoa", "Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi", "Nữ quyền được nâng cao không có nghĩa nam quyền sẽ giảm xuống"... là những dòng chữ thắp sáng ở khu vực ký túc xá nữ của trường đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội nước này. Loạt biểu ngữ với nội dung tuyên truyền kêu gọi ủng hộ, nâng cao nữ quyền khiến những người đi qua phải dừng chân đọc và suy ngẫm.

 

 
Thông điệp "Chúng ta tất cả đều phải ủng hộ nữ quyền" của nữ sinh trường ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc

 

Loạt hình ảnh trên đã thu được hàng chục nghìn lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội Hàn Quốc nhằm khen ngợi cho hành động mạnh mẽ của các sinh viên ở đây. Đây được cho là hoạt động nằm trong chiến dịch ủng hộ phụ nữ nâng cao nhận thức về quyền lợi của họ và chống lại làn sóng chỉ trích nữ cảnh sát trong vụ việc xảy ra tại phường Daerim, Seoul mới đây.
 
Phong trào nữ quyền ở Hàn Quốc tăng mạnh với khẩu hiệu "Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi" 

  

Tối 13/3, đội cảnh sát tuần tra phường Daerim gồm một nam và một nữ bắt gặp 2 người đàn ông say xỉn đang gây rối. Sau khi cảnh sát nam khống chế được một tên, anh giao lại hắn cho nữ cảnh sát để truy bắt tên vừa bỏ trốn. Tuy nhiên, cảnh sát nữ khá yếu và không thể giữ nổi kẻ say rượu, cô phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Video ghi lại hình ảnh nữ cảnh sát không thể tự trấn áp tội phạm được tung lên mạng và bị nhận không ít lời chê bai, chỉ trích. Nhiều người còn quay sang miệt thị giới tính cô gái bằng lời lẽ nặng nề. Không khó để tìm thấy những bình luận miệt thị, phân biệt giới đối với nữ cảnh sát trên: "Cô này nên ở trong nhà đi, đừng ra ngoài đường gây phiền toái nữa"; "Loại phụ nữ mong manh còn chẳng bảo vệ được bản thân, nghĩ sao mà thi làm cảnh sát"; "Lại là đàn bà"; "Cảnh sát tuần tra thì nên để đàn ông làm mới đúng"...
 
 
Nhiều biểu ngữ đòi nữ quyền ở khu vực Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng mạng với khẩu hiệu "Tôi không có bạn trai. Tôi thích con gái" 
 
Nạn phân biệt giới bị đẩy lên đỉnh điểm khi dân mạng gửi lên Văn phòng tổng thống Hàn Quốc một lá đơn đề nghị có tên "Xin hãy giảm số lượng cảnh sát nữ lại". Chỉ sau một ngày, lá đơn đã thu hút hơn 1.000 chữ ký. Sự việc như giọt nước tràn ly, buộc những người ủng hộ nữ quyền như những sinh viên tại đại học Ngoại ngữ phải lên tiếng. Nhiều người cho rằng thay vì chỉ trích nữ cảnh sát thì giới chức nên đưa ra những biện pháp hữu ích như tăng độ khó cho bài kiểm tra thể chất đầu vào hoặc chính phủ cấp quyền sử dụng súng điện cho cảnh sát tuần tra.
 
 
Phong trào #Metoo lan rộng

 

Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển bậc nhất châu Á với trình độ và thu nhập của người dân đều thuộc hàng khá cao. Thế nhưng, tư tưởng của người dân xứ sở kim chi được cho là vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ Nho giáo, phong kiến. Tư tưởng trọng nam khinh nữ luôn là vấn đề gây nhức nhối của xã hội nước này. Vì vậy, phong trào nữ quyền ngày càng lên cao và phụ nữ nước này đang từng bước nỗ lực đòi công bằng, bình đẳng. Hàn Quốc đã trải qua một làn sóng phản đối chống quấy rối tình dục kể từ khi phong trào #Metoo (Tôi cũng vậy) bắt đầu từ tháng 1/2018 khi nữ công tố viên Seo Ji-hyeon lên tiếng vì bị một đồng nghiệp cấp cao có hành vi không đứng đắn. Ngày 4/8/2018, bất chấp nắng nóng kỷ lục, hàng chục nghìn phụ nữ nước này đã xuống đường biểu tình chống nạn quay lén. Họ giơ cao các biểu ngữ như "Cuộc sống của tôi không phải là trò khiêu dâm của các người". Chính nhà vận động Park Soo-yeon khẳng định nạn quay lén là tội ác, là tấn công tình dục, không phải là khiêu dâm.
  
Phong trào #Metoo ở Hàn Quốc đã tạo cảm hứng cho nhiều người khi ở xã hội với tư tưởng nam giới thống trị, vẫn có một cuộc cách mạng nữ quyền bùng phát. Hàng loạt tên tuổi “đáng kính” đến từ các lĩnh vực chính trị, âm nhạc, văn học, và nghiên cứu của xứ sở Hàn Quốc đã bị vạch trần tội tấn công tình dục. Chiến dịch lên tiếng tố cáo vấn nạn xâm hại tình dục lan tỏa nhanh chóng và nhấn chìm nhiều tên tuổi tai tiếng như Ko Un - Nhà thơ từng được coi là ứng viên giải Nobel Văn học, đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk và cựu chủ tịch tỉnh Nam Chungcheong - ứng viên tổng thống Hàn Quốc Ahn Hee Jung…
 
Chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố mình là một nhà nữ quyền, khẳng định ông rất tự hào khi phụ nữ Hàn Quốc dám nói lên sự thật. "Tôi ủng hộ phong trào #Metoo", ông nói trong một cuộc họp nội các. Ông tuyên bố các cơ quan bảo vệ pháp luật nước này ủng hộ tuyệt đối những nạn nhân bị lạm dụng tình dục tại nơi công sở, đồng thời cho biết sẽ thực hiện mọi biện pháp hiện có để đưa kẻ vi phạm ra trừng phạt.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm