Nữ sinh Việt chỉ ra loạt nguyên nhân khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy lừa đảo khi nộp hồ sơ du học

Ứng Hà Chi
16/11/2022 - 08:50
Nữ sinh Việt chỉ ra loạt nguyên nhân khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy lừa đảo khi nộp hồ sơ du học
Kiều Mây đã đưa ra những thông tin mang lại giá trị hữu ích đến các bạn học sinh trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, tránh những rủi ro không đáng có.

Không thể phủ nhận du học là tấm vé giá trị mở ra nhiều cơ hội trong học tập cũng như phát triển tương lai. Vì vậy, rất nhiều học sinh Việt Nam ngày nay chọn đi du học sau khi tốt nghiệp THPT. Thậm chí, không ít em được gia đình định hướng ra nước ngoài học tập từ những năm học cấp 2, cấp 3. 

Học sinh có dự định đi du học thường cần sự tư vấn, hỗ trợ từ các trung tâm trong quá trình hoàn tất hồ sơ, rất ít em có thể tự "apply". Bên cạnh những trung tâm uy tín, có không ít nơi thực hiện hành vi lừa đảo. Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với học sinh, cũng như thiệt hại kinh tế gia đình các em.

Mới đây, Nguyễn Thị Kiều Mây, 22 tuổi, sinh viên trường Đại học Quốc tế Tokyo (Nhật Bản) đã có những chia sẻ hữu ích về nguyên nhân khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy lừa đảo khi "apply" đi du học. Hiện nữ sinh đang là người tư vấn việc chuẩn bị hồ sơ du học tại một tổ chức có tiếng trong cộng đồng học sinh, sinh viên. Từ trải nghiệm của bản thân cùng với việc tham khảo các nguồn thông tin khác, Kiều Mây đã đưa ra những phân tích sâu sắc trước vấn đề này.

Nữ sinh Việt chia sẻ tất tần tật nguyên nhân khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy lừa đảo khi nộp hồ sơ du học - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Kiều Mây hiện đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản.

NGUYÊN NHÂN ĐẾN TỪ PHÍA HỌC SINH

Trong những phi vụ lừa đảo, có rất nhiều vấn đề xuất phát từ phía học sinh.

1. Tâm lý ỷ lại, trông chờ người khác

Nhiều bạn có tâm lý ỷ lại vào người khác, không chịu tìm hiểu thông tin. Ngày nay, có rất nhiều thông tin về du học/học bổng và nó có thể khiến bạn bị ngợp. Nhưng dù ngợp cũng vẫn phải đọc, tuyệt đối đừng bỏ qua hay làm một cách qua loa. Việc đọc nhiều sẽ giúp bạn có cái nhìn đa chiều.

Ví dụ, nhiều trang đưa tin rằng trường A có học bổng thì khả năng cao là trường này có học bổng. Đây chỉ là cái nhìn chung chung. Còn để xác định thông tin đó có chính xác không, bạn cần truy cập vào website của trường/tổ chức để kiểm tra. Đây là nguồn thông tin tra cứu chính xác nhất.

Trong quá trình tư vấn du học, mình gặp nhiều nhiều câu hỏi như "apply" trường A cần những thủ tục gì, trường yêu cầu gì? Câu trả lời đã có sẵn trong "application guideline" (hướng dẫn và quy định). Mỗi lần thấy câu này, mình sẽ từ chối trả lời kèm lời nhắn: "Bạn hãy đọc kỹ application guideline của trường nhé".

Cũng có không ít học sinh nhắn tin riêng cho mình hỏi: "Em thích trường A nhưng em không biết làm thế nào". Lúc này, mình sẽ hỏi: "Em đọc application guideline chưa? Trường có những khoa nào? Những khoa đó sẽ học gì? Trường có điểm nào mà trường khác không có? Em đọc hết tin tức trên website trường chưa? Sau này em định làm gì và làm như thế nào?",… Nếu không trả lời được thì chứng tỏ bạn đó chưa tìm hiểu kỹ, chỉ trông chờ vào người khác.

Trông chờ, ỷ lại vào người khác sẽ khiến mọi việc bị ùn tắc, khó có thể giải quyết được. Bởi học sinh "mù" thông tin thì trung tâm nói gì cũng được, và trung tâm cũng không cần quá để ý đến bạn. Họ sẽ tư vấn đại một trường cho xong chuyện. Trung tâm không quan tâm bạn học thế nào, tương lai ra sao, họ chỉ biết "Anh chị bay qua bên đó là chúng tôi hết nhiệm vụ".

2. Nghe thông tin một cách chọn lọc, không dám tiếp nhận nhiều chiều

Nhiều bạn chỉ nghe những thông tin mà bạn ấy thích, còn cái khó nghe hay những điều không hay thì không chịu tiếp nhận. Một số bạn được người nhà, bạn bè yêu thương và khen ngợi nhiều nên khi bị chê, các bạn bày tỏ thái độ không thích.

Nữ sinh Việt chia sẻ tất tần tật nguyên nhân khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy lừa đảo khi nộp hồ sơ du học - Ảnh 2.

Để tránh mắc bẫy lừa đảo từ các trung tâm du học, bạn cần hết sức cẩn trọng. (Ảnh minh họa)

3. Chạy theo trào lưu

Việc chạy theo trào lưu sẽ khiến bạn đưa ra quyết định không sáng suốt trong lúc nóng vội. 

Nhìn lại trong hội nhóm tư vấn du học, mình thấy nhiều bạn hỏi "Profile (hồ sơ) của em thì đi đâu được ạ? Chắc nước nào cũng được đúng không?". Trước trường hợp này, mình "dở khóc dở cười". Bạn thích đi du học nhưng lại không biết đi nước nào, học ngành gì? Phải chăng bạn đi du học chỉ vì thích mác "du học sinh"?

Ngay tại thời điểm đó, nếu một đơn vị tư vấn du học nào đó nhiệt tình hỗ trợ thì chắc chắn bạn ấy sẽ nghe và không có sự chọn lọc thông tin. 

NGUYÊN NHÂN ĐẾN TỪ PHÍA TRUNG TÂM

Mục đích duy nhất của việc lừa đảo là nhằm chiếm đoạt tiền bạc. Các bạn học sinh mới lớn hoặc ở tỉnh lẻ, do chưa tiếp xúc nhiều với thông tin du học sẽ là những "con mồi béo bở" cho những trung tâm "ma", trung tâm lừa đảo. Vậy các trung tâm này kiếm tiền như thế nào? Đó chính là khoản tiền hoa hồng từ các trường có liên kết và tiền phí dịch vụ từ phụ huynh. 

Nhiều trung tâm rất ma mãnh, thủ đoạn. Họ đợi sau khi phụ huynh ký xong hợp đồng mới thông báo khoản phí phát sinh. "Bút sa gà chết", phụ huynh và học sinh không còn cách nào khác ngoài việc chấp thuận.

Vậy như thế nào mới là một trung tâm uy tín? Theo mình đánh giá, trung tâm uy tín là nơi tư vấn dựa vào điều kiện các bạn cung cấp, không với cao nhưng cũng không nói quá thấp. Họ luôn "review" (nhận xét) cả 2 mặt của vấn đề gồm tích cực và tiêu cực, lợi và thiệt. Không có một ngôi trường, quốc gia là hoàn hảo hay lý tưởng. Họ sẽ giúp học sinh và phụ huynh học sinh nhận ra vấn đề đang gặp phải. Chẳng hạn như: "GPA chưa đủ cạnh tranh", "budget không đủ",... và nhiều trung tâm cũng giúp mở rộng networking, kết nối với các anh chị đi trước.

Nữ sinh Việt chia sẻ tất tần tật nguyên nhân khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy lừa đảo khi nộp hồ sơ du học - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Còn đâu là cách để nhận biết trung tâm không uy tín? Đó là những trung tâm đưa ra lời tư vấn "màu hồng" đánh vào tâm lý học sinh. Chẳng hạn như nếu bạn chưa chứng minh tài chính được, họ sẽ xoa dịu: "Không sao, vấn đề này cứ để trung tâm lo". Và sau đó, trung tâm sẽ liên kết với ngân hàng làm giả hồ sơ. Việc làm giả này hên xui, hên thì vẫn đi được, xui thì trượt và bị liệt vào "black list" (danh sách đen) của cục xuất nhập cảnh.  

Hay nếu bạn không có tiền, họ sẽ đon đả: "Em ơi, sang chỗ này tha hồ làm thêm, Úc cho phép làm 80 tiếng/2 tuần, Nhật thì đi làm thoải mái",… Nhưng trung tâm không nói, nếu làm 80 tiếng/2 tuần, các bạn phải vất vả đến mức nào? 

Còn khi bạn không giỏi ngoại ngữ, họ sẽ nhiệt tình an ủi: "Không sao, cứ sang nước ngoài trước đã, sau đó nói chuyện với người bản địa nhiều là cải thiện được ngay". Thầy Đặng Trần Tùng – người Việt đạt 9.0 IELTS cũng từng chia sẻ về vấn đề này. Mặc dù thầy du học ở Mỹ nhưng thầy vẫn cố gắng học rất nhiều, chứ không phải cứ ở trên đất Mỹ là giỏi tiếng Anh.

Một chiêu trò khác mà trung tâm lừa đảo thường chia sẻ là: "Chúng tôi cam kết bạn sẽ đỗ, sẽ đi được". Từ cấp 1 đến cấp 3, có giáo viên nào đã cam kết với các bạn rằng: "Em học lớp của tôi, tôi cam kết em đỗ cấp 3/đại học" chưa? Việc đi du học cũng vậy, nó cần sự cố gắng từ trung tâm, học sinh, cộng thêm sự cẩn thận khi làm hồ sơ và chút may mắn từ phía cục xuất nhập cảnh. Thế nên, nếu một trung tâm "cam kết 100%" đỗ học bổng và đi du học được,... thì bạn nên xem xét lại.

Chia sẻ với bạn một trải nghiệm như sau: Mình từng tham dự lớp học tiếng Nhật của một trung tâm. Ngày đầu tiên, cô giáo nói với cả lớp: "Vào kỳ nghỉ, các bạn ấy có thể làm 80 triệu/tháng". Nghe cô nói xong, mình đi về luôn và không quay lại nữa. Mình muốn "du học" chứ không muốn "du làm".

Nữ sinh Việt chia sẻ tất tần tật nguyên nhân khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy lừa đảo khi nộp hồ sơ du học - Ảnh 4.

NGUYÊN NHÂN ĐẾN TỪ PHÍA NHÀ TRƯỜNG

Nhiều trường chất lượng kém nhưng lại cho học bổng thoải mái, cộng thêm chính sách "marketing" (quảng cáo) thành công đã thu hút rất nhiều sinh viên Việt Nam. Những trường này thi hành triệt để chính sách "tốt khoe xấu che" và thường động viên sinh viên PR hộ.

Tâm lý du học sinh sẽ không bao giờ nói: "Trường tôi đang học là một trường bình thường hay kém chất lượng" bởi "đâm lao phải theo lao". Rất ít bạn dám chia sẻ rõ ràng về 2 mặt là tốt xấu của trường từ trải nghiệm cá nhân. Còn người dũng cảm đứng ra phê phán trường và chính sách PR quá đà chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để biết được trường có có ổn hay không, các bạn học sinh nên tham khảo "review" từ người ngoài cuộc. Những người này có thể là người đã đi tham quan trường, học chuyển tiếp, học chương trình trao đổi hoặc làm việc bên lĩnh vực giáo dục. Họ cũng có thể là cựu du học sinh trong các hội nhóm hoặc trên Quora. Hãy đọc "review" bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để nắm thông tin một cách trọn vẹn.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm