Để đến Vũ Hán, Tạ Lâm đã phải từ chối đơn hàng vận chuyển trái cây đến Vân Nam. Đối với các tài xế xe tải, đi đến vùng tâm dịch vào thời điểm này quá nguy hiểm và không kinh tế, nhưng Tạ Lâm không một chút do dự khi đưa ra quyết định này
Tạ Lâm, một người phụ nữ gốc Hoài Bắc, tỉnh An Huy, đã lái xe tải hơn 30 năm. Thông thường, cô lái chiếc xe tải đông lạnh 17,5 mét của mình để vận chuyển trái cây nhiệt đới từ Vân Nam đến mọi miền đất nước. Trong thời gian dịch bệnh, hầu hết các tài xế xe tải đều không làm việc, thậm chí không mấy ai sẵn sàng tới Vũ Hán. Vào ngày 3/2, Tạ Lâm thấy thông tin trên group Weibo yêu cầu chuyển khẩu trang, quần áo bảo hộ và các vật dụng y tế khác từ Thượng Hải đến Vũ Hán. Chủ lô hàng nói rằng anh không thể tìm được một tài xế nào. Tạ Lâm ngay lập tức đã để lại bình luận ‘Tôi đi!’
Báo ơn vì "những giọt nước" của Vũ Hán
Bên cạnh việc chọn đi Vũ Hán, Tạ Lâm có một lý do đặc biệt khác. Vào tháng 8/2016, Tạ Lâm đã giao hàng từ Chiết Giang đến Tây Tạng. Khi cô đi qua khu vực Ali, bộ tăng áp của xe tải bị hỏng. Xung quanh không một bóng người, cô phải chờ đội giải cứu trong 3 ngày. Thức ăn, nước uống trên xe đang dần cạn kiệt. Trong tuyệt vọng, Tạ Lâm bất chợt gặp được một đoàn xe máy tự lái vào Tây Tạng.
Người trưởng nhóm đã lấy bình nước của anh và rót cho Tạ Lâm một cốc nước, sau đó thông báo cho các thành viên ở phía sau bằng bộ đàm. "Thế là sau đó mỗi người lái xe tới trước mặt tôi đều rót cho tôi một cốc nước, cũng không nói gì nhiều. Tôi thấy lá cờ trên xe họ ghi hai chữ Vũ Hán."
Sự cố này đã in sâu vào trí nhớ của Tạ Lâm. Là một nữ tài xế đường dài, cô đã nếm trải rất nhiều khó khăn vất vả trên đường, nên cô vô cùng trân trọng hành động ấm áp như vậy. "Tôi đã kể chuyện đi Vũ Hán với mẹ tôi vài ngày trước, bà bảo rằng lúc hoạn nạn người ta giúp mình, cho dù là một chút ơn cũng phải báo đáp gấp bội. Chúng tôi không thể báo đáp gấp bội, chỉ có thể dốc hết sức mình để trả ơn từng chút một."
Lần đầu tiên đến Vũ Hán, Tạ Lâm đã lo lắng về sức khỏe của mình, hàng lại cần gấp, bắt buộc phải chạy thâu đêm. Lúc đó, trời đang mưa, Tạ Lâm không dám lái xe nhanh. Trước khi lên xe, cô đã pha 4 gói cà phê vào bình và uống hết, trên xe lại pha tiếp 4 gói nữa, cố gắng chống chọi sự mệt mỏi để chạy thâu đêm.
Sáng sớm hôm sau, bệnh viện gọi và xe cứu thương của họ đang đợi Tạ Lâm ở ngã ba đường cao tốc. Tại điểm đến, các bác sĩ và y tá đã giúp dỡ hàng hóa trong mưa. Tạ Lâm cũng muốn ra khỏi xe để giúp đỡ, nhưng đã bị bác sĩ chặn lại. "Họ nói rằng đây là bệnh viện, nguy hiểm hơn, và họ kiên quyết không cho tôi xuống xe. Một bác sĩ gửi cho tôi một hộp cơm trưa, còn gắp hết tất cả thịt bò trong phần cơm của mình cho tôi."
Sẹo lành rồi, sẽ lại hết đau
"Các bác sĩ mạo hiểm mạng sống của họ để cứu người. Là một tài xế xe tải, có thể góp một phần lực cho Vũ Hán, tôi cảm thấy rất tự hào." Tạ Lâm đặc biệt thích nghề nghiệp của cô. Nữ tài xế chỉ chiếm chưa đến 3% trong số 30 triệu tài xế xe tải trên cả nước. Nhiều người nghĩ rằng lái xe tải không phải là việc của phụ nữ, chưa kể đến việc cô lái một chiếc xe tải kéo hạng nặng với thông số kỹ thuật cao nhất và khó kiểm soát nhất.
Tạ Lâm thích ô tô và chịu ảnh hưởng bởi cha cô. Ngay khi rảnh rỗi, cô thường đến đội xe của ông để chơi. "Tôi không nhớ mình biết lái xe khi nào, ngày ấy còn hay lui tới xưởng xe, giúp người khác sửa xe." Ở tuổi 20, Tạ Lâm đã tiết kiệm tiền để thi lấy bằng lái xe và gia nhập đội xe.
Ban đầu, mẹ cô cực lực phản đối cô chạy xe. Khi thấy con gái mình có thể chịu đựng khó khăn, dần trưởng thành, bà dần chấp nhận điều đó. Tạ Lâm hiện là trụ cột của gia đình. Cô có một cô con gái đang học đại học, mọi chi phí trong nhà đều do cô gánh vác. Trách nhiệm gia đình và lựa chọn của cô đã giúp cô tồn tại trong ngành này trong 30 năm.
Trong những năm đầu tiên, Tạ Lâm đã chở than ở Hoài Bắc. Sau đó ngành than đi xuống, cô đã rời khỏi quê hương và chọn quãng đường dài nhất để chạy. Hầu hết trong năm cô chạy một mình, từ Giang Tô và Chiết Giang đến Tân Cương và Tây Tạng, thường xuyên gặp phải thời tiết xấu, kẹt xe và sự cố. "Một lần ở chỗ không bóng người, chỉ có một mình, tôi còn nghe thấy cả tiếng sói hú. Lúc đó tôi rất sợ, tôi nghĩ khi nào về nhà thì sẽ bán xe đi, không lái nữa."
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi nhanh chóng qua đi. "Hình như sẹo lành rồi, sẽ lại thấy hết đau. Chở hàng quay đầu, đi qua đoạn đường ấy, tôi lại quên hết nỗi sợ!" Bôn ba ở ngoài, Tạ Lâm tự phát triển cho mình một tính cách vô tư. "Rất nhiều người nghi ngờ nữ tài xế, nhưng tôi kệ những gì họ nói, tôi làm công việc mình yêu thích và tôi tự kiếm tiền."
Cách ly 14 ngày lại vào Vũ Hán
Sau khi trở về từ Vũ Hán lần đầu tiên vào ngày 5/2, Tạ Lâm đã bị cách ly khỏi xe và ăn mì ăn liền trong nửa tháng. Vào cuối thời gian cách ly, công ty hậu cần liên lạc với cô một lần nữa xem cô có đến Vũ Hán lần nữa không. Lần này, máy thở cần thiết của Bệnh viện Vũ Hán đã được lắp đặt. Quỹ phúc lợi công cộng Thượng Hải Fosun đã hợp tác với Quỹ phúc lợi công cộng Tencent, Quỹ Youcheng và các công ty khác, xúc tiến mua máy từ Thụy Điển và chuyển về Trung Quốc - Tạ Lâm đã đồng ý.
"Rất nhiều người và bệnh nhân ở đó đang phải gồng mình chiến đấu. Nếu con muốn đi, mẹ chúc con bình an trở về!"
Mẹ Tạ Lâm
Lần trước khi nghe tin cô đến Vũ Hán, mẹ của Tạ Lâm lo lắng tới khóc, sau đó bà động viên cô: Lần này, mẹ cô hỏi xe chở gì, Tạ Lâm nói rằng cô vận chuyển máy thở. "Đó là loại máy thở mà bố từng dùng." Hai năm trước, cha của Tạ Lâm đã chết vì bệnh phổi. Vào thời điểm đó, nhà cô có một máy thở oxy. Tạ Lâm biết rằng đối với bệnh nhân, máy thở là vật cứu mạng họ.
Do sức tải quá lớn của chuyến bay quốc tế, thời gian hàng hóa đến Thượng Hải đã bị hoãn lại từ ngày 23 đến 26. Xe của Tạ Lâm đã đợi gần nhà kho. Cô không dám nhận hàng khác vì sợ nhỡ việc đại sự, đợi mãi tới trưa ngày 26 mới khởi hành.
Từ Thượng Hải đến An Huy, xe lưu thông trên đường cao tốc rất ít. Đặc biệt là về phía Hồ Bắc, gần như không thấy chiếc nào. "Nếu phía trước có xe, lái theo phía sau cũng sẽ có chút tinh thần hơn. Bây giờ dịch bệnh vẫn còn, trên đường không có bóng xe, cũng có chút không quen!"
Theo quy định, Tạ Lâm phải nghỉ ngơi trong khu vực dịch vụ sau mỗi 4 giờ. Vào lúc 3 giờ sáng, Tạ Lâm đã ngủ hai tiếng đồng hồ ở khu vực dịch vụ cuối cùng ở An Huy và đến phía ngoài vành đai Vũ Hán lúc hơn 7 giờ sáng.
"Cảm giác tốt hơn rất nhiều so với lần trước." Tạ Lâm lái xe vào bệnh viện Tế Hòa, Vũ Hán. Tình nguyện viên và nhân viên y tế đã đợi sẵn ở cửa. Tạ Lâm có thể thấy rằng các bác sĩ và y tá trông thoải mái hơn lần trước. 130 máy thở không xâm lấn mà cô vận chuyển đã được đưa đến nhiều bệnh viện ở Vũ Hán để điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng.
"Mùa xuân đã đến, và điều hy vọng nhất là nhanh chóng vượt qua dịch bệnh", Tạ Lâm nói. Ngoài chi phí gia đình, cô phải hoàn trả gần 15.000 nhân dân tệ cho vay mua ô tô mỗi tháng. Mặc dù bộ giao thông quy định, các lái xe chở hàng tới vùng dịch chỉ cần làm tốt công tác bảo hộ thì không cần cách ly khi quay về. Tuy nhiên, Tạ Lâm vẫn quan tâm đến cảm giác của người khác. "Tôi cố gắng không tiếp xúc với người khác, sau khi trở về sẽ tự cách ly ở trên xe một thời gian sau đó mới chạy tiếp. Nếu vật tư y tế được giao nhanh chóng có thể khiến dịch bệnh sớm bị đẩy lui, thì mọi người cũng sẽ sớm được giải phóng!"- Tạ Lâm nói.
Trên hành trình trở về, đường phố Vũ Hán vắng tanh, các cửa hàng đóng cửa và không thấy bóng dáng người đi bộ. Cô chỉ nhìn thấy cảnh sát giao thông, an ninh công cộng và xe cứu thương trên đường, cũng như những tài xế xe tải lớn chở hàng cứu trợ...