Có một điều rất lạ là Hồ Xuân Hương nổi tiếng ở Thăng Long, tài năng được nhiều người biết đến, song về thân thế cuộc đời bà, hầu như không có một tài liệu nào lưu lại. Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu, tiểu sử Hồ Xuân Hương nhưng vẫn còn khá lờ mờ với nhiều đoán định.
Qua một số tài liệu mới phát hiện gần đây, có thể phác lại tiểu sử Hồ Xuân Hương như sau: Bà sinh vào cuối thế kỷ XVIII, khoảng từ năm 1770-1780, là con gái thuộc dòng họ Hồ, nguyên quán làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Họ Hồ là một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan ở thời Lê.
Theo lời tựa tập thơ Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương thì bà là em gái Hồ Sĩ Đống (1739-1785), một đại thần đầu triều thời Lê Hiển Tông - Trịnh Sâm. Cha bà là ông Hồ Sĩ Danh (1706-1783). Ông đỗ Hương cống năm 1732 nhưng không ra làm quan.
Sinh ra trong một dòng họ quyền thế, có truyền thống Nho học, Hồ Xuân Hương lúc nhỏ được đi học và chịu ảnh hưởng mạnh truyền thống văn chương chữ nghĩa của gia đình. Ngay từ thuở học trò, bà đã tỏ ra có năng khiếu làm thơ quốc âm theo thể luật Đường.
Năm 1783, ông Hồ Sĩ Danh mất. Năm 1785, Hồ Sĩ Đống bị trọng bệnh qua đời. Năm 1786, quân Tây Sơn vào Thăng Long phò Lê diệt Trịnh, không bao lâu nhà Lê sụp đổ. Gia đình Xuân Hương cũng như nhiều gia đình quan lại ở Thăng Long đang quen sống bằng bổng lộc nhà Lê, sau những biến động dữ dội trở nên sa sút, cơ cực. Cha và anh đều đã mất, không còn chỗ dựa, mẹ bà phải buôn bán ngoài chợ để sinh sống.
Đầu thời Gia Long nhà Nguyễn, Hồ Xuân Hương đã là một phụ nữ trên dưới 30 tuổi. Trong con mắt kẻ sĩ bấy giờ, bà là một người “học rộng và giỏi văn, nhà nghèo mà đẹp, tư tưởng lạ mà diễm lệ, thơ đúng luật mà thanh thoát, xứng đáng một tài nữ”. Với tài năng như vậy, bà được nhiều văn nhân tài tử mến mộ. Cổ Nguyệt Đường là nơi lui tới xướng họa thơ văn của họ.
Năm 1807, một người họ Phan hiệu là Tốn Phong từ Nghệ An ra Thăng Long, nghe danh tiếng Xuân Hương, ông tìm đến Cổ Nguyệt Đường rồi thành bạn cố tri của bà. Họ thường cùng nhau uống rượu, chuyện trò, xướng họa rất tâm đắc. Sau đó Tốn Phong phải bôn ba vào Nam ra Bắc dạy học kiếm sống, họ không thường gặp nhau được nữa.
Năm 1814, Tốn Phong trở lại Thăng Long, bà trao cho ông tập Lưu hương ký chép các trước tác của bà cho đến thời điểm đó và bảo ông viết lời tựa. Chính qua bài tựa này mà chút ít hình ảnh về Hồ Xuân Hương và cuộc đời bà được lưu giữ lại.
Tượng đài nữ sĩ Hồ Xuân Hương được đặt tại khu đền thờ của dòng họ Hồ tại làng Quỳnh Lưu, Nghệ An. |
Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương có thể nói là một tập thơ tình đặc sắc, khá hiếm hoi trong dòng văn học cổ, được viết vừa bằng Hán văn, vừa bằng Quốc ngữ, đậm chất trữ tình, đằm thắm chân thành. Tập thơ có “buồn vui thương nhớ, có oán giận mong chờ, có niềm tin và nỗi sợ, là tiếng lòng của một phụ nữ giàu nghị lực, đa tình, đa cảm, khao khát yêu đương nhưng luôn thất bại trong tình trường”. Bài thơ Họa Tốn Phong nguyên vận chép trong Lưu hương ký đã cho biết tình cảm khá sâu sắc giữa Xuân Hương và Tốn Phong cùng cảnh tình dang dở của nữ sĩ:
Kiếp này chẳng gặp nữa thì liều,
Những chắc trăm năm há bấy nhiêu.
Nghĩ lại luống đau cho phận bạc,
Nói ra thêm nhẹ với thân bèo.
Chén thề thuở nọ tay còn dính,
Món tóc thời xưa cánh vẫn đeo.
Được lứa tài tình cho xứng đáng,
Nghìn non muôn nước cũng xin theo.
Năm 1815, Xuân Hương về làm lẽ quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển song duyên phận của bà với quan Hiệp trấn cũng chỉ được 3 năm.
Do sắc sảo, hiểu biết, trong thời gian sống ở trấn Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay), Xuân Hương thường được quan Tham hiệp hỏi ý kiến về chính sự. Sự tham gia vào việc công trong trấn của bà khiến viên Án lại tên là Thủ Dung làm việc dưới trướng Trần Phúc Hiển khó chịu. Ông ta ghét bà và có lẽ đó chính là nguyên nhân khiến quan Tham hiệp bị kiện vì tội tham nhũng, bị tống vào ngục rồi nhận án tử hình vào tháng 5/1819.
Sau khi quan Tham hiệp chết, Xuân Hương trở về sống ở Thăng Long. Thời kỳ này bà sáng tác và tập hợp những bài thơ Nôm làm thành một tập gọi là Xuân Hương thi tập.
Xuân Hương thi tập sau khi ra đời được rất nhiều người yêu thích. Thậm chí đến cuối thế kỷ XIX, lối làm thơ Nôm theo kiểu Hồ Xuân Hương được nhiều người mô phỏng.
Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dáng tự bao giờ.
Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa,
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
(Cái quạt)
Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tái!
Cột nhổ đi rồi, lõ bỏ không.
(Đánh đu)
Xuân Hương thi tập sau khi ra đời được rất nhiều người yêu thích. Thậm chí đến cuối thế kỷ XIX, lối làm thơ Nôm theo kiểu Hồ Xuân Hương được nhiều người mô phỏng.
Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dáng tự bao giờ.
Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa,
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
(Cái quạt)
Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tái!
Cột nhổ đi rồi, lõ bỏ không.
(Đánh đu)
Nhìn chung thơ Nôm Hồ Xuân Hương thông minh dí dỏm, đậm chất dân gian, dũng cảm, đầy tự tin phá vỡ cái khung chật hẹp của chuẩn mẫu đạo đức Nho gia, đem đến cho người đọc niềm vui, tình yêu tha thiết đối với con người và cuộc đời.
Thân em vừa trắng, lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
(Bánh trôi nước)
Thân em vừa trắng, lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
(Bánh trôi nước)
Với lối thơ Nôm như vậy, đã từ lâu trong tâm thức người Việt, Hồ Xuân Hương hiện diện như một nhà thơ vô cùng độc đáo, xứng đáng được xưng tụng là Bà chúa thơ Nôm.
Bà đã qua đời tại Thăng Long, có lẽ vào khoảng những năm 1825-1830 khi chưa đến 50 tuổi. Vào năm 1842, khi Tùng Thiện vương Miên Thẩm đến Thăng Long, trong chùm thơ vịnh cảnh Long Biên, ông có nhắc đến nấm mồ của Hồ Xuân Hương bên bờ Hồ Tây:
Mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá,
Tuyền đài hữu hận thác khiên ty
(Phần mộ Xuân Hương thôi chớ tới,
Suối vàng vẫn hận rút nhầm tơ).
Phần mộ này hiện đã không còn, nhưng đài tưởng niệm Bà chúa thơ Nôm đã được chính nữ sĩ tạc nên bằng những bài thơ Nôm bất hủ của mình.