Nữ tổng biên tập đặc biệt nhất Việt Nam

08/08/2015 - 11:14
Trong căn phòng, nữ Tổng biên tập Tạp chí Đời mới Đinh Việt Anh tất bật đi lại như con thoi với máy tính, điện thoại, máy chữ nổi… để xử lý một núi công việc của tờ báo, ít ai nghĩ rằng chị không còn nhìn thấy ánh sáng.

Thoái hóa giác mạc từ lúc lên 3

Là con út trong gia đình có 5 anh chị em ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Anh không may bị thoái hóa giác mạc từ năm lên 3 tuổi. Miền quê nghèo lúc này chưa có điện, nhưng ham học từ nhỏ, Việt Anh vẫn ghé sát vào trang vở bên ngọn đèn dầu để học bài và năm nào chị cũng dẫn đầu thành tích học tập của lớp. Đến năm lớp 9 thì mắt chị hỏng hẳn, Việt Anh phải nghỉ học. Nhớ trường, nhớ lớp, chị nài nỉ bố mẹ cho đi học dự thính. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, do không có trường nào nhận người khiếm thị, nên Việt Anh được bố mua cho một chiếc đài catssette để nghe thời sự, nghe kể chuyện. Cơ duyên đó góp phần đưa chị vào nghiệp báo chí.

Năm 1999, Việt Anh thi vào khoa Triết, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm 2002, chị lại thi vào khoa tiếng Anh, ĐH Mở (Hà Nội). Trong thời gian này, chị còn học thêm tiếng Trung, Nhật và có chứng chỉ sư phạm. Sau đó, Việt Anh về công tác tại Trung ương Hội người mù Việt Nam và đến tháng 7/2013, chị được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập tạp chí Đời mới.

Việt Anh đã làm xiêu lòng chàng trai cùng học tên là Phạm Xuân Trường. Anh Trường cũng hỏng mắt, hiện đang là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù. Căn phòng hơn 20m2 trong khu tập thể ở Cầu Giấy (Hà Nội) là tổ ấm của đôi vợ chồng mù và con gái 5 tuổi.

Hỏng mắt vẫn sành 3 ngoại ngữ

 

Nữ Tổng biên tập (SN 1978) chỉ biết cười dịu dàng xin lỗi khách vì câu chuyện bị ngắt quãng liên tục. “Tôi phải kiêm nhiệm nhiều việc của Hội, của Ban đối ngoại, trực tiếp phụ trách tạp chí Đời mới gồm 4 loại hình là: tạp chí Đời mới chữ Braille (chữ nổi), tạp chí truyền thanh Đời mới, tạp chí Đời mới (chữ in bình thường) và cổng thông tin điện tử của Hội người mù Việt Nam, nên hầu như ngày nào cũng phải chạy đua với thời gian thế này”.

Việt Anh cho biết, mỗi tháng, 1.200 bản tạp chí chữ Braille, 500 đĩa CD truyền thanh được gửi về các địa phương rồi chuyển đến tận tay cán bộ, hội viên. Rồi cổng thông tin điện tử, ngoài nội dung tin tức và bài viết về các hoạt động Hội người mù Việt Nam, còn có thư viện online và diễn đàn chia sẻ, thu hút khoảng 1000 lượt truy cập mỗi ngày, giúp người mù trong cả nước mở rộng thông tin, cập nhật kiến thức để áp dụng vào cuộc sống, học tập, lao động sản xuất, được tiếp thêm động lực, niềm tin, cùng nhau phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Việt Anh kể say sưa về tạp chí của mình với lòng tự hào và sự thông minh, dí dỏm: “Là người chỉ nhìn thấy bóng tối, tôi duyệt tin bài qua máy tính có loa, những gì cần chỉnh sửa, tôi sửa luôn trên máy tính hoặc máy chữ nổi. Còn ảnh đăng kèm, tôi thường chỉ đạo nội dung, bố cục từng ảnh để phù hợp với bài viết. Các phóng viên, biên tập viên hay cộng tác viên cứ thế làm theo. Hạn chế đôi mắt nên tôi phải tập trung toàn bộ tâm trí cho công việc, tránh sai sót bất kỳ chi tiết nào”. Cẩn thận, lại nói và viết thành thạo 3 ngoại ngữ Anh- Trung- Nhật, nên Việt Anh tự biên dịch, viết bài và đứng trang quốc tế luôn.

Mặc dù bận rất nhiều việc, nhưng chị luôn chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, vì phải lấy gia đình mình làm gương cho các hội viên khác. Bởi chị còn kiêm Trưởng ban Công tác phụ nữ - Trẻ em và Chi hội trưởng Chi hội người mù trực thuộc Trung ương Hội. Với vốn ngoại ngữ thành thạo, nhiều năm qua, chị tích cực tìm đối tác, vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em mù trong cả nước.

Việt Anh mong muốn không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tạp chí để giúp người mù ngày càng có cơ hội hoà mình vào hoạt động của người mù khắp thế giới. Cô tâm niệm: "Sự yêu thương, sẻ chia của tất cả mọi người đã xua bớt những tăm tối trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ cố gắng hết sức để ngày càng có nhiều người mù, người khuyết tật được đón nhận sự yêu thương và sẻ chia ấy”.

Với sự phấn đấu không mệt mỏi, chị được nhận danh hiệu "Đảng viên trẻ tiêu biểu" của thành phố Hà Nội (2010); được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (2012). Hai vợ chồng chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen vì đã nỗ lực vượt khó, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc (2013). Danh hiệu gia đình công nhân viên chức lao động thủ đô tiêu biểu (2014).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm