Chị Minh quan niệm, UTV xuất hiện ở người có “vòng 1” lớn, chứ với chị thì không. Thế nên, chẳng mấy khi chị quan tâm đến căn bệnh rất hay gặp, đặc biệt là ở phụ nữ tuổi trung niên này.
Thời gian gần đây, chị thấy mình hay mệt mỏi. Đôi gò bồng đảo của chị xuất hiện vài hạt lổn nhổn như viên sỏi, di chuyển trong ngực. Giật mình, chị tra trên mạng và càng lo lắng hơn khi thấy rằng, độ tuổi trung niên, UTV dễ tấn công chị em. Trong tổng số những bệnh nhân mắc UTV, có gần 75% người ở độ tuổi 40-59. Bước vào tuổi tiền mãn kinh như chị, khi cơ thể đang lão hóa, khả năng miễn dịch của cơ thể giảm, kèm theo rối loạn nội tiết, khiến phụ nữ dễ bị căn bệnh nguy hiểm trên tấn công.
Tìm hiểu xong thông tin, chị hốt hoảng đến ngay bệnh viện khám. Sau khi bác sĩ thăm khám bằng tay, chỉ định cho chị đi siêu âm. Lần đầu tiên siêu âm để phát hiện UTV, chị đau và xấu hổ vô cùng. Sau siêu âm và làm các xét nghiệm, chờ đợi một lúc, bác sĩ công bố kết quả. Rất may, chị không bị ung thư. Những cục bất thường trên ngực chỉ là sự biến đổi của bầu vú trước kỳ kinh nguyệt. Song để an tâm hơn, bác sĩ khuyên chị nên đi khám tiền ung thư sau kỳ kinh khoảng 3 đến 5 ngày.
Bác sĩ khuyên chị Minh nên quan tâm tới “vòng 1” vì dù lớn hay bé, ung thư không kiêng dè ai. (Ảnh minh họa)
Khi biết mình không mắc UTV, chị trải lòng với bác sĩ, rằng ngực chị bé thế này chắc không bao giờ mắc ung thư “núi đôi”. Song bác sĩ khuyên chị nên quan tâm tới gò bồng đảo, vì dù lớn hay bé, ung thư không kiêng dè ai. Khi có cảm giác đau tức ngực bất thường, càng gần kỳ kinh càng đau, hình dạng vú bị méo mó hoặc núm vú tụt vào trong không lôi ra ngoài được, nổi hạch ở nách thì nên nghĩ đến UTV.
Bác sĩ cũng khuyên chị nên tự khám phát hiện UTV tại nhà, bởi việc phát hiện càng sớm, khả năng điều trị khỏi càng cao. Có 5 bước để tự khám tại nhà, bằng cách đứng trước gương, quan sát những biến đổi bất thường về hình dáng của ngực, đồng thời dùng tay ấn nhẹ lên bầu vú, bắt đầu từ trong quầng vú vừa ấn nhẹ vừa di chuyển lần ra ngoài theo đường xoắn ốc. Không bỏ qua vùng nách để xem có hạch hay không. Sau đó dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ nắn nhẹ núm vú xem có chảy nước vàng hay máu ra không? Nếu có bất kỳ những dấu hiệu trên, chị cần đến bệnh viện khám và điều trị càng sớm càng tốt.