Bài thi.. siêu tổ hợp
Theo quyết định của TP Hải Phòng, từ năm học 2017-2018, TP thay đổi phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo hình thức thi tuyển, không xét tuyển. Cùng với đó là quyết định đổi mới kỳ thi vào 10 bằng việc bổ sung môn thi.
Theo đó, ngoài hai môn Toán và Văn như những năm trước, năm nay, học sinh phải thi thêm bài tổng hợp gồm 7 môn: Tiếng Anh, Sinh, Sử, Địa, Lý, Hoá, Giáo dục công dân. Trong bài thi môn tổng hợp, thí sinh trả lời 40 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 60 phút.
Ngay sau khi quyết định thi bổ sung môn thi tổng hợp nói trên, cả học sinh, phụ huynh lẫn thầy cô giáo đều tỏ ra lo lắng, hoang mang.
Một phụ huynh có con thi vào THPT Trần Nguyên Hãn chia sẻ, mỗi môn có hàng trăm câu hỏi. Chưa kể Toán và Văn, với 7 môn trong một đề thi tổng hợp, học sinh phải học 700 câu.
“Cả nhà tôi phục vụ con trai học thi mấy tháng nay. Nhìn con học ngày đêm, không có cả thời gian nghỉ ngơi, cả nhà căng thẳng, mệt mỏi vô cùng” - vị phụ huynh này bày tỏ.
Một nữ giáo viên dạy THCS ở Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng cho biết, việc thay đổi cách thi khiến cả thầy và trò ôn thi rất căng. Bởi ngoài việc cung cấp, truyền tải kiến thức trong sách vở tới các em, giáo viên còn định hướng, rèn luyện cho các em phương pháp làm bài thi để đạt điểm tối đa.
“Ngay từ đầu học kỳ II, chúng tôi đã giúp các em làm quen với cách thi trắc nghiệm mới. Hình thức thi mới cũng khiến cho các thầy cô lo lắng. Lo nhất là môn Giáo dục công dân, chúng tôi vừa giảng dạy vừa động viên, trấn an học sinh để các em yên tâm ôn tập”.
Vẫn "chăm chăm" bắt học sinh học kiến thức
Đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng đã đưa ra lý do thi 7 môn tổng hợp là để hạn chế việc dạy và học lệch ở học sinh THCS. Tuy nhiên, lý do này gặp sự phản đối của nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Hiền (giáo viên THCS tại TP.Vinh, Nghệ An) cho rằng, cách thi này thậm chí phản giáo dục khi bắt buộc học sinh phải học một lượng kiến thức quá lớn (700 câu hỏi cho 7 môn trong bài thi tổ hợp).
“Thay vì hào hứng với cách thi mới, học sinh sẽ bị áp lực tâm lý rất lớn, vừa lo lắng, vừa thấy quá tải. Từ cấp THPT đã định hướng nghề nghiệp rồi, vì thế cách thi này không cần thiết để kiểm tra đầu vào THPT, gây cho học sinh sự mệt mỏi” - cô Hiền cho biết.
Theo cô Hiền, nếu để lý giải là tránh học lệch, học tủ, không nhất thiết phải bắt buộc học sinh thi rất nhiều môn học như thế. Cách thi này cũng đi ngược quá trình đổi mới giáo dục khi vẫn “chăm chăm” bắt học sinh học kiến thức thay vì hướng đến các kỹ năng, tư duy sáng tạo thông qua môn học.
“Theo tôi, chỉ cần thi đầu vào hai môn Toán và Văn là đủ, cần thiết thì thêm ngoại ngữ. Những kiến thức khác có thể gói gọn vào môn cơ bản, câu hỏi ôn tập cũng nên thu gọn lại, thay vào đó là cách ra đề làm sao để học sinh không phải ôn tập quá nhiều kiến thức mà vẫn phát huy được sự sáng tạo khi làm bài. Không nên đặt gánh nặng thi cử lên vai học sinh, mà nên tập trung chất xám vào việc thầy cô giáo nên ra đề như thế nào” - nữ giáo viên chia sẻ.
Đồng quan điểm, cô Lê Hồng Hạnh (giáo viên THPT ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho rằng, quan điểm của Sở GD&ĐT Hải Phòng khi đưa ra các môn thi như kỳ thi năm nay nhằm yêu cầu học sinh phải học tập toàn diện là một quan điểm đúng dắn. Tuy nhiên, chỉ đúng khi việc ôn tập được thực hiện một cách bài bản, có sự chuẩn bị chu đáo.
Theo cô Hạnh, nếu một kỳ thi mà học sinh cảm thấy áp lực, phụ huynh bức xúc thì lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh phải xem lại. Để thi theo cách mới, Sở phải chuẩn bị kỹ như cần công bố đề thi minh họa để học sinh làm quen, công bố các đề minh họa, bộ câu hỏi tham khảo để các em có cơ sở ôn tập.
“Với số lượng 700 câu là quá ôm đồm, học sinh ôn tập rất vất vả. Cách ra đề thế nào để học sinh không quá phụ thuộc vào tài liệu, sách vở khi làm bài mà vẫn kiểm tra được kiến thức, kỹ năng cần thiết - đó mới là kỳ thi đúng tiêu chí học tập toàn diện” - nữ giáo viên cho hay.