Ông ngoại tôi bị chê “gàn dở” chỉ vì nhất quyết bán bánh giò giá 11 nghìn

Tiểu Ngạn
23/05/2023 - 16:03
20 năm trôi qua rồi, ông ngoại tôi cũng mất rồi mà hàng xóm vẫn nhắc mãi về câu chuyện 1000 đồng.

Cuối tuần được nghỉ tôi định đưa mẹ đi chơi nhưng trời nắng nóng. Mẹ con tôi lại quyết định ở nhà đi chợ nấu ăn. Lúc ngang qua chợ có bà cụ mời mua bánh giò, tôi lại bần thần nhớ ông ngoại.

Ông là chỗ dựa duy nhất của 2 mẹ con tôi sau khi bố tôi và bà ngoại cùng qua đời trong một vụ tai nạn. Mẹ đã kiên cường vượt qua tất cả, giấu hết những cú sốc đau lòng để nuôi tôi lớn khôn.

Nhà tôi hồi xưa đơn sơ lắm, chẳng có gì ngoài ít đồ đạc và bộ bàn ghế cũ ông tự đóng để bán bánh giò. Ông ngoại tôi từng là thợ cơ khí, nhưng sau một lần tai nạn lao động thì ông nghỉ việc luôn. Bà ngoại ở nhà vừa hái rau vừa gói bánh giò cho ông bán.

Cả thời ấu thơ tôi loanh quanh bên chiếc quán ăn sáng của ông bà ngoại. Mùi bánh giò in sâu trong ký ức, mãi đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ hương mộc nhĩ xào thịt trong căn bếp nhỏ. Bao năm tôi vẫn không tìm thấy ở đâu có chiếc bánh giò vừa mềm mại vừa thơm ngon như bà ngoại gói. Và cũng chẳng ai dùng lá dong làm vỏ bánh giống bà, toàn thấy người ta dùng lá chuối mà thôi.

Nhờ bí quyết riêng đặc biệt mà bà ngoại “chinh phục” được vô số khách hàng. Thậm chí hàng xóm xung quanh có những gia đình 3 thế hệ đều mê món bánh ấy, họ bảo đi đâu ăn thử cũng thấy không ngon bằng.

Sau khi bà ngoại mất thì ông tôi tính dẹp quán để đỡ nhớ thương bà. Nhưng mẹ tôi đã thuyết phục ông giữ lại vì công thức làm bánh bà đã truyền hết cho mẹ. Nhiều người thân quen cũng xin ông tiếp tục bán bánh, bởi đó là hương vị tuổi thơ họ không muốn lãng quên.

Mỗi chiếc bánh giò ngày xưa bà tôi chỉ lấy giá 4 nghìn đồng. Rồi vật giá leo thang, ông ngoại tôi cứ sửa dần con số trên cái bảng gỗ cũ lên 5000, 7000, 8000 đồng. Ở khu phố bình dân thì đấy là mức giá quá dễ chịu, so với những bát phở tăng vọt từ 35 nghìn lên 50 nghìn thì khách vẫn thích ăn ở nhà tôi cho rẻ.

Một dạo giá thịt lợn tăng cao, mối gạo ngon cũng tăng giá, mẹ tôi bảo với ông ngoại rằng sửa giá bánh lên 13 nghìn cho đủ chi phí. Mẹ đã dò hỏi khách suốt mấy hôm để xem mọi người phản ứng sao với mức giá mới, đa phần họ đều ủng hộ vì tăng có mấy xu chẳng vấn đề gì.

Thế nhưng ông ngoại tôi lại không muốn. Ông bảo để giá 11 nghìn thôi, cao hơn thì có người không mua được. Ví dụ như cô lao công quét rác mỗi ngày chỉ bán ve chai được 15 nghìn chẳng hạn.

Ông ngoại tôi bị chê “gàn dở” chỉ vì nhất quyết bán bánh giò giá 11 nghìn - Ảnh 1.

Mẹ tôi thở dài bảo thương người khác thì ai thương nhà mình, vì bán rẻ quá chẳng có lãi. Ông ngoại trầm ngâm một lúc rồi quyết định chuyển sang bán cả ngày luôn. Mẹ tôi cũng nghĩ ra chuyện bán thêm các thứ ăn kèm như giò chả, xúc xích, dưa góp, sữa đậu… để tăng thêm thu nhập.

Sau khi thay đổi món bánh giò gia truyền sang phiên bản ngon lành đầy đặn hơn, quán nhà tôi bắt đầu nườm nượp khách. Đông nhất là buổi sáng và chiều khi đám trẻ trong phố đi học. Có đứa ngày 2 lượt cứ qua hô dõng dạc “Ông Lý cô Liên cho cháu suất bánh giò đầy đủ ạ!”. Đáng yêu đến nỗi tôi chỉ muốn ở nhà phụ mẹ chiều các khách hàng nhí.

Cơ mà một hôm, bỗng dưng có bà cụ ngõ bên sang quán ăn xong thắc mắc tại sao lại để giá 11 nghìn mà không phải là 10 nghìn hay 12 nghìn cho chẵn. Bà đưa 20 nghìn và không có tiền lẻ, mẹ tôi lúc ấy cũng không có xu lẻ nào trả lại nên 2 người cứ bối rối đứng nhìn nhau. Mẹ chạy quanh hàng xóm đổi tiền nhưng không ai có. Bỗng dưng ông ngoại xuất hiện và bảo biếu bà cụ 1000 đồng ấy luôn.

Mẹ tôi vẻ không vui nên phàn nàn với ông suốt cả buổi chiều. Mấy bà hàng xóm hóng chuyện cũng vừa ngồi phe phẩy quạt vừa bảo ông sửa giá đi cho tiện. Để 11 nghìn cũng hơi khó thanh toán, nhiều khi thấy lẻ ít quá khách toàn phải gọi thêm đồ ăn kèm rồi trả 20 nghìn cho tiện. Ông ngoại chỉ im lặng không đáp.

Bữa khác có chú khách lạ đèo con trai tới ăn, ông ngoại gói bánh xong lấy 11 nghìn thì tự dưng chú kia lớn tiếng tranh cãi. Chú kêu không có 1 nghìn lẻ mà trong ví chỉ có tờ 200, ông tôi mắt kém đếm xấp tiền lẻ trả lại lâu nên chú ấy bực. Mẹ chạy ra nói đỡ rằng chú mua thêm mấy miếng giò nữa cho tròn 15 nghìn nhưng chú không chịu.

Chú đứng giữa đường quát nạt rằng nhà tôi bán quán “ăn cướp”, cố ý để giá lẻ bắt khách phải mua thêm cái nọ cái kia. Mẹ tôi vẫn kiên nhẫn phân bua rằng không ai dám ép chú, mong chú thông cảm vì chiếc bánh giò nhân đầy thịt 11 nghìn cũng là rẻ lắm rồi. Bao người bu lại xem cãi nhau cứ chỉ trỏ bảo bớt 1 nghìn cho chú kia vui, đỡ mất thời gian đôi bên nhưng ông tôi không chịu.

Ông ngoại vẫn đưa lại đủ 189 nghìn. Chú khách thô lỗ ném thẳng gói bánh ra gốc cây rồi phóng đi mất, không quên để lại câu “Bố thí 11 nghìn cho ông già”. Hàng xóm xung quanh nói ông tôi “gàn dở”, có tí tiền cũng không chịu bớt. Mà kể cũng lạ, có mỗi 1 nghìn thôi mà người ta cũng gây sự với ông được. Nhìn ông lặng lẽ nhặt chiếc bánh lên rồi mang vào nhà, mọi người chỉ biết thở dài ngao ngán.

Không ít lần tôi thắc mắc tại sao ông không để giá khác cho món bánh giò, nhưng ông chỉ xoa đầu rồi bảo lớn lên tôi sẽ hiểu. Tính ông ít nói và điềm đạm nên tôi nghĩ ắt hẳn ông chọn như thế là có lý do riêng.

Mấy năm trước ông tôi mất vì bệnh. Nhiều người đến viếng đám tang lắm, mẹ con tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao lúc đương thời ông ít khi đi đâu mà lại quen biết rộng thế.

Hỏi ra mới biết đó là những người lao động nghèo ở khu xóm trọ được ông âm thầm giúp đỡ, và cả một đoàn những em bé đến cùng các sư thầy ở ngôi chùa cách nhà tôi không xa. Suốt bao năm từ hồi bà ngoại mất, ông ngoại đã đem tiền lãi bán bánh giò đi mua gạo và rau tặng cho họ. Thi thoảng ông còn lén mẹ tôi mang bánh đi cho các bé mồ côi trong chùa.

1000 đồng tiền lãi mà ông tôi cố chấp bấy lâu chính là khoản “quỹ đen” ít ỏi mà ông lặng lẽ mang đi làm việc thiện. Ông biết mẹ tôi vất vả nên không nói chuyện “vác tù và” cho ai biết. Ông tự tính toán để mẹ vẫn có đủ tiền lo sinh hoạt phí cho cả nhà, tiền cho tôi đi học và sửa sang quán. Mẹ nói mẹ biết ông giữ lại một ít tiền hàng tháng nhưng tưởng đó là khoản tiết kiệm. Không ngờ ông chấp nhận mang tiếng gàn dở để giúp bao người được ăn nhiều bữa no…

Cũng sắp đến ngày giỗ của ông. Mẹ tôi lại lặn lội về quê tìm mua trám để nấu món trám om tương mà ông ngoại thích nhất. Hàng xóm thân quen vẫn hay nhắc câu chuyện 1000 đồng, họ kể về ông tôi với sự yêu mến kính trọng xen lẫn tiếc nuối. Bài học tình người của ông thật sâu sắc, khiến tôi nhận ra những thứ nhỏ bé cũng có thể làm được điều tốt đẹp lớn lao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm