Pakistan có dự luật cho phép chồng đánh vợ

31/05/2016 - 00:06
Từ chối quan hệ, nói quá to, giao tiếp với người ngoài khi chưa được chồng cho phép có thể khiến người vợ bị đánh, theo một dự luật ở Pakistan.

Luật bảo vệ nữ quyền tiến bộ thì bị phản đối

phu-nu-pakistan.jpg

Đạo luật chống bạo hành phụ nữ 2015 của vùng Punjab là một đạo luật rất tiến bộ trong công tác bảo vệ nữ quyền tại vùng đất đông dân này. Đạo luật đã được cơ quan lập pháp Punjab thông qua vào tháng 2 vừa qua. Đạo luật này đề xuất việc thành lập một lực lượng nữ giới để phản ứng lại với những vụ việc lạm dụng phụ nữ về thể chất, tâm lý cũng như tài chính. Bên cạnh đó, đạo luật cũng chủ trương cung cấp quyền cho các cán bộ bảo vệ phụ nữ có quyền được vào bất kỳ cơ sở giam giữ phụ nữ nào trên địa bàn. Một số điện thoại miễn phí trong mạng lưới điện thoại toàn quốc cũng được đề xuất thiết lập để phụ nữ có thể tố giác những tội ác. Ngoài ra, một mạng lưới những nhà tạm chú cũng hứa hẹn sẽ ra đời nếu như đạo luật được thông qua.

Tiến bộ là vậy, thế nhưng tại đất nước mà từ bao lâu nay nam giới vẫn luôn là người nắm toàn bộ quyền hành thì dự luật này lại bị phản đối khá dữ dội bởi Đảng chính trị Hồi giáo. Thậm chí, các tổ chức tôn giáo cực đoan tại đây còn đe dọa sẽ khởi động các cuộc biểu tình nếu chính phủ không thu hồi đạo luật này. Đảng Hồi giáo lớn nhất tại Pakistan, Jamaat-e-Islami, đã tổ chức một chiến dịch chống lại dự luật này.

phu-nu-pakistan-1.JPG

Một trong những bên phản đối dự luật mạnh mẽ nhất là Hội đồng tư tưởng Hồi giáo (CII). CII mặc dù chỉ là một hội đồng tôn giáo, nhưng tiếng nói của CII lại có ảnh hưởng và sức nặng rất lớn tới bộ máy chính quyền tại Pakistan. Không chỉ lên tiếng phản đối mạnh mẽ, hội đồng này còn gán cho đạo luật này cái “mác” là chống lại Hồi giáo.

Dự thảo luật "chồng đánh vợ" lăm le thế chỗ

Không chỉ bác bỏ, theo tờ Express Tribune của Pakistan, Hội đồng CII còn đưa ra một dự thảo hướng dẫn thay thế, trong đó liệt kê một loạt về những trường hợp mà người chồng có thể sử dụng bạo lực đối với vợ của mình. Theo dự thảo này, một người chồng được phép “đánh nhẹ nhàng” người vợ nếu cô không chấp nhận những yêu cầu từ chồng mình và từ chối ăn mặc như người chồng muốn hay, không đồng ý quan hệ tình dục mà không có bất kỳ lý do tôn giáo nào, hay không đi tắm sau khi quan hệ hoặc trong kỳ kinh nguyệt.

Dự thảo này cũng cho rằng người chồng được phép đánh vợ nếu người vợ không đeo khăn trùm đầu hoặc có ý muốn giao tiếp với người khác hay hỗ trợ tiền cho người khác mà chưa được sự đồng ý của chồng. Dự thảo hướng dẫn này cũng chủ trương đề ra một loạt các hạn chế về quyền của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và giao tiếp xã hội. Họ lập luận rằng phụ nữ nên bị cấm giáo dục cùng những người đàn ông kể từ sau bậc tiểu học, cũng như không được tham gia chiến đấu trong quân đội, không được giao tiếp với những người đàn ông khác trong xã hội. Thậm chí, CII còn đề xuất không cho nữ ý tá được chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân nam và phụ nữ không được phép công tác trong ngành quảng cáo.

Dự thảo này đã được CII xây dựng trở thành một dự luật dài 163 trang và dự kiến sẽ sớm được chuyển lên cho cơ quan lập pháp ở Punjab xét duyệt.

phu-nu-pakistan-3.jpg

Pakistan, nơi nữ quyền luôn bị đe dọa

Pakistan vẫn được biết đến là một trong những quốc gia mà nữ quyền tồi tệ nhất thế giới. Trong xếp hạng chỉ số bình đẳng giới của Liên Hợp Quốc, nước này đứng thứ 147 trên tổng số 188 nước. Một báo cáo năm 2014 được thực hiện bởi tổ chức phi chính phủ Aurat Foundation về nữ quyền đã cho thấy mỗi ngày trong năm có tới 6 phụ nữ bị giết, 6 phụ nữ bị bắt cóc, 4 người bị hãm hiếp và 3 người khác tự tử.

Trong năm 2013, tổ chức này phát hiện tới 5.800 trường hợp bạo lực gia đình được báo cáo là xảy ra tại vùng Punjab, Pakisstan. Ngoài phải chịu những quy định ngặt nghèo thuộc về quy định tôn giáo, phụ nữ nơi đây  còn phải hứng chịu những đòn tấn công bằng axit hay những hành động phỉ bang danh dự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm