Phải thiết lập cơ chế bảo vệ nhà báo

25/03/2016 - 15:15
Việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị 3 đối tượng dùng gậy đánh gây thương tích giữa lúc Quốc hội đang thảo luận để thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) khiến nhiều đại biểu bức xúc và đề nghị Luật cần có cơ chế để bảo vệ khi tác nghiệp.
db-ha-minh-hue.JPG
ĐB Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam) bức xúc về việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung giữa lúc Quốc hội bàn về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Trao đổi với PV Báo PNVN, ĐB Hà Minh Huệ (đoàn Đại biểu QH tỉnh Bình Thuận), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, bức xúc: "Vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung sáng 23/3, ngay giữa Thủ đô là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, coi thường tính mạng, sức khỏe của nhà báo. Tôi đề nghị các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội khẩn trương điều tra để truy bắt các đối tượng đã dùng gậy hành hùng nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và kẻ chủ mưu đứng đằng sau âm mưu đánh để "dằn mặt" nhà báo" (nếu có).

Theo ông Huệ, thời gian qua, có rất nhiều nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp nhưng số vụ bị khởi tố và được đưa ra xét xử còn rất ít. Tất cả các vụ khởi tố đều theo Điều 104 của Bộ luật Hình sự (về tội cố ý gây thương tích - PV ) hoặc các điều luật khác mà chưa có vụ nào bị khởi tố theo Điều 257 Bộ luật Hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Đây là hạn chế khiến các vụ hành hung nhà báo dù đã bị khởi tố nhưng vẫn chưa xét xử xong hoặc được xét xử nhưng không thỏa đáng. 30% công văn của Hội Nhà báo Việt Nam gửi đến cơ quan chức năng để nhờ giải quyết vụ việc, bảo vệ hội viên đã không nhận được hồi âm.

"Theo tôi cần phải thiết lập ngay những cơ chế nghiêm minh để bảo vệ danh dự và tính mạng của nhà báo; khẩn trương xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Điều 257 của Bộ luật Hình sự nêu rõ hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ, là hoạt động xã hội đặc biệt vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Việc hành hung nhà báo đang tác nghiệp cần phải truy cứu và xử lý hình sự theo tội chống người thi hành công vụ. Về phía Bộ Thông tin Truyền thông, cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần cụ thể thêm 1 khoản vào Điều 25 về Quyền và nghĩa vụ của nhà báo là:  Nhà báo được pháp luật bảo vệ khi tác nghiệp", ông Huệ nhấn mạnh. 

Nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ:

ĐB Huỳnh Văn Tính (đoàn Đại biểu QH tỉnh Tiền Giang) cũng đề nghị xem xét bổ sung vào điều cấm những hành vi làm ảnh hưởng đến hoạt động báo chí như không tiếp phóng viên, không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật và có chế tài xử lý vi phạm với các trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi trên. Đồng thời có quy định xem xét trách nhiệm hình sự với các trường hợp hành hung, truy sát nhà báo khi tác nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ tốt an toàn tính mạng cho nhà báo, góp phần vào việc phát hiện đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực trong xã hội, phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí.

“Thời gian qua có không ít hành vi ngăn chặn, cản trở, thậm chí hành hung, truy sát nhà báo tác nghiệp. Mức độ, tính chất vi phạm ngày càng lớn trong khi các quy định xử phạt rất chung chung, thiếu cơ sở pháp lý không đảm bảo an toàn cho nhà báo tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ”, ĐB Huỳnh Văn Tính nói.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm