Phạm Thị Ngọc Đô – Bà chúa dệt lĩnh

31/07/2016 - 11:13
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lĩnh Bưởi được xem là thứ vải sang trọng và cao cấp nhất thời bấy giờ. Người có công sáng tạo ra loại vải này là người phụ nữ có tên Phạm Thị Ngọc Đô.
Tương truyền vào thời Hậu Lê, sau khi vua Lê Thánh Tông chiến thắng Chiêm Thành trở về, trong số những phụ nữ miền trong bị bắt đưa về kinh đô có một cô gái xinh đẹp tên là Phạm Thị Ngọc Đô.

Phạm Thị Ngọc Đô bị đưa về kinh không chỉ vì vẻ đẹp sắc nước hương trời mà còn vì tài canh cửi có một không hai. Vua Lê Thánh Tông rất yêu mến nàng, tuy nhiên do có nhiều điều dị nghị không thể để bà vào cung, vua bèn ban cho Ngọc Đô 80 mẫu đất thuộc địa phận làng Trích Sài (vùng đất ven Hồ Tây – Hà Nội). Nơi đây cảnh đẹp, dân lành, đất đai tươi tốt. Nhà vua lập Điện Huy Văn tại đây để bà cùng 24 cung nữ theo hầu ở.

Về Trích Sài, thấy cảnh dân làng làm ăn vất vả, cực nhọc quanh năm, hái củi, bắt cá để sống, bà Ngọc Đô liền lấy ruộng vua ban lập thành trang trại gọi là Thiên Niên Trang để trồng dâu, nuôi tằm kéo tơ. Bà còn bỏ hàng trăm lạng vàng thuê thợ đóng khung dệt, truyền bá nghề dệt lĩnh của miền trong ra Bắc. Những tấm vải của bà khác hẳn với với những thứ lụa là đương thời. Người ta gọi đó là lĩnh.

Ở đây tuy đã có nghề dệt từ lâu đời nhưng chưa được tinh khéo, vì vậy, bà Phạm Thị Ngọc Đô đã dạy cho người dân những kỹ thuật dệt mới tạo ra nhiều mặt hàng dệt tơ tằm khác nhau. Đặc biệt kỹ thuật làm hàng lĩnh của bà đã tạo nên một thứ sản phẩm trơn bóng, đen nhánh vừa dày vừa đẹp. Cho đến nay cách làm này vẫn còn được lưu truyền.
n-th-b-cha-phm-th-ngc.JPG
 Đền thờ bà Phạm Thị Ngọc Đô ở Trích Sài.
Lĩnh mộc sau khi dệt xong được đem chuội trắng, nhuộm chàm. Sau đó mỗi ngày phải nhuộm nước lá bàng 5 lần, trát bùn rồi phơi khô, cứ như thế trong 7 ngày liền. Sau đó để tăng độ bền của sợi, tấm lĩnh được đem hồ rồi cuộn lại, lấy chày gỗ ghè cho thật mềm. Sau khi xử lý, tấm lĩnh trở nên dày dặn và mềm mại, một mặt đen mờ còn mặt kia bóng láng.

Kỹ thuật này bấy giờ được truyền rộng khắp ra các làng xung quanh thuộc vùng Bưởi nên lĩnh vùng này dệt ra dân gian quen gọi là lĩnh Bưởi. Từ đó lĩnh Bưởi nức tiếng gần xa, trong dân gian truyền tụng những câu ca về lĩnh Bưởi:

The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Luạ vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn.
Nhắn ai trẩy hội kinh thành,
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về…

Lĩnh Bưởi là mặt hàng độc đáo ở kinh thành Thăng Long và chỉ có ở Việt Nam. Chất tơ mềm và thoáng, đặc biệt độ bóng của lĩnh khiến cho trang phục may bằng hàng lĩnh rất sang trọng, tôn thêm vẻ thanh lịch dịu dàng của phụ nữ Thăng Long xưa. Những tấm lĩnh trở nên nổi tiếng trong cả nước và nó cũng trở thành thứ hàng quý hiếm dành cho các vương tôn quý tộc.
tng-th-b-cha-dt-lnh-phm-th-ngc-nh-trch-si.jpg
 Tượng thờ Bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô ở Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Sau khi được truyền dạy “bí quyết” làm lĩnh, những người dân Trích Sài đã phần nào đổi đời và trở nên giàu có. Tưởng nhớ công lao to lớn của bà Phạm Thị Ngọc Đô nên sau khi bà mất, dân làng thương nhớ tôn bà làm tổ nghề và lập miếu thờ bà, gọi là miếu Bà chúa dệt lĩnh. Hàng năm, vào ngày mồng 5 tháng giêng, dân làng đều tổ chức tế lễ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm