Phát bực vì chồng hay vợ luôn miệng cằn nhằn

24/11/2016 - 09:20
Nghĩ cũng lạ. Nhiều người vợ hoặc chồng, bất kỳ trong tình huống nào cũng có thể cằn nhằn. Có phải đó là thói quen thuộc về tính cách? Cứ hở một chút là cằn nhằn, nghe mệt lắm.

Không ít người từng rơi vào trường hợp: Sau 1 ngày, công việc đã xong, bước lên giường ngủ, thở phào, đầu óc nhẹ nhõm. Phòng mát lạnh, chăn gối thơm tho, người nằm cạnh cũng dịu dàng, khả ái. Tóm lại, lúc đó nhắm mắt ngủ là ngon giấc. Vậy mà vừa chợp mắt, bỗng dưng cô vợ khều tay nói khẽ như đang dỗi: “Ngày hôm nay “xúi” quá anh!”. Chuyện gì đây?

“Anh biết không, lúc sáng ngồi uống cà phê với em, anh đưa tay lên ngoáy mũi, trông chướng không thể tả. Chiều nay, trên đường em đi làm về, có thằng cha cà chớn, phun nước bọt ào ào”. Nghe thế, chồng bèn đánh trống lảng: “Mấy hôm nay em nấu ăn ngon lắm, đề nghị em tiếp tục phát huy tài năng nấu nướng”. Câu nói giả lả ấy hợp tình, hợp lý quá đi chứ? Không ngờ, nàng “bắn” luôn một tràng liên thanh: “Thì đấy. Trên người anh, mùi hành tiêu ớt tỏi vẫn còn nồng nặc. Em giơ tay đầu hàng luôn nè”.

Những chuyện đại loại như thế, chẳng to tát, nhưng rồi cũng phải nghe, oải quá. Đành rằng, chỉ “chuyện nhỏ” nhưng với “nửa kia” lại là “chuyện lớn” thì sao? Tất nhiên, cũng có thể góp ý - dù bằng “ngữ điệu” nào đi nữa, song cần phải đúng lúc. Do cằn nhằn không đúng thời điểm nên những lời “tâm tình” ấy đột nhiên mang sắc thái nặng nề, u ám hơn.

***

Hôm trước, bọn tôi gặp nhau “buôn dưa lê”. Câu chuyện đang rôm rả, bỗng nghe anh Phan nhắc nhở vợ: “Kéo cái ống quần xuống. Ai lại để quần ống cao, ống thấp thế kia?”. Chưa hết, thỉnh thoảng Phan lại nói khẽ: “Em cho cái muỗng vào trong ly, sao lại bỏ trên bàn thế kia?” hoặc: “Ăn bánh hơi bị nhiều rồi đấy, trưa bỏ cơm cho mà xem”. Những lời đó có tác dụng gì chăng? Chỉ biết từ lúc ấy, vợ Phan chẳng hào hứng gì với câu chuyện nữa. Cô ngồi im thin thít.

Với các lý do không đâu vào đâu mà cứ bị cằn nhằn hoài, khiến họ hết hào hứng (Ảnh minh họa)

Đó là cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến “nửa này” ít muốn đi chung với “nửa kia”.  Họ cảm thấy lúc nào mình cũng như “có phốt” gì đó, khó mà làm hài lòng “một nửa”.

Trước kia, hễ lúc nào sân khấu gần nhà có vở diễn mới, thì vợ chồng cô em kết nghĩa thường sang nhà rủ vợ chồng tôi đi coi cùng. Đi xem hát, xem kịch có bạn có bè, có người hợp “gu” thì lúc bình phẩm mới thích. Không những ngay lúc đó, mà sau này gặp lại còn có thể trao đổi thêm. Thế nhưng gần đây, tôi chỉ thấy mỗi Hiền đi. Vậy Tiến - chồng của Hiền - đâu? Anh chàng chán xem kịch rồi chăng?

Tình cờ gặp nhau, nghe tôi hỏi, Tiến cười cười: “Đi xem văn nghệ văn gừng để thư giãn nhưng em cảm thấy mệt đầu quá”. À, anh chàng này đổi tính trái nết rồi chăng, chỉ khoái ăn nhậu với bạn bè thôi chứ gì? Suy nghĩ ấy tôi chưa kịp nói nói ra, không ngờ Tiến kể luôn: “Do vợ em hay cằn nhằn quá. Anh có nhớ cái hôm xem vở “Số đỏ” không? Đến cái cảnh thiên hạ vỗ tay rào rào, nhưng em thấy bình thường nên ngồi im. Không ngờ lúc đó, vợ em quay sang than thở: “Đi xem kịch với anh rõ chán. Lời thoại hay thế, sao anh lại ngồi như phỗng? Anh có biết người ta quay lại nhìn mình không?”. Những chuyện vặt vãnh, chẳng đâu vào đâu ấy mà phải nghe hoài, chi bằng lần sau né luôn cho nó lành. Đúng không anh?”.

***

Ngay cả vợ chồng vốn “bình đẳng” cũng cảm thấy khó chịu, huống gì con cái. Nhiều người nghĩ rằng, sở dĩ phải dạy dỗ con từng chút cũng vì thương, vì muốn nó hoàn thiện hơn. Điều này không sai nhưng dù chuyện bé tẹo tèo teo cũng là cái cớ để “giáo dục” bằng “phương pháp”… cằn nhằn thì e rằng thất sách lắm. Có lần chị Huyền tâm sự: “Con gái tôi với bố nó như mặt trời với mặt trăng”. “Tại sao thế? Hai người “kị rơ” gì chăng?”, nghe tôi hỏi, chị bảo: “Ông xã rất thương con nhưng chỉ mỗi tội hay cằn nhằn quá”.

Rồi Huyền kể, đại khái lúc con xem truyền hình, đến đoạn vui nhộn bật cười, thì anh liền cau có: “Con gái con lứa gì mà cười to thế? Muốn cả xóm phải nghe chắc?”. Khi con đang đọc sách say sưa, anh đi ngang qua nhắc nhở: “Sao lại ngả người ra đằng sau? Phải ngồi thẳng lưng lên”. Ông bà ta bảo: “Trời đánh tránh bữa ăn”, nhưng anh ấy vẫn cằn nhằn: “Con nhai cái kiểu gì mà lép bép thế? Phải thế này, thế này…”. Rõ ràng, hễ giáp mặt bố, cô con gái biết chắc thế nào cũng bị cằn nhằn, chi bằng né đi là hơn.

Thử tưởng tượng trời đang xanh, nắng đang đẹp, cầu thủ đang chạy ngon trớn trên sân cỏ, đột nhiên bị trọng tài giơ ngay trước mặt cái thẻ vàng. Có đáng bị “cảnh cáo” không? Nếu đáng, chẳng sao, tâm phục khẩu phục mà chỉnh sửa, còn đây lại vì lý do cực kỳ lãng xẹt nên mới bực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm