Bố mẹ cần quan sát con mình thường xuyên để xem trẻ có dấu hiệu cột sống bị cong vẹo hay không. Chẳng hạn như tư thế ngồi của trẻ không thẳng, hai vai không bằng nhau, hoặc khi gập bụng cột sống nghiêng lệch một bên, đó là những biểu hiện dễ thấy của chứng cong vẹo cột sống. Khi quan sát kiểm tra trẻ cần cởi bỏ áo ngoài, lúc đó sẽ thấy rõ nếu cột sống trẻ bị cong vẹo khi đứng cơ thể không cân đối, phần bên cạnh ngực có xuất hiện các nếp nhăn.
Nhiều bố mẹ không phát hiện sớm chứng bệnh này do lúc trẻ tắm hay thay quần áo bố mẹ không có mặt. Phát hiện bệnh sớm có thể kịp thời kiểm tra và điều trị cho trẻ. Tốt nhất bố mẹ hãy đưa trẻ đến bác sĩ để điều trị chứ đừng nghe theo lời đồn không có căn cứ như treo người lên xà ngang, mát-xa cột sống hay đeo dụng cụ chỉnh hình mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ, để tránh cho việc điều trị bị kéo dài.
Nguyên nhân trẻ bị cong vẹo cột sống
Nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng bệnh này liên quan tới gen di truyền, hormone, thần kinh, rối loạn các mô liên kết... Nhiều người cho rằng do trẻ mang vác vật nặng, đeo ba lô nặng, đứng và ngồi sai tư thế hoặc vận động cơ thể quá sức nên cột sống bị cong vẹo, trên thực tế những điều này không ảnh hưởng nhiều đến chứng bệnh cong vẹo cột sống.
Tác hại khi trẻ bị cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ. Cơ thể trẻ bị mất cân đối sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao, đồng thời dáng người bị lệch một bên, hai vai không cân bằng, ngực phát triển bất thường... Nghiêm trọng hơn là tủy sống và thần kinh bị đè nén, làm ảnh hưởng tới các chức năng thần kinh, cản trở việc thực hiện chức năng của tim và phổi. Khi trẻ có ngoại hình không đẹp sẽ dẫn tới tâm lý tự ti, gặp người ngoài sẽ cảm thấy căng thẳng, ngại ngùng.