Phát hiện trên 76.000 người mắc bệnh lao

Thu Phương
19/11/2022 - 23:41
Phát hiện trên 76.000 người mắc bệnh lao
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được 76.072 ca bệnh lao. Kết quả trên cho thấy, mục tiêu phát hiện 100.000 ca lao trong cả năm 2022 là khả thi.

Chiều ngày 19/11/2022, Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) tổ chức Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2022 và kế hoạch năm 2023 tại Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình CTCLQG cho biết, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số ca lao phát hiện của CTCLQG đã giảm mạnh so với năm 2020. Cụ thể, năm 2021, Chương trình phát hiện được 78.935 ca bệnh lao, giảm 22,7% so với năm 2020 và chỉ đạt 65,2% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm cho số bệnh nhân lao các thể (121.000 ca).

Năm 2022, đặt biệt là từ Quý II, khi dịch COVID giảm, CTCLQG đã tăng cường phát hiện bệnh lao ở cả cộng đồng và tại các cơ sở y tế, đồng thời sử dụng tối đa xe XQ kỹ thuật số để phát hiện được tối đa các ca bệnh lao có trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Chương trình Chống lao duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Vì thế, từ đầu năm đến tháng 9/2022, CTCLQG đã phát hiện được 76.072 ca bệnh. TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, kết quả trên cho thấy mục tiêu phát hiện 100.000 ca lao trong cả năm 2022 là khả thi.

Cũng theo TS Nguyễn Viết Nhung, từ ngày 1/7/2022, CTCLQG đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho người bệnh lao. Chương trình chống lao đã phối hợp với Vụ BHYT (Bộ Y tế) triển khai các công tác chuẩn bị, đôn đốc, hướng dẫn địa phương tiếp nhận, quản lý, sử dụng và điều tiết thuốc chống lao thanh toán từ nguồn ngân sách BHYT. Điều này giúp bệnh nhân lao thuận lợi hơn trong việc điều trị bệnh.

Phát hiện trên 76.000 người mắc bệnh lao - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia

Việt nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao

Tuy đạt nhiều kết quả nhưng công tác chống lao ở Việt Nam còn gặp không ít khó khăn. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó, do tác động nặng nề của dịch COVID-19 vừa qua khiến nhiều bệnh nhân không tiếp cận các cơ sở y tế do sợ lây nhiễm, phải làm xét nghiệm COVID trước khi khám tại một số cơ sở. Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ chế mua sắm, thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách Nhà nước sang BHYT đã bắt đầu được triển khai, tuy nhiên nhiều địa phương gặp khó khăn và vướng mắc cần được tháo gỡ.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, người có thẻ BHYT sẽ phải chi trả 20% chi phí điều trị bệnh lao. Khi người bệnh điều trị một thời gian hết triệu chứng, họ sẽ ngừng hoặc bỏ thuốc, vì việc phải chi trả chi phí dù ít nhưng vẫn là gánh nặng, nhất là với người nghèo. Bởi vì với bệnh lao, phác đồ điều trị thường kéo dài, việc phải chi trả chi phí tạo gánh nặng tài chính rất lớn cho người bệnh.

"Việc người bệnh bỏ điều trị còn kéo theo nguy cơ kháng thuốc. Do đó, cần phải nghiên cứu làm sao có thêm ngân sách để hỗ trợ, cấp thuốc chống lao miễn phí đến từng người bệnh một cách dễ dàng nhất. Có như vậy mới có thể đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Phát hiện trên 76.000 người mắc bệnh lao - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành CTCLQG, chia sẻ về kế hoạch chống lao năm 2023

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành CTCLQG cho biết, để tăng cường phát hiện, quản lý và điều trị lao, trong năm 2023, CTCLQG sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao hàng 1 nguồn BHYT để đảm bảo có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, đáp ứng các điều kiện về thanh quyết toán với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định. Ngoài ra, đảm bảo cung ứng thuốc lao hàng 1 cho các bệnh nhân không có thẻ BHYT, bệnh nhân là người bị tạm giam, phạm nhân trong các trại giam và bệnh nhân tại các cơ sở y tế chưa đảm bảo đủ các điều kiện thanh quyết toán thuốc nguồn BHYT.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, CTCLQG cũng đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, tại cơ sở y tế, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong công đồng, đưa vào điều trị sớm, chất lượng trong CTCL nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Ngoài ra những người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn nhằm giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm